Back to homepage
22/10/2024 07:19
20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới. Quy mô nền kinh tế từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu Đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023.

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu so với thời điểm 20 năm trước đây, năm 2004 - thời điểm ra đời Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), GDP Việt Nam đã tăng khoảng 9,5 lần, từ mức 45,4 tỷ USD năm 2004 lên khoảng 430 tỷ USD năm 2023.

Được xác định là một trong những nguồn nội lực quan trọng của nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân hôm nay đang đóng góp gần 45% vào GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu.

Rất nhiều những thương hiệu doanh nghiệp hôm nay đang dần có vị thế như những “đại sứ” thương hiệu quốc gia. Những cái tên như FPT, Vingroup, VinFast, Viettel, Hòa Phát, Minh Phú... mang trong mình một khát vọng chung của doanh nghiệp Việt Nam về sự phồn vinh, tự chủ, tự lực, tự cường và một kế hoạch cạnh tranh sòng phẳng trên những sân chơi kinh doanh khu vực và quốc tế.

Bươn chải, dám mơ mộng và kiên định qua nhiều bầm dập sóng gió thị trường, hành trình của họ, tất nhiên chưa bao giờ dừng lại và luôn luôn song hành cùng khát vọng thịnh vượng của cả nền kinh tế, cùng hướng về một vị thế uy tín hơn, một kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Mekong ASEAN trân trọng giới thiệu phác thảo về 20 tập đoàn doanh nghiệp tư nhân nổi bật của Việt Nam, cũng là 20 gia tộc kinh doanh và 20 hành trình điển hình về nỗ lực khẳng định tên tuổi trên thương trường.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Vingroup tăng gần 55.000 tỷ đồng so với đầu năm lên 722.259 tỷ đồng, tương đương 29 tỷ USD, vượt xa những tập đoàn lớn trong nước khác như Masan (157.466 tỷ đồng) hay Bảo Việt (234.844 tỷ đồng).

Xét theo tiêu chí tài sản, quy mô của Vingroup còn lớn hơn cả hàng loạt ngân hàng thương mại lớn trong nhóm VN30 như VIB (430.962 tỷ đồng), TPBank (341.555 tỷ đồng) hay Sacombank (717.313 tỷ đồng).

Được vợ chồng doanh nhân Phạm Nhật Vượng thành lập năm 2002, Vingroup trở thành tập đoàn đa ngành, hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực như bất động sản dân dụng và thương mại, du lịch nghỉ dưỡng, sản xuất công nghiệp, giáo dục, y tế.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Sau hơn 2 thập kỷ hoạt động, Vingroup hiện là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Trong mảng bất động sản, Vinhomes - thành viên của Vingroup, là nhà phát triển bất động sản lớn nhất thị trường với tổng tài sản đạt hơn 490.000 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2024.

Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Vinpearl sở hữu hệ thống 18.500 phòng khách sạn trải dài tại các địa danh du lịch trọng điểm của Việt Nam.

Năm 2017, Vingroup thành lập hãng xe VinFast, nuôi tham vọng chinh phục thị trường thế giới và thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. VinFast chính thức niêm yết ở sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq từ tháng 8/2023.

VinFast sau hơn 6 năm hoạt động đã có những bước phát triển ấn tượng. Trong nửa đầu năm 2024, VinFast bán gần 22.000 ô tô điện trên toàn cầu, tăng trưởng 92% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, trong năm 2023, VinFast bán được tổng cộng 34.855 xe điện, tăng gần 5 lần so với năm 2022.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượt khẳng định VinFast là “sứ mệnh, danh dự và tương lai” của Vingroup, quyết tâm đưa công ty này lên tầm thế giới.

Linh hồn của Vingroup – Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng được Forbes công nhận tỷ phú USD từ năm 2013. Trong hơn một thập kỷ qua, ông Vượng liên tục giữ vị trí người giàu nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới.

Vợ ông Vượng, bà Phạm Thu Hương hiện là Phó Chủ tịch Vingroup, phụ trách nhánh hoạt động kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng. Bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Hương cũng là Phó Chủ tịch Vingroup. Con trai ông Vượng, ông Phạm Nhật Anh Quân cũng gắn bó với Vingroup từ năm 2015 đến nay.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình
20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Là nhóm cổ đông lớn nhất tại Techcombank, hành trình trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam ghi đậm dấu ấn của gia đình Chủ tịch Hồ Hùng Anh.

Vào trung tuần tháng 7/2024, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ. Trong đó, cá nhân sở hữu nhiều cổ phiếu nhất là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – phu nhân của Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh với hơn 174 triệu cổ phiếu, tức 4,943% vốn ngân hàng.

Người được xếp vào diện có liên quan của bà Thanh Thủy cũng sở hữu hơn 980 triệu cổ phiếu TCB, tương đương tỷ lệ 27,8%. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh nắm giữ hơn 1,1% vốn điều lệ. Hai người con là Hồ Anh Minh, Hồ Thủy Anh mỗi người nắm giữ gần 4,9% vốn, người con còn lại là Hồ Minh Anh sở hữu hơn 2%.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Doanh nhân Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, có bằng kỹ sư Điện kỹ thuật đại học Bách khoa Kiev (Ukraine), là người đồng sáng lập Tập đoàn Masan – tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam.

Ông Hùng Anh trở thành thành viên hội đồng quản trị Techcombank từ năm 2004. Năm 2008, ông trở thành Chủ tịch HĐQT Techcombank và giữ vị trí này trong suốt 16 năm qua.

Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Hùng Anh, Techcombank phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu hệ thống. Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Techcombank đạt 908.307 tỷ đồng, đứng thứ 5 trong số các ngân hàng niêm yết, chỉ xếp sau BIDV, VietinBank, Vietcombank và MB.

Em trai ông Hồ Hùng Anh, ông Hồ Anh Ngọc hiện là Phó Chủ tịch Techcombank từ năm 2021 sau quá trình làm việc lâu năm, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo của Techcombank khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, ông Hồ Anh Ngọc còn có thời gian dẫn dắt CTCP Đầu tư Thảo Điền – tiền thân của Masterise Group, một trong những tập đoàn bất động sản lớn trên thị trường ở thời điểm hiện tại.

Năm 2013, Masterise chào bán ra thị trường dự án Masterise Thảo Điền và sau đó là các dự án chung cư thuộc phân khúc cao cấp Masteri Millennium; M-One Sài Gòn; M-One Gia Định. Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt của Masterise khi phát triển các sản phẩm hạng sang như Grand Marina Saigon, Global City.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình
20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Hệ sinh thái Sovico trải dài trên nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, từ ngân hàng, hàng không cho đến bất động sản.Hệ sinh thái Sovico trải dài trên nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, từ ngân hàng, hàng không cho đến bất động sản.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, CTCP Tập đoàn Sovico ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.799 tỷ đồng, tăng 16% so với nửa đầu năm 2023. Tổng tài sản tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm lên 188.432 tỷ đồng.

Được vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo – Nguyễn Thanh Hùng thành lập từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Tập đoàn Sovico hiện là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu cả nước, hoạt động trên các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như tài chính ngân hàng, hàng không, bất động sản…

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên tại Đông Nam Á, doanh nhân thứ hai tại Việt Nam có mặt trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes vào năm 2017.

Vào đầu tháng 10/2024, Tạp chí Fortune (Mỹ) công bố danh sách 100 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á - Thái Bình Dương. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong ba đại diện duy nhất của Việt Nam, bên cạnh CEO Vinamilk Mai Kiều Liên và CEO Saccombank Nguyễn Đức Thạnh Diễm.

Bà Thảo cùng chồng, ông Nguyễn Thanh Hùng, đang điều hành kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau của Tập đoàn Sovico. Trong đó, bà Thảo hiện đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC), Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank – HoSE: HDB), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico. Ông Nguyễn Thanh Hùng cũng đang là Thành viên HĐQT Vietjet, Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Trong năm 2023, HDBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 10.336 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Sang nửa đầu năm 2024, ngân hàng này tiếp tục thu về 6.465 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng trưởng 48%.

Phú Long, đơn vị phát triển bất động sản chính của Sovico, trong năm 2023 chào bán nhiều sản phẩm thuộc dự án Mailand Hanoi City và Mailand Hoàng Đồng (Lạng Sơn), Dragon City hay L’alyana Senses World…

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, doanh thu của Vietjet tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 62.535 tỷ đồng trong năm 2023, vượt cả mức 50.603 tỷ đồng của năm 2019. Sang đến nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu đạt 34.030 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 834 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,3% và 511% so với cùng kỳ năm 2023.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Từ một khách sạn nhỏ tại Hạ Long, BIM Group của gia đình doanh nhân Đoàn Quốc Việt trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam.

Được thành lập năm 2011, BIM Land là thành viên chủ lực của Tập đoàn BIM (BIM Group), phụ trách mảng bất động sản của tập đoàn này.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của BIM Land giảm 7% so với đầu năm về còn 27.186 tỷ đồng. Tuy suy giảm đáng kể, quy mô tài sản của BIM Land vẫn cao hơn nhiều tên tuổi lớn của ngành động sản khác như DIG (18.461 tỷ đồng), Hà Đô (14.028 tỷ đồng), ngang ngửa Nam Long (29.726 tỷ đồng) hay Khang Điền (28.499 tỷ đồng).

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

BIM Group được vợ chồng doanh nhân Đoàn Quốc Việt – Khổng Thị Hiền thành lập năm 1994, bắt đầu từ việc xây dựng khách sạn Hạ Long Plaza, sau đó mở rộng ra lĩnh vực thủy sản, bất động sản và năng lượng tái tạo.

Trong lĩnh vực bất động sản, BIM Land là một trong mười nhà phát triển dự án lớn nhất thị trường trong năm 2023, theo đánh giá của BCI Asia. Giai đoạn 2022 – 2023, công ty triển khai và cho ra thị trường nhiều dự án lớn như Horizon Bay (Hạ Long), Sailing Club Residendes Ha Long Bay (Hạ Long), Thung lũng Thanh Xuân (Vĩnh Phúc) và Park Hyatt Phu Quoc Residences (Phú Quốc).

Theo thông tin chính thức từ BIM Group, quỹ đất của BIM Land đạt 7.200 ha, tập trung ở Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận và Lào. Tổng vốn đầu tư các dự án của BIM Land đạt 5 tỷ USD.

Từ năm 2006, BIM Group sản xuất muối theo mô hình công nghiệp trên cánh đồng rộng 2.500 héc ta tại Ninh Thuận, chiếm 60–70% sản lượng muối công nghiệp của Việt Nam, trong đó 2 pháp nhân chủ đạo là CTCP Muối Ninh Thuận và CTCP Sản xuất và chế biến muối BIM do ông Đoàn Quốc Huy - con trai ông Đoàn Quốc Việt làm người đại diện theo pháp luật.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tại cánh đồng muối, BIM Group xây dựng tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió quy mô công suất 500MW đã đưa vào khai thác thương mại từ cuối năm 2021. BIM Group cũng sở hữu diện tích nuôi tôm 1.600 ha tại Kiên Giang, cung cấp 3.000 tấn tôm nguyên liệu mỗi năm cho các công ty chế biến xuất khẩu.

Tham gia điều hành Tập đoàn cùng ông Đoàn Quốc Việt còn có phu nhân Khổng Thị Hiền và hai người con là bà Đoàn Thị Thanh Mai và ông Đoàn Quốc Huy. Trong đó, ông Đoàn Quốc Huy giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn.

Tính đến tháng 7/2022, Bim Group có vốn điều lệ 3.151 tỷ đồng, trong đó ông Đoàn Quốc Việt sở hữu 88,346%, bà Khổng Thị Hiền sở hữu 11,622%. Hai người con là bà Đoàn Thị Thanh Mai và ông Đoàn Quốc Huy cùng sở hữu 0,016%.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Khởi nguồn từ ngành trang sức, sau 3 thập kỷ phát triển, Doji Group trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, với “viên ngọc” là Ngân hàng TPBank.

Ngày 1/7/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu (TP Huế). Dự án có quy mô diện tích 18,2 ha, quy mô dân số khoảng 9.000 người. Tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến hơn 4.600 tỷ đồng.

Liên danh CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji (Doji Group) – Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land (Doji Land) được lựa chọn là nhà thầu thực hiện dự án trọng điểm này.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Doji Group có tiền thân là CTCP Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, được thành lập bởi gia đình doanh nhân Đỗ Minh Phú vào năm 1994. Sau 3 thập kỷ tích lũy và phát triển, Doji trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu cả nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm tài chính, trang sức, F&B, thương mại, bất động sản và văn phòng cho thuê.

Ở lần công bố thông tin gần nhất, trong năm 2023, Doji Group báo lãi sau thuế 491 tỷ đồng, giảm tương đối so với khoản lãi 1.017 tỷ đồng của năm 2022. Tổng cơ cấu nguồn vốn đạt 18.765 tỷ đồng, với 12.404 tỷ đồng là nợ phải trả.

Thành viên chủ lực trong mảng tài chính của hệ sinh thái Doji, là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) – một trong những ngân hàng tư nhân có tốc độ phát triển nhanh chóng hàng đầu thị trường.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của TPBank đạt 361.555 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt 213.432 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận 6.664 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, lợi nhuận trước thuế 3.733 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14% và 10,3% so với nửa đầu năm 2023.

Tại ngân hàng này, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Doji Group – ông Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Anh Tú, em trai ông Phú là Phó Chủ tịch thường trực. Ông Tú cũng là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Diana Unicharm, công ty sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân hàng đầu thị trường.

Ông Đỗ Minh Phú có hai người con, trong đó, ông Đỗ Minh Đức là Phó Chủ tịch Thường trực Doji Group, trong khi bà Đỗ Vũ Phương Anh là Tổng giám đốc tập đoàn này.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Dưới sự lãnh đạo của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Đăng Quang, Masan từ một cơ sở sản xuất gia vị trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Masan đạt 157.466 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thị trường chứng khoán xét theo tiêu chí này.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Masan ghi nhận 38.989 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.425 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 4,5% và 64% so với nửa đầu năm 2023. Tuy tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, Masan vẫn còn cách khá xa kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần từ 84.000 – 94.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 2.250 – 4.020 tỷ đồng.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Được thành lập từ năm 1996, Masan Group niêm yết trên sàn HOSE vào năm 2009 và trở thành một trong những công ty tư nhân có giá trị vốn hóa cao nhất thị trường, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm, tài chính, khai khoáng, bán lẻ.

Masan cũng là một trong các công ty tư nhân huy động vốn quốc tế lớn nhất tại Việt Nam để phát triển theo chiến lược M&A, đặc biệt hướng vào các thương hiệu trong ngành hàng tiêu dùng như VinCommerce, Phúc Long…

Quá trình phát triển của Masan ghi nhận dấu ấn đậm nét của Tiến sĩ vật lý Nguyễn Đăng Quang - nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT tập đoàn.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Là người cầm cương ở Masan, ông Quang là người hoạch định chiến lược và đưa ra các quyết định giúp công ty này phát triển. Sát cánh cùng ông ở HĐQT Masan là phu nhân Nguyễn Hoàng Yến. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Hoàng hiện còn là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Masan Consumer, công ty thành viên của Masan Group hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Bên cạnh Masan, doanh nhân Nguyễn Đăng Quang hiện còn là Phó Chủ tịch HĐQT thứ nhất của Ngân hàng Techcombank.

Theo danh sách cổ đông được Ngân hàng Techcombank công bố vào trung tuần tháng 7/2024, CTCP Tập đoàn Masan là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này khi trực tiếp sở hữu 524 triệu cổ phiếu, tương đương 14,885% vốn điều lệ TCB. Người có liên quan của Masan cũng sở hữu 9,4 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,267%.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Có tổng tài sản vượt ngưỡng 71.000 tỷ đồng, Chứng khoán SSI của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng là công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam.

Vào cuối tháng 8/2024, CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) nhận giấy chứng nhận đăng ký phát hành cổ phiếu từ UBCKNN, bao gồm 302,2 triệu cổ phiếu thưởng và 151 triệu cổ phiếu chào bán ra công chúng.

Đợt phát hành dự kiến kết thúc trong tháng 11/2024 và sẽ nâng vốn của SSI từ 15.011 tỷ đồng lên 19.645 tỷ đồng, dẫn đầu ngành chứng khoán và bỏ xa các đối thủ xếp sau như VNDirect (15.223 tỷ đồng) hay VPBank Securities (15.000 tỷ đồng).

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Được thành lập năm 1999, SSI với tiền thân Công ty Chứng khoán Sài Gòn là công ty chứng khoán đầu tiên ở khu vực TP HCM. Sau gần 25 năm hoạt động và phát triển, SSI trở thành công ty chứng khoán số một thị trường với tổng tài sản đạt hơn 71.100 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2024. SSI cũng là cổ phiếu duy nhất của ngành chứng khoán nằm trong nhóm VN30.

Sự phát triển những năm vừa qua của SSI gắn liền với nhà sáng lập Nguyễn Duy Hưng. Ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của SSI từ thời điểm thành lập cho đến năm 2020, trước khi nhường lại vị trí Tổng giám đốc cho em trai Nguyễn Hồng Nam - người gắn bó với SSI từ những ngày đầu với vị trí Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc.

Vào tháng 4/2015, ông Nguyễn Duy Khánh - con trai của ông Nguyễn Duy Hưng được bầu làm Thành viên HĐQT SSI và đảm nhận vị trí này cho đến nay.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tính đến cuối quý 2/2024, ông Nguyễn Duy Hưng cùng các thành viên trong gia đình trực tiếp 72,34 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 4,9% vốn điều lệ công ty. Bên cạnh đó, các pháp nhân liên quan của gia đình ông Nguyễn Duy Hưng là Công ty TNHH Đầu tư NDH, Công ty TNHH MTV Nguyễn Sài Gòn, Công ty TNHH Bất động sản Sài Gòn Đan Linh cũng nắm 10,3% vốn điều lệ công ty này.

Bên cạnh vai trò tại SSI, ông Nguyễn Duy Hưng cũng cũng là người sáng lập và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) – một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm đóng gói chất lượng cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, PAN ghi nhận doanh thu 6.833 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 377 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 29% và 43% so với cùng kỳ năm 2023.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Quá trình phát triển thành tập đoàn đa ngành của BRG Group nghi nhận dấu ấn lớn của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga.

UBND TP Hà Nội vào hạ tuần tháng 6/2024 có quyết định giao hơn 260ha đất đợt 1 tại xã Vĩnh Ngọc, xã Hải Bối và xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh cho CTCP Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội để thực hiện dự án Thành phố thông minh.

Dự án có diện tích hơn 270 ha, tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, trong đó, biểu tượng của dự án sẽ là tòa tháp trung tâm tài chính, thương mại hỗn hợp cao 108 tầng – trở thành công trình cao nhất Việt Nam.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Chủ đầu tư dự án - CTCP Đầu tư Phát triển Thành Phố Thông Minh Bắc Hà Nội, là liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản và Tập đoàn BRG (BRG Group) – một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga cùng chồng là ông Lê Hữu Báu, thành lập CTCP Tập đoàn BRG năm 1993. Sau 30 năm hoạt động, BRG đã triển khai xây dựng và mua lại nhiều dự án sân golf, khách sạn và bất động sản lớn trên khắp cả nước.

Trên cương vị Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Nga đang dẫn dắt BRG Group - tập đoàn tư nhân kinh doanh đa ngành hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ…

Bên cạnh BRG, doanh nhân Nguyễn Thị Nga còn là một cái tên lớn trên thị trường tài chính Việt Nam.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Giai đoạn 1998 - 2001, bà đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Ngân hàng TMCP Châu Á – Thái Bình Dương. Đến năm 2002, bà Nguyễn Thị Nga chuyển sang ngân hàng Techcombank, đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch HĐQT và sau đó là Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.

Vào năm 2007, Chủ tịch Tập đoàn BRG rút khỏi Techcombank và tham gia vào Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – HOSE: SSB). Bà Nga đảm trách vai trò Phó Chủ tịch SeABank trong 2 năm 2007-2008 và trở thành Chủ tịch HĐQT trong suốt 10 năm sau đó, trước khi trở lại ghế phó Chủ tịch thường trực từ tháng 4/2018 khi Luật sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng mới có hiệu lực.

Sau 3 thập kỷ hoạt động, SeABank đã trở thành một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, lãi sau thuế của SeABank đạt 2.583 tỷ đồng, tăng 60,7% so với cùng kỳ, tương ứng hoàn thành 55% so với kế hoạch cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của nhà băng này, chỉ đứng sau nửa đầu năm 2022.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Được vợ chồng kỹ sư thủy sản Lê Văn Quang – Chu Thị Bình thành lập năm 1992, Minh Phú hiện là một trong những nhà cung ứng tôm hàng đầu thế giới.

Từ ngày 10/9 – 20/9/2024, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCOM: MPC) đã phát hành 1,05 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/CP, nâng vốn điều lệ vượt ngưỡng 4.000 tỷ đồng.

Trong số danh sách lãnh đạo đăng ký mua vào cổ phiếu, ông Lê Văn Quang – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đăng ký mua 187.200 cổ phiếu, bà Chu Thị Bình – Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc đăng ký mua 141.200 cổ phiếu, bà Lê Thị Dịu Minh – Phó Tổng giám đốc đăng ký mua 52.300 cổ phiếu.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được Kỹ sư thủy sản Lê Văn Quang cùng vợ là bà Chu Thị Bình thành lập vào cuối năm 1992, từ một cơ sở thu mua, chế biến thủy sản nhỏ. Sau hơn 3 thập kỷ phát triển, Minh Phú trở thành công ty thủy sản hàng đầu về kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam và nằm trong tốp doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.

Tổng sản lượng sản xuất hàng năm của Minh Phú đạt từ 45.000 – 60.000 tấn, trong khi kim ngạch xuất khẩu cũng được duy trì từ 450 – 650 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Hiện tại nhiều thành viên gia đình này cùng tham gia kinh doanh. Ông Quang và bà Bình thay phiên nhau giữ vị trí Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT của Minh Phú. Con gái Lê Thị Dịu Minh giữ ghế Phó Tổng giám đốc từ năm 2015. Em trai ông Quang, ông Lê Văn Điệp giữ chức Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, gắn bó với công ty từ năm 1999 đến nay.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Theo báo cáo quản trị của Minh Phú, tính đến cuối năm 2023, gia đình ông Lê Văn Quang trực tiếp sở hữu xấp xỉ 176 triệu cổ phiếu MPC, tương đương 44% vốn điều lệ Minh Phú. CTCP Đầu tư Long Phụng – tổ chức liên quan của ông Lê Văn Quang cũng nắm 16,35 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 4,09%.

Năm 2023, Minh Phú lỗ sau thuế 105 tỷ đồng trong khi năm 2022 lãi đến 832 tỷ đồng. Nguyên nhân được công ty đưa ra là vì vùng nuôi tôm gặp dịch bệnh, dẫn đến giá thành tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường tôm thế giới giảm mạnh dưới tác động của lạm phát và sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn cung của Ecuador và Ấn Độ.

Sang 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.488 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi thuế phí, công ty báo lãi sau thuế gần 46 tỷ đồng, tuy còn cách kế hoạch 1.266 tỷ đồng đề ra, kết quả này vẫn tích cực hơn nhiều khoản lỗ 88 tỷ đồng của nửa đầu năm 2023.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Hệ sinh thái Thành Thành Công của vợ chồng doanh nhân Đặng Văn Thành, Huỳnh Bích Ngọc đang có sự chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế thừa, vốn đang là những lãnh đạo cấp cao ở các công ty thành viên.

Ngày 14/7, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS - HOSE: SBT) công bố Nghị quyết HĐQT bổ nhiệm bà Đặng Huỳnh Ức My vào vị trí Chủ tịch HĐQT, kế nhiệm bà Huỳnh Bích Ngọc.

TTC AgriS cho biết đây được xem là bước chuyển giao quyền điều hành giữa hai thế hệ nhằm tăng cường sức mạnh nội tại cho công ty, thực thi mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030 và tiếp tục phát triển bền vững.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Bà Đặng Huỳnh Ức My sinh năm 1981, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và tài chính tại Đại học Preston, New Zealand. Bà là con gái của vợ chồng bà Huỳnh Bích Ngọc và ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group).

TTC Group tiền thân là cơ sở sản xuất cồn do ông Đặng Văn Thành và vợ Huỳnh Bích Ngọc thành lập năm 1979. Sau hơn 4 thập kỷ hoạt động và phát triển, TTC Group trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, du lịch…

Theo thông tin chính thức từ TTC Group, TTC AgriS là pháp nhân lõi trong mảng nông nghiệp của tập đoàn. Công ty hoạt động trên 4 quốc gia là Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc, sở hữu vùng nguyên liệu xuyên biên giới hơn 71.000 ha, sản xuất gần 4.700 tấn đường mỗi ngày và chiếm 46% thị phần ngành đường Việt Nam.

Ở mảng năng lượng, CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) là đơn vị chủ lực của TTC, sở hữu 23 nhà máy thủy điện, điện mặt trời và điện gió với tổng công suất vận hành gần 800 Mwp.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tương tự nhiều tập đoàn lớn trong nước, TTC Group sở hữu danh mục bất động sản đa dạng. Trong đó, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land – HOSE: SCR) sở hữu quỹ đất 1.875 ha với gần 30 dự án trọng điểm. CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality – HOSE: VNG) sở hữu 10 khách sạn và 5 khu nghĩ dưỡng trên khắp cả nước, cung cấp 1.500 phòng ở tiện nghi.

Tổng Công ty Bất động sản Công nghiệp Thành Thành Công ghi dấu ấn với nhiều dự án khu công nghiệp lớn, nổi bật là dự án KCN Thành Thành Công gồm khu công nghiệp 760 ha, khu dân cư 76 ha, khu kho cảng và nhà máy điện mặt trời 184 ha tọa lạc tại xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Ở thời điểm hiện tại, ông Đặng Văn Thành là người dẫn dắt hoạt động của TTC Group trên cương vị Chủ tịch HĐQT, trong khi bà Huỳnh Bích Ngọc là Phó Chủ tịch HĐQT. Vợ chồng ông Thành có ba con đang là những lãnh đạo cấp cao trong hệ sinh thái TTC. Ông Đặng Hồng Anh, con trai cả là Phó Chủ tịch TTC Land; con thứ Đặng Huỳnh Ức My là Chủ tịch HĐQT TTC AgriS; con trai thứ Đặng Huỳnh Anh Tuấn cũng đang là Thành viên HĐQT Điện Gia Lai.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Sát cánh cùng doanh nhân Đỗ Quang Hiển trên thương trường là hai con trai Đỗ Quang Vinh và Đỗ Vinh Quang, đều đang đảm nhận những vị trí cấp cao trong hệ sinh thái T&T Group.

Vào ngày 9/9/2024, T&T Group tổ chức lễ khởi công Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ – Giai đoạn 1. Với quy mô 41,7ha và tổng mức đầu tư gần 780 tỷ đồng, đây là một trong những dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội và là cụm công nghiệp lớn nhất trên địa bàn thành phố hiện nay.

Tiền thân là một cửa hàng điện tử ở Phố Cổ, sau hơn 3 thập kỷ phát triển, T&T Group của gia đình doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu cả nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, tài chính ngân hàng, năng lượng, thể thao…

Theo website của T&T Group, tính đến cuối năm 2023, tập đoàn có vốn điều lệ ở mức 22.000 tỷ đồng, tổng tài sản 45.000 tỷ đồng, có 500 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh liên kết, 80.000 cán bộ nhân viên, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 80 triệu USD.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Hiện tại, ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), thành viên chủ lực trong mảng tài chính ngân hàng của T&T Group, trong khi con trai Đỗ Quang Vinh là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc.

Sinh năm 1989, ông Đỗ Quang Vinh còn là Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), một trong những công ty chứng khoán quy mô hàng đầu thị trường. Người con thứ của ông Hiển là ông Đỗ Vinh Quang, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.874 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ, hoàn thành 61% kế hoạch đề ra cho năm 2024. Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của SHB đạt 659.862 tỷ đồng, tăng hơn 29.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tương tự, Chứng khoán SHS cũng chứng kiến đà tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2024, ghi nhận tổng doanh thu 1.115 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 710 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 290% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, cổ đông SHS thông qua 3 phương án tăng vốn là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Nếu hoàn tất 3 phương án trên, SHS sẽ nâng vốn điều lệ từ 8.132 tỷ đồng lên hơn 17.000 tỷ đồng, lọt nhóm những công ty chứng khoán với vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

​​​​​Khởi nguồn từ lĩnh vực cơ khí vào năm 1999, TC Group của gia đình doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn đã vươn mình trở thành tập đoàn đa ngành, với lĩnh vực cốt lõi là công nghiệp ô tô.

Vào ngày 14/9/2024, Tập đoàn Thành Công (TC Group) ra thông báo cho biết Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đang tập trung hoàn thiện các hạng mục cuối cùng sau 2 năm xây dựng, sẽ tiến hành thử nghiệm và sản xuất những chiếc xe ô tô đầu tiên vào cuối năm 2024, cung cấp ra thị trường trong năm 2025.

Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích 36,5ha; công suất 120.000 xe/năm; thiết kế là nơi sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda theo chương trình hợp tác đầu tư của hãng ô tô hàng đầu Cộng hòa Séc với Tập đoàn Thành Công.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tập đoàn Thành Công (TC Group) của gia đình doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn khởi nghiệp từ lĩnh vực ô tô, xuất phát điểm là Công ty TNHH Cơ khí Thành Công được thành lập năm 1999. Năm 2004, doanh nghiệp này xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Anh (Hà Nội) với thương hiệu xe tải Thành Công, và không lâu sau đó trở thành đại lý chính thức của xe tải DongFeng tại Việt Nam.

Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2008 khi Thành Công trở thành đối tác chính thức của thương hiệu xe tải nặng Hyundai, và một năm sau đó là nhà phân phối duy nhất của xe du lịch Hyundai ở Việt Nam. Liên doanh Hyundai Thành Công đưa nhà máy sản xuất và lắp ráp ở Ninh Bình đi vào hoạt động năm 2011.

Sau 25 năm phát triển, TC Group đã vươn lên và trở thành một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu cả nước, hoạt động trải dài từ sản xuất ô tô cho đến bất động sản, tài chính - ngân hàng.

Ở lần công bố thông tin gần nhất, trong năm 2022, doanh thu của tập đoàn ước đạt 118.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tại Thành Công, người đứng đầu vẫn là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Anh Tuấn. Phu nhân của ông Tuấn - bà Lê Hồng Anh đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Công ty TNHH TCG Land - pháp nhân lõi phụ trách mảng bất động sản của tập đoàn.

Cả hai người con của ông Tuấn và bà Hồng Anh đều tham gia vào hoạt động kinh doanh của Thành Công.

Trong khi con trai Nguyễn Anh Tú làm Tổng giám đốc Liên doanh Ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam; con gái Nguyễn Thị Hồng Ngọc hiện là Chủ tịch HĐTV của Công ty TNHH Thành Công Hwashin - liên doanh giữa Tập đoàn Thành Công và Tập đoàn Hwashin (Hàn Quốc) trong lĩnh vực sản xuất linh kiện thân vỏ và khung gầm ô tô.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Là những những cái tên lớn của thị trường tài chính Việt Nam, hành trình phát triển của Ngân hàng MSB cũng như ROX Group ghi đậm dấu ấn của vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn – Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB) ngày 12/9/2024 ra thông báo hoàn tất phát hành 600 triệu cổ phiếu trả cổ tức, nâng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng, qua đó lọt vào nhóm những ngân hàng TMCP có vốn điều lệ vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Được thành lập vào năm 1991 với tiền thân là Ngân hàng TMCP Hàng Hải, MSB hiện là một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam với tổng tài sản tiệm cận ngưỡng 300.000 tỷ đồng (295.538 tỷ đồng cuối quý 2/2024). MSB cũng là một thành viên quan trọng trong hệ sinh thái ROX Group của vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn – Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Thuộc “thế hệ vàng” của nhóm các doanh nhân trở về từ Đông Âu, ông Trần Anh Tuấn và phu nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường vốn là những nhân tài được nhà nước cử đi du học ở Liên Xô cũ. Đầu năm 1996, vợ chồng ông Tuấn trở về Việt Nam gây dựng cơ đồ, sáng lập nên Công ty cổ phần Nam Thắng - tiền thân của TNG Holdings hay ROX Group sau này.

Dưới sự dẫn dắt của vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn và Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ROX Group không ngừng phát triển, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như phát triển đô thị và khu công nghiệp, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo và đầu tư tài chính. Theo website của ROX Group, tập đoàn có hơn 400 dự án với quy mô kinh doanh hơn 33.000 tỷ đồng.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Ông Trần Anh Tuấn trở thành Phó Chủ tịch thường trực HĐQT MSB - khi ấy vẫn mang thương hiệu Maritime Bank vào năm 2007, đến tháng 10/2008 kiêm nhiệm thêm chức vụ Tổng giám đốc. Ông Tuấn trở thành Chủ tịch HĐQT MSB vào năm 2012 và nắm giữ vị trí này đến nay.

Hiện tại, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Chủ tịch HĐQT ROX Group, trong khi ông Trần Anh Tuấn là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MSB.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Từ một doanh nghiệp buôn bán nhỏ, Tập đoàn Hòa Phát của doanh nhân Trần Đình Long phát triển thành nhà sản xuất thép số một Đông Nam Á.

Tại hội nghị với các doanh nghiệp lớn do Thường trực Chính phủ tổ chức ngày 21/9, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế.

Đặc biệt, ông Trần Đình Long nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dài 1.541 km với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, sẽ là một công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia. Ông bày tỏ sự sẵn sàng của Hòa Phát trong việc tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

“Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao tại Việt Nam,” Chủ tịch Hòa Phát khẳng định.

Hòa Phát được doanh nhân Trần Đình Long cùng các cộng sự thành lập vào năm 1992, khởi nguồn từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng. Sau 3 thập kỷ phát triển, Hòa Phát hiện là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Hòa Phát hoạt động trong 5 lĩnh vực chính, gồm gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp, bất động sản và điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi, chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn.

Theo báo cáo thường niên năm 2023, HPG có công suất 8,5 triệu tấn thép thô/năm, là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Công ty giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, nằm trong top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam.

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Hòa Phát đạt 206.609 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, vượt qua nhiều tập đoàn tư nhân lớn trong nước khác như Sovico (188.432 tỷ đồng) hay Masan (157.466 tỷ đồng).

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát mang về hơn 71.000 tỷ đồng doanh thu, 6.189 tỷ đồng lãi sau thuế; lần lượt tăng 26% và gấp 3,4 lần so với nửa đầu năm ngoái, qua đó thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2024.

Chặng đường phát triển ấn tượng của Hòa Phát ghi đậm dấu ấn của nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long. Ông Trần Đình Long là chủ tịch công ty từ thời điểm khởi sự đến nay. Trong nhiều năm qua, gia đình ông Trần Đình Long cũng là nhóm cổ đông lớn nhất của tập đoàn này.

Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2024 của HPG, ông Trần Đình Long trực tiếp sở hữu 1,65 tỷ cổ phiếu, tương đương 25,8% vốn điều lệ Hòa Phát. Trong khi đó, phu nhân của ông Long – bà Vũ Thị Hiền và con trai Trần Vũ Minh lần lượt nắm giữ 440 triệu và 147 triệu cổ phiếu.

Tổng cộng, doanh nhân Trần Đình Long cùng người liên quan sở hữu hơn 2,24 tỷ cổ phiếu HPG, tương ứng 35% vốn điều lệ Hòa Phát. Tính theo giá thị trường, khối tài sản này hiện có giá trị xấp xỉ 62.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Lão doanh nhân Nguyễn Xuân Thành – nhà sáng lập Tập đoàn Xuân Thành có 7 người con, phần lớn đều là những doanh nhân có tên tuổi. Trong đó nổi bật là Chủ tịch HĐQT LPBank Nguyễn Đức Thụy.

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank – HOSE: LPB) vào trung tuần tháng 11/2024 dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 29.873 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 16,8%.

Sau khi hoàn tất đợt phát hành, LPBank sẽ vượt qua HDBank và củng cố thêm vị thế trong top 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn chứng khoán.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Sự phát triển những năm vừa qua của LPBank gắn liền với doanh nhân Nguyễn Đức Thụy. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Thụy trở thành Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) vào tháng 5/2021, đến cuối năm 2022, ông trở thành Chủ tịch HĐQT LPB.

Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Đức Thụy với cương vị Chủ tịch HĐQT, LPB phát triển nhanh chóng. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của LPB đạt 442.583 tỷ đồng, tăng 46% so với thời điểm cuối năm 2022. Vốn điều lệ ngân hàng cũng tăng mạnh từ 17.291 tỷ đồng lên 25.576 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Thụy là thứ nam của lão doanh nhân Nguyễn Xuân Thành – nhà sáng lập Tập đoàn Xuân Thành – một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu tỉnh Ninh Bình.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Ông Nguyễn Đức Thụy từ năm 2007 đã thay cha nắm vị trí Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Xuân Thành. Đến tháng 5/2015, tập đoàn chính thức đổi tên thành ThaiGroup. Ông Thụy cũng là nhà sáng lập của CTCP Thaiholdings (HNX: THD) – một trong những doanh nghiệp bất động sản niêm yết hàng đầu trên sàn HNX.

Em trai của ông Nguyễn Đức Thụy – doanh nhân Nguyễn Văn Thùy hiện đang sát cánh cùng anh trai, đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của LPB từ tháng 6/2023 đến nay.

Anh trai của ông Nguyễn Đức Thụy – ông Nguyễn Văn Thiện cũng ghi dấu ấn khi là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thiện – một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu cả nước, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng, nông nghiệp, bất động sản.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Với châm ngôn True Happiness (hạnh phúc đích thực), Tập đoàn TH sau 16 năm hoạt động đã trở thành một trong những nhà sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu 30 năm thành lập và phát triển của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank 0 BAB). Sau 3 thập kỷ hoạt động và phát triển, BacABank hiện đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với tổng tài sản đạt gần 155.000 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2024.

Quá trình phát triển xuyên suốt của BacABank gắn liền với doanh nhân Thái Hương, một trong những nhà sáng lập, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng từ thời điểm sơ khai đến nay.

Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2024 của Bắc Á, bà Thái Hương hiện sở hữu 40,8 triệu cổ phiếu BAB, tương đương 4,555% vốn điều lệ ngân hàng này. Trong khi người nhà bà Thái Hương: em gái Thái Thị Thanh Bình (0,837%), anh rể Lê Hồng Trường (0,455%), em rể Nguyễn Văn Danh (3,099%), em rể Hoàng Ngọc Hòa (2,652%), em rể Nguyễn Trọng Trung (3,753%) sở hữu tổng cộng 97 triệu cổ phần, tương đương 10,8% vốn điều lệ BacABank.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Bên cạnh vai trò tại BacABank, vào năm 2009, bà Thái Hương sáng lập Tập đoàn TH và khởi động dự án trang trại bò sữa tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.

Bà Thái Hương với cương vị là nhà sáng lập, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng chiến lược đã đưa Tập đoàn TH trở thành một trong những ông lớn ngành sữa, dẫn đầu thị trường Việt Nam trong phân khúc sữa tươi với hơn 45% thị phần.

Theo báo cáo phát triển bền vững năm 2023, Tập đoàn TH hiện có 367 cửa hàng TH True Mart trên khắp cả nước, số nhân viên xấp xỉ 10.000 người, quy mô đàn bò đạt 70.000 con, dự kiến tăng lên xấp xỉ 200.000 con vào năm 2025.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình
20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Là cổ đông sáng lập, gia đình Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm có dấu ấn đậm nét trên hành trình phát triển của Ngân hàng VietBank.

Vào hạ tuần tháng 3/2024, bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm và cổ đông sáng lập Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank – VBB) có đơn từ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc ngân hàng này theo nguyện vọng cá nhân.

Tập đoàn Hoa Lâm được thành lập năm 1993 với tên ban đầu là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Nhất Nguyên, sáng lập bởi vợ chồng ông Dương Ngọc Hoà và bà Trần Thị Lâm. Đến nay, Hoa Lâm đã mở rộng sang bốn lĩnh vực chính, gồm y tế, dược phẩm, tài chính - ngân hàng và đầu tư bất động sản.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Ở mảng tài chính – ngân hàng, vợ chồng ông Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm là một trong nhưng cổ đông đầu tiên góp vốn và xây dựng VietBank từ những ngày đầu thành lập vào năm 2006.

Trong hơn 15 năm, từ 2006 – 2021, ông Dương Ngọc Hòa là Chủ tịch HĐQT của VietBank, còn bà Trần Thị Lâm cũng có thời gian dài làm Cố vấn cấp cao của HĐQT, trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc VBB từ ngày 19/5/2023.

Chủ tịch HĐQT của VietBank hiện tại là ông Dương Nhất Nguyên, con trai của ông Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm, được bổ nhiệm từ tháng 4/2021. Ông Nguyên được giới thiệu có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính - ngân hàng, từng phụ trách nhiều dự án lớn của Tập đoàn Hoa Lâm.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Dưới sự dẫn dắt của gia đình Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng VietBank đã có những bước phát triển vượt bậc và có chỗ đứng vững chắc sau gần 20 năm hoạt động.

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của VietBank đạt 144.103 tỷ đồng, tăng 4,2% so với thời điểm đầu năm, với 87.989 tỷ đồng là cho vay khách hàng. Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận 1.371 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động và 326 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 21% và 10,9% so với nửa đầu năm 2023.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Tập đoàn Trường Hải hiện hoạt động trên 6 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế là sản xuất ô tô, nông nghiệp, bất động sản, cơ khí - công nghiệp hỗ trợ, logistics và thương mại dịch vụ.

Theo công bố thông tin định kỳ được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố ngày 30/8/2024, CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) ghi nhận lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 đạt 1.011 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Thaco đạt 187.197 tỷ đồng, tăng 13,6% so với thời điểm đầu năm, ngang ngửa so với Tập đoàn Sovico (188.432 tỷ đồng), khẳng định vị thế của một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam.

Thaco Group có tiền thân là CTCP Ô tô Trường Hải, được doanh nhân Trần Bá Dương thành lập vào năm 1997.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Từ lĩnh vực sửa chữa, phân phối xe cá nhân, công ty đã từng bước mở rộng sang lắp ráp, phân phối, cung cấp dịch vụ bảo trì bảo dưỡng các dòng xe KIA, Mazda… Sau gần 3 thập kỷ hình thành và phát triển, Thaco Group của doanh Trần Bá Dương trở thành một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam.

Năm 2021, tập đoàn tái cấu trúc với sáu mảng hoạt động: ô tô với Thaco Auto, nông nghiệp với Thaco Agri, bất động sản với Thadico (Đại Quang Minh), cơ khí, công nghiệp hỗ trợ với Thaco Industries, logistics với Thilogi và thương mại dịch vụ với Thiso Retail.

Hiện tại, ô tô là ngành nghề kinh doanh chủ lực của tập đoàn tư nhân này trong suốt hơn hai thập niên với việc lắp ráp, nhập khẩu, phân phối và dịch vụ sửa chữa cho nhiều thương hiệu như KIA, Mazda, Peugeot, BMW, Foton, Mitsubishi Fuso.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Kế hoạch bán hàng của THACO AUTO trong năm 2024 là 95.400 xe ô tô các loại, trong đó 76.200 xe du lịch và 19.200 xe tải, bus, chiếm 38% thị phần ô tô trong nước; Xuất khẩu hơn 1.600 xe. Doanh thu hợp nhất là 68.400 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng.

Trong nhiều năm, bà Viên Diệu Hoa – phu nhân của ông Trần Bá Dương cũng đồng hành với doanh nhân gốc Huế, làm Thành viên HĐQT của Thaco Group. Ở thời điểm hiện tại, bà Trần Viên Ngọc Oanh – con gái của ông Trần Bá Dương và bà Viên Diệu Hoa cũng đang là Giám đốc Kinh doanh kiêm Phó Tổng giám đốc của Thiso Retail.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Hệ sinh thái Geleximco của gia đình doanh nhân Vũ Văn Tiền trải dài trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, bất động sản, khu công nghiệp, năng lượng và tài chính – ngân hàng.

Thủ tướng Chính phủ ngày 13/9/2024 có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình. Dự án được triển khai tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư 1.940 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 300 tỷ đồng.

Nhà đầu tư của dự án - CTCP Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú được thành lập ngày 22/6/2023 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Geleximco – CTCP nắm giữ 90%, ông Vũ Văn Tiền sở hữu 4% và ông Vũ Văn Hậu sở hữu 6%.

Tập đoàn Geleximco có tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco, ra đời năm 1993 theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Từ một công ty xuất nhập khẩu nhỏ, sau hơn 3 thập kỷ phát triển, Geleximco hiện đã trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh hàng đầu cả nước, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ.

Theo website của doanh nghiệp này, tập đoàn có doanh thu hàng năm trên 20.000 tỷ đồng, tổng tài sản 80.000 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động.

Đà phát triển của Tập đoàn Geleximco có dấu ấn lớn từ doanh nhân Vũ Văn Tiền. Sinh năm 1959, ông Vũ Văn Tiền gắn bó với Geleximco từ những ngày đầu thành lập, đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc.

Vào đầu những năm 2000, Geleximco tiến hành đầu tư vào Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Đến năm 2005, ông Vũ Văn Tiền trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng ABBank và đảm nhận vị trí này cho đến năm 2018, trước khi nhượng lại vị trí cho em rể là ông Đào Mạnh Kháng. Ông đảm nhận ghế Phó Chủ tịch HĐQT của ABB từ đấy đến nay.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Geleximco, Ngân hàng ABBank đã có những bước tiến vượt bậc. Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của ABBank đạt 152.146 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 10.350 tỷ đồng, cao hàng đầu trong số những ngân hàng chưa niêm yết.

Nhiều thành viên trong gia đình doanh nhân Vũ Văn Tiền đã tham gia vào hoạt động kinh doanh, đảm nhận các vị trí quan trọng trong hệ sinh thái Geleximco.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của ABB, bà Vũ Thị Hương – em gái ông Tiền đồng thời là vợ Chủ tịch HĐQT ABBank Đào Mạnh Kháng hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), Thành viên HĐQT Tập đoàn Geleximco, CTCP Geleximco Motor… Con gái ông Tiền là bà Vũ Thị Thu Quỳnh cũng đang đảm nhận vị trí Giám đốc Văn phòng Chuyển đổi ABBank.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Sự hiện diện của hệ sinh thái Eurowindow trải dài từ lĩnh vực vậy liệu xây dựng, bất động sản cho đến cả tài chính – ngân hàng.

Tập đoàn Eurowindow với tiền thân là CTCP Cửa sổ nhựa Châu Âu được anh em doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn – Nguyễn Cảnh Hồng thành lập vào năm 2002, là doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa cửa hiện đại uPVC tiêu chuẩn Châu Âu vào thị trường trong nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho những ngôi nhà Việt.

Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, Eurowindow trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu cả nước, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và nội thất, phát triển dự án bất động sản, xây dựng và quản lý xây dựng, quản lý khai thác vận hành, tài chính - ngân hàng.

Thành viên chủ lực, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, quản lý vốn các công ty thành viên trong tập đoàn là CTCP Eurowindow Holding. Thành lập năm 2007, Eurowindow Holding hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và nội thất, bất động sản, tài chính – ngân hàng.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Eurowindow ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 96,6 tỷ đồng, tăng 308% so với nửa đầu năm 2023. Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản và nợ phải trả của công ty tăng lần lượt 11% và 19% so với đầu năm lên 16.934 tỷ đồng và 8.870 tỷ đồng.

Hiện tại, ông Nguyễn Cảnh Sơn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Eurowindow Holding, trong khi ông Nguyễn Cảnh Hồng là Phó Chủ tịch HĐQT công ty này.

Con trai ông Nguyễn Cảnh Sơn – ông Nguyễn Cảnh Sơn Tùng cũng tham gia vào hoạt động kinh doanh ở tập đoàn khi nắm giữ nhiều vị trí quan trọng ở các công ty thành viên như Thành viên HĐQT CTCP Eurofinance, CTCP Đầu tư Trung tâm thương mại Vinh (Vicentra), Chủ tịch HĐQT CTCP Eurowindow FiveStar.

Ở mảng tài chính – ngân hàng, từ năm 2008 đến nay, ông Nguyễn Cảnh Sơn là Thành viên HĐQT/Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank. Tính đến cuối tháng 6/2024, ông Nguyễn Cảnh Sơn sở hữu 17,95 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 0,51% vốn điều lệ Techcombank. Phu nhân của ông Sơn là bà Nguyễn Phương Hoa cùng ông Nguyễn Cảnh Sơn Tùng cũng nắm giữ tổng cộng 97 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,753%.

20 hệ sinh thái doanh nghiệp – chân dung điển hình
OCB huy động thành công lô trái phiếu thứ 2 trong tháng 10

OCB huy động thành công lô trái phiếu thứ 2 trong tháng 10

Hoa Sen rời

Hoa Sen rời 'cuộc đua' sản xuất đi tìm cơ hội mới

Lợi nhuận Hoá chất Đức Giang

Lợi nhuận Hoá chất Đức Giang 'đi lùi', 70% tài sản là tiền

Video cảnh cứu hộ các nạn nhân trong vụ sập cầu chờ phà ở Mỹ

Video cảnh cứu hộ các nạn nhân trong vụ sập cầu chờ phà ở Mỹ

Qualcomm ra mắt chip di động nhanh nhất thế giới

Qualcomm ra mắt chip di động nhanh nhất thế giới 'đấu' với A18 Pro của Apple

Sắp diễn ra Hội nghị quốc tế về điện gió ngoài khơi và lưu trữ năng lượng VOOWESS 2024

Sắp diễn ra Hội nghị quốc tế về điện gió ngoài khơi và lưu trữ năng lượng VOOWESS 2024

Tổng thống Nga gặp nhiều nhà lãnh đạo bên lề thượng đỉnh BRICS

Tổng thống Nga gặp nhiều nhà lãnh đạo bên lề thượng đỉnh BRICS

Đại biểu nêu giải pháp cho vấn nạn quảng cáo tràn lan thuốc kém chất lượng

Đại biểu nêu giải pháp cho vấn nạn quảng cáo tràn lan thuốc kém chất lượng

Đề xuất chưa tăng lương trong năm 2025

Đề xuất chưa tăng lương trong năm 2025

Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, Nam Long báo lỗ quý 3 hơn 40 tỷ đồng

Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, Nam Long báo lỗ quý 3 hơn 40 tỷ đồng

Máy bay dân sự bị bắn rơi ở Sudan do nhầm lẫn

Máy bay dân sự bị bắn rơi ở Sudan do nhầm lẫn

Proparco nâng mức tài trợ cho HDBank lên 100 triệu USD

Proparco nâng mức tài trợ cho HDBank lên 100 triệu USD

Thu chi minh bạch với tính năng quỹ nhóm của HDBank

Thu chi minh bạch với tính năng quỹ nhóm của HDBank

SeABank lãi trước thuế 4.508 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

SeABank lãi trước thuế 4.508 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

28 dự án đầu tư công ở Hải Dương chuẩn bị đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng

28 dự án đầu tư công ở Hải Dương chuẩn bị đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng

Luật Dược sửa đổi: Quản lý hiệu quả hơn các chuỗi nhà thuốc

Luật Dược sửa đổi: Quản lý hiệu quả hơn các chuỗi nhà thuốc

Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Hậu Giang chấp thuận nhà đầu tư khu đô thị hơn 2.025 tỷ đồng tại TP Ngã Bảy

Hậu Giang chấp thuận nhà đầu tư khu đô thị hơn 2.025 tỷ đồng tại TP Ngã Bảy

Cổ phiếu MWG trở lại rổ VNDiamond

Cổ phiếu MWG trở lại rổ VNDiamond

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Trung Đông