Hành trình trở thành một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu thị trường của Nam Long ghi đậm dấu ấn của những cổ đông ngoại, cũng như các đối tác phát triển bất động sản tới từ Nhật Bản.
Hành trình trở thành một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu thị trường của Nam Long ghi đậm dấu ấn của những cổ đông ngoại, cũng như các đối tác phát triển bất động sản tới từ Nhật Bản. |
Theo báo cáo phân tích quý 2/2024 của CBRE Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, nguồn cung bất động sản nhà ở tại Hà Nội và TP HCM ghi nhận diễn biến trái chiều, đặc biệt đối với thị trường chung cư. Tại Hà Nội, nguồn cung mở bán mới trong quý 2/2024 tăng gần gấp 4 lần so với quý trước, đạt xấp xỉ 8.500 căn.
Trong khi đó tại TP.HCM, sau quý 1 chỉ có 500 căn hộ chung cư mở bán mới, trong quý 2 thị trường đã ghi nhận thêm gần 1.200 căn hộ. Với nguồn cung căn hộ chung cư mới trong nửa đầu năm 2024 vẫn còn hạn chế, chỉ bằng 40% nguồn cung mới của cùng kỳ năm trước, số lượng căn hộ bán được trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 80% so với cùng kỳ 2023, đạt trên 1.700 căn hộ bán được.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản phía Nam vẫn còn nhiều khó khăn, CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) vẫn ghi nhận doanh số bán hàng tốt và đi ngược so với xu hướng chung của ngành.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Nam Long ghi nhận doanh số đạt 2.680 tỷ đồng, tăng 209% so với cùng kỳ, cho thấy danh mục sản phẩm sẵn sàng để bán và khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở thực tốt tại khu vực miền Nam của Nam Long.
Trong nửa cuối năm 2024, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) kỳ vọng NLG sẽ hoàn tất thanh toán tiền sử dụng đất khu thấp tầng cho dự án Nam Long 2 tại Cần Thơ để mở bán. Ngoài ra, với doanh số chưa ghi nhận từ dự án Southgate và Akari City, NLG dự kiến sẽ đạt doanh thu 6.530 tỷ đồng trong năm 2024, tăng trưởng 105,3% so với năm 2023.
CTCP Đầu tư Nam Long với tiền thân là Công ty TNHH Nam Long, được kỹ sư xây dựng Nguyễn Xuân Quang cùng các cộng sự thành lập vào năm 1992, là một trong những doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
Năm 2005, Nam Long chính thức đổi tên thành CTCP Đầu tư Nam Long. Ngay sau khi cổ phần hóa, Nam Long xác định chiến lược phát triển ổn định, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế có kinh nghiệm trong việc huy động vốn, và các nhà phát triển bất động sản có kinh nghiệm phát triển các dự án quy mô lớn.
Năm 2008, đánh dấu sự hội nhập trong thời kỳ mới, Nam Long đón 2 cổ đông chiến lược là Công ty Nam Việt trực thuộc Goldman Sachs và quỹ ASPL – thành viên Tập đoàn Ireka, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu Malaysia.
Những năm sau đó, nhiều tên tuổi lớn trên thị trường tài chính như Quỹ VAF do Mekong Capital quản lý hay IFC thuộc World Bank cũng trở thành cổ đông chiến lược của NLG.
Phối cảnh khu đô thị Izumi City của Nam Long |
10 năm sau khi thực hiện chiến lược mới, năm 2015 tiếp tục đón hàng loạt “đại bàng” từ nước ngoài.
Cụ thể, Keppel Land - tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore nói riêng và ASEAN nói chung trở thành cổ đông chiến lược của Nam Long khi tham gia mua 7,1 triệu cổ phần ở đợt chào bán riêng lẻ. Keppel Land hiện vẫn là một trong những cổ đông lớn nhất tại NLG, sở hữu hơn 8% vốn điều lệ công ty này.
Cũng trong năm 2015, Nam Long đã ký kết hợp đồng liên doanh với 2 tập đoàn bất động sản lớn của Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad cho dự án Flora Anh Đào ở Quận 9, TP HCM. Hai ông lớn Nhật Bản hiện vẫn là những đối tác quan trọng của Nam Long, cho ra thị trường nhiều dự án đậm dấu ấn Nhật Bản.
Đáng chú ý, vào trung tuần tháng 6/2024 vừa qua, Nam Long thông báo hoàn tất chuyển nhượng 25% vốn của của dự án Nam Long Đại Phước (Đồng Nai) cho Nishi Nippon Railroad, ước tính thu về khoản lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Dự án có quy mô 45 ha với vị trí đắc địa khi tiếp giáp với TP Thủ Đức, TP HCM.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang nhận định đến giai đoạn 2022 - 2023, Nam Long đã trở thành một tập đoàn với các công ty chủ lực là Nam Long Land chuyên về phát triển các bất động sản nhà ở, Nam Long Commercial Property chuyên về phát triển bất động sản thương mại và Nam Long IC với chuyên môn về đầu tư và quản lý đầu tư.
“Nam Long đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng bền vững đến năm 2030, với mục tiêu trở thành công ty có vốn hóa 3 tỷ USD,” doanh nhân Nguyễn Xuân Quang công bố.
Về tiềm lực tài chính kể từ khi IPO cho các cổ đông ngoại vào năm 2008, Nam Long chưa có năm nào báo lỗ, giai đoạn 2018 – 2023, Nam Long đều đặn báo lãi trên 800 tỷ đồng. Đỉnh điểm năm 2021, Nam Long ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5.206 tỷ đồng và 1.478 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết.
Năm 2024, Nam Long lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ về công ty mẹ đạt 506 tỷ đồng, tăng 109% và 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Nam Long vẫn còn cách khá xa kế hoạch kinh doanh, khi trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 457 tỷ đồng và 95 tỷ đồng, giảm 61,5% và 62% so với nửa đầu năm 2023. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 68 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 13,4% kế hoạch đề ra.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Nam Long tiệm cận ngưỡng 30.000 tỷ đồng, vượt qua Khang Điền (28.500 tỷ đồng) và bỏ xa những ông lớn bất động sản trên sàn khác như Phát Đạt (22.539 tỷ đồng), Hà Đô (14.028 tỷ đồng) hay DIC Corp (18.461 tỷ đồng).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Nam Long đạt 16.421 tỷ đồng so với 13.306 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ tài chính của Nam Long tăng gần 7% so với đầu năm lên 6.532 tỷ đồng, tương đương 22% cơ cấu nguồn vốn, bao gồm 3.567 tỷ đồng vay ngắn hạn và 2.965 tỷ đồng vay dài hạn.
Chiếm hơn nửa cơ cấu nợ vay của Nam Long là 3.631 tỷ đồng trái phiếu, trong đó, hai mã NLGB2124001 và NLG2124002 với tổng giá trị theo mệnh giá 950 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 6/9/2024. Vào ngày 22/8/2024, Nam Long đã phát hành thành công hai lô trái phiếu NLG2427002 và NLGB2427003 với tổng giá trị 950 tỷ đồng nhằm tất toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn nói trên.