Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn nằm trong Top 3 quốc gia có lượng FDI đổ vào Việt Nam cao nhất.
Đặc biệt, 5 tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam từ quốc gia này cao thứ hai, với trên 2,06 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác lớn nhất với 112 dự án mới, chiếm 19,4%. Hơn thế, đây cũng là quốc gia có nhiều sự điều chỉnh nhất, chiếm 36,7% tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần.
Lũy kế đến hết tháng 5/2022, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, với 9.375 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 81 tỷ USD.
Trong đó sản xuất và chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nhất từ Hàn Quốc. Tính đến tháng 11/2021, tỷ trọng của lĩnh vực này đã ghi nhận sự tăng trưởng đạt mức 74%. Mới đây nhất trong tháng 2/2022, Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam đã điều chỉnh vốn tăng từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD. Nhà máy này chuyên sản xuất và lắp ráp các linh kiện, phụ tùng cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các loại sản phẩm điện và điện tử khác.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bất động sản cũng đang thu hút nguồn vốn đầu tư đáng kể từ Hàn Quốc. Tỷ trọng đầu tư vào bất động sản tăng gấp đôi vào năm 2018 so với năm trước đó. Con số này đang trên đà tăng tính từ năm 2020, đạt 13% vào cuối tháng 11/2021. Ngoài ra, lĩnh vực hậu cần, kho vận là hai trong những bất động sản công nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong đó, xu hướng nổi bật là phát triển kho lạnh hay kho xưởng thông minh.
Trong bối cảnh đó, Mekong ASEAN có cuộc trao đổi với ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (Korcham) về triển vọng dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2022, sau một thời gian mở cửa hàng không cũng như những xu hướng đầu tư mới của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Sau 3 tháng Việt Nam thực hiện mở cửa hàng không, tín hiệu FDI từ Hàn Quốc khá lạc quan. Ông nhận định sao về triển vọng FDI Hàn Quốc và Việt Nam trong năm nay? |
Sau khi mở cửa du lịch từ ngày 15/3, hoạt động xuất nhập cảnh đã thoải mái và dễ dàng, rất nhiều chuyên gia và nhà đầu tư Hàn Quốc đã quay lại Việt Nam. Trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao, những nhà đầu tư quan tâm tới tiềm năng đầu tư, đang tìm hiểu hoặc có ý định đầu tư vào Việt Nam. Đây là một tín hiệu rất tích cực, là thời gian chín muồi để thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam.
Thực tế, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine và chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc đang ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp Hàn Quốc. Do đó, có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu tiến hành mở rộng đầu tư ra nước ngoài để đa dạng chuỗi cung ứng, trong đó Việt Nam là một điểm đến tiềm năng, được quan tâm nhất.
Chính vì thế, nếu chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì mở cửa và cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có một số chính sách visa, ưu đãi đầu tư... thì chắc chắn sẽ kéo theo dòng đầu tư lớn của Hàn Quốc vào. Trong đó, không chỉ có các dự án của các tập đoàn vừa và nhỏ mà còn có cả các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư.
Các tập đoàn hàng đầu một khi sang Việt Nam thì sẽ tạo thành một không khí đầu tư, không phải đầu tư ngắn hạn mà là đầu tư công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Tôi tin rằng điều đó sẽ góp phần vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tập trung đầu tư vào nhiều lĩnh vực mà nổi bật là công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng cũng có cả đầu tư gián tiếp nữa.
Đầu tư trực tiếp kết hợp với đầu tư gián tiếp như đầu tư vốn, đầu tư tài chính, như vậy là các nhà đầu tư có thể phát triển hơn tại Việt Nam. Nhìn chung, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam không phải đầu tư cục bộ mà là đầu tư mang tính tổng thể, vĩ mô, mang lại hiệu quả cao.
Với triển vọng tích cực như thế, theo ông đâu sẽ là lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với Việt nam trong thời gian tới? |
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất quan tâm đến lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2022, Doanh nghiệp Hàn Quốc triển khai nhiều dự án mới như: Lotte E&C đầu tư 900 triệu USD phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte eco smart city Thủ Thiêm” (TP HCM); Tập đoàn YSL triển khai dự án bất động sản công nghiệp diện tích gần 300ha tại Nam Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc),...
Tuy nhiên, nếu trước đây đa số doanh nghiệp xây dựng chỉ quan tâm đến đấu thầu, tham gia đấu thầu và trúng thầu các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đầu tư bất động sản. Giờ đây, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang quan tâm đến các dự án bất động sản dài hạn, rộng rãi như phát triển khu đô thị thông minh, khu công nghiệp, các dự án năng lượng.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang tập trung vào đầu tư kho vận, các trung tâm logistics. Bởi, muốn phát triển công nghiệp vững mạnh, không thể chỉ chú trọng vào khu công nghiệp đơn thuần. Cần gắn kho vận logistics cùng với khu công nghiệp để tạo chuỗi sản xuất - lưu thông linh hoạt.
Hai năm dịch COVID-19 diễn ra khiến làm việc 3 tại chỗ trở thành một xu hướng tất yếu. Do đó, hình thức khu công nghiệp tập trung đặc biệt cần thiết khi bất kỳ biến động nào xảy ra, chúng ta vẫn có thể tập trung phát triển ở một khu vực. Trong khi, khu công nghiệp lớn đơn thuần không đáp ứng được những yêu cầu đó vì công nhân vẫn phải đi lại để sinh hoạt, hoặc không thể sống ở tại nhà máy cả ngày được. Vậy nên chúng tôi muốn xây dựng một mô hình bao gồm cả khu đô thị và kho vận để phục vụ cho khu công nghiệp đó.
Logistics là lĩnh vực rất tiềm năng nhưng tương đối mới mẻ, ông có thể chia sẻ thêm về định hướng của các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam? |
Đầu tư và phát triển logistics là xu hướng phát triển của cả thế giới bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ. Tại các nền kinh tế tiên tiến, logistics là một lĩnh vực quan trọng bậc nhất để ưu tiên phát triển để thúc đẩy thương mại. Do đó các nhà đầu tư của chúng tôi rất quan tâm phát triển tại Việt Nam.
Cơ hội chính cho các doanh nghiệp Hàn Quốc khi thâm nhập thị trường logistics của Việt Nam đến từ chính cấu trúc của ngành với ưu thế công nghệ vượt trội và quy trình hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ gặp một số thách thức. Cụ thể, doanh nghiệp FDI không thể nắm giữ hơn 51% cổ phần trong một doanh nghiệp logistics địa phương và một số yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng được sử dụng như kho bãi, phương tiện.
Về định hướng, tất nhiên việc phát triển khu kho vận thông minh liên quan trực tiếp với địa lý, vì xây dựng ở khu ngoại ô, vùng sâu vùng xa thì rất khó phát triển. Logistics cần phải gắn với các cảng hàng không, cảng biển. Do đó trong ngắn hạn, xu hướng đầu tư chính của các nhà đầu tư Hàn Quốc là phát triển logistics bám lấy các cơ sở hạ tầng có sẵn.
Tuy vậy, với phát triển khu công nghiệp thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đang có xu hướng phát triển không phải chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở một số tỉnh chưa có đầu tư mà có đông nhân công lao động, hoặc có yếu tố thuận lợi cho xuất nhập khẩu. Tất nhiên đầu tư như vậy không thể được thực hiện trong một sớm một chiều mà cần thời gian, tùy theo thời điểm và địa điểm mà mở rộng đầu tư.
Vậy để hợp tác hiệu quả với khối FDI, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị những gì thưa ông? |
Quan trọng nhất vẫn là cơ chế của Chính phủ. Chắc chắn chính sách hỗ trợ, ưu đãi hấp dẫn từ Chính phủ là một trong những yếu tố quan trọng để hướng nhà đầu tư tới quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư cuối cùng. Việt Nam hiện đã có những chính sách thu hút FDI rất tốt, nhưng với những dự án quy mô rất lớn thì cần có cơ chế đặc biệt hơn nữa chứ không phải chỉ áp dụng cơ chế thông thường hay luật hiện hành.
Thực tế, khi Việt Nam nỗ lực thu hút FDI, các Chính phủ khác cũng đang rất nỗ lực để phục hồi dòng vốn FDI giảm trong 2 năm qua cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế. Khi những dự án FDI quy mô hàng tỷ USD xem xét vào Việt Nam thì các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới cũng rất muốn có những dự án này, và thực tế họ đang tạo môi trường rất cạnh tranh nhằm đàm phán thu hút những dự án như vậy.
Thậm chí, không chỉ các nước đang phát triển như Việt Nam mà cả các nước phát triển như Mỹ cũng đang có những hỗ trợ rất lớn để thu hút đầu tư của Hàn Quốc trong một số lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực đầu tư tiên tiến.
Vấn đề quan trọng nữa là phục hồi nguồn nhân lực sau đại dịch COVID-19. Chính phủ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa, làm sao cung cấp nguồn lao động dồi dào và chất lượng cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.
PV: Xin cảm ơn ông!