Đền Koh Ker, Campuchia. Ảnh: Getty Images

Các Di sản Thế giới mới được UNESCO công bố năm 2023

văn hóa THẾ GIỚI
12:30 - 20/09/2023
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) mới công bố 27 cái tên mới trong danh sách Di sản Thế giới sau khi cân nhắc các lựa chọn trong danh sách đề cử được gửi tới tổ chức này trong năm 2022 và 2023.

Theo The Independent, 27 địa điểm mới được công bố trong năm 2023 đưa danh sách Di sản Thế giới lên ngưỡng hơn 1.100 địa điểm trên toàn cầu. Dưới đây là một số di sản thế giới mới tiêu biểu.

Khu khảo cổ Koh Ker, Campuchia

Quần thể đền cổ này còn được gọi là Lingapura hay Chok Gargyar, nằm ở xã Srayong, huyện Kulen, tỉnh Preah Vihear, Campuchia. Bao gồm nhiều ngôi đền và khu bảo tồn với các tác phẩm điêu khắc, chữ khắc, tranh treo tường và di tích khảo cổ, Koh Ker là kinh đô cũ của triều đại Angkor được xây dựng từ thời vua Jayavarman IV trong vòng 23 năm từ năm 921 tới năm 944.

Tuy nhiên sau khi được hoàn thành, nhà vua lại quyết định không ở lại nơi này mà dời đô về Angkor Wat, do đó Koh Ker còn được gọi là kinh đô yểu mệnh.

Phụ nữ dân tộc Dai hái trà trên núi Jingmai ở Phổ Nhĩ, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Phụ nữ dân tộc Dai hái trà trên núi Jingmai ở Phổ Nhĩ, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Rừng trà cổ ở núi Jingmai, Phổ Nhĩ, Vân Nam, Trung Quốc

Nằm trên núi Jingmai ở phía tây nam Trung Quốc, khu vực này bao gồm 5 khu rừng chè già quy mô lớn được bảo tồn tốt ở độ cao 1.250m đến 1.500m so với mực nước biển, 3 khu rừng chắn phòng hộ và 9 ngôi làng cổ trong rừng với dân số khoảng 5.000 người. Những người dân sống tại đây chủ yếu là các cộng đồng dân tộc khác nhau như Blang và Dai trong khi hầu hết các ngôi nhà vẫn giữ phong cách nhà hai tầng truyền thống với biểu tượng lá trà xuất hiện trên các mái nhà.

Toàn bộ khu vực này vốn được tạo ra bởi tổ tiên của người Blang – những người di cư đến núi Jingmai vào thế kỷ 10, sau đó phát hiện và thuần hóa cây chè hoang – cùng với người Dai bản địa.

Gaya Tumuli, Hàn Quốc. Ảnh: Seo Heun Kang/World Heritage Nomination Office for the Gaya Tumuli

Gaya Tumuli, Hàn Quốc. Ảnh: Seo Heun Kang/World Heritage Nomination Office for the Gaya Tumuli

Gaya Tumuli, Hàn Quốc

Địa điểm này là một nghĩa trang khảo cổ với các khu vực chôn cất được cho là của liên minh Gaya cổ đại của Hàn Quốc. Theo hãng tin Yonhap, Gaya là một liên bang gồm 6 hoặc 7 vương quốc nhỏ phát triển thịnh vượng từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 6 ở khu vực miền nam và miền trung bán đảo Triều Tiên.

Nghĩa trang bao gồm 7 cụm lăng mộ theo phong cách kiến trúc của những ngôi mộ được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 và thứ 5 cùng với các đồ vật chôn cất thể hiện mạng lưới thương mại và sản xuất thủ công của Gaya.

Ngôi đền Chennakeshava tại Belur thuộc quận Hassan của Karnataka thuộc quần thể Đền Hoysala, Ấn Độ. Ảnh: MA SRIRAM

Ngôi đền Chennakeshava tại Belur thuộc quận Hassan của Karnataka thuộc quần thể Đền Hoysala, Ấn Độ. Ảnh: MA SRIRAM

Quần thể Đền Hoysala, Ấn Độ

Được xây dựng vào thế kỷ 12 đến thế kỷ 13, quần thể các ngôi đền Hoysala nằm ở bang Karnataka phía nam Ấn Độ. Theo The Hindu, các ngôi đền này nổi tiếng với phong cách trang trí công phu và kiến trúc ngôi đền theo sơ đồ hình sao được xây dựng trên một bệ nâng cao. Vật liệu xây dựng đền là đá phiến clorit – một loại đá tương đối mềm và dễ chạm khắc.

Theo UNESCO, các ngôi đền này đặc trưng bởi “các tác phẩm điêu khắc và chạm khắc trên đá siêu thực” bao phủ toàn bộ bề mặt kiến trúc, một phòng trưng bày tác phẩm điêu khắc quy mô lớn, một bức phù điêu nhiều tầng và các tác phẩm điêu khắc về truyền thuyết Sala.

Công viên khảo cổ quốc gia Tak'alik Ab'aj, Guatemala. Ảnh: Bộ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Guatemala
Công viên khảo cổ quốc gia Tak'alik Ab'aj, Guatemala. Ảnh: Bộ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Guatemala

Công viên khảo cổ quốc gia Tak'alik Ab'aj, Guatemala

Tak'alik Ab'aj là một địa điểm khảo cổ 1.700 năm tuổi ở Guatemala gắn liền với sự phát triển của nền văn minh Maya sơ khai - một trung tâm thương mại quốc tế thời cổ đại của một nhóm người cổ xưa được gọi là Olmecs và sau đó là người Maya.

Nằm ở El Asintal, cách Thành phố Guatemala khoảng 200 km về phía tây ngày nay, địa điểm này nổi bật với bề dày văn hóa và kiến trúc từ các tòa nhà, tác phẩm điêu khắc, quảng trường và các vật phẩm mang chữ viết của cả hai nền văn minh.

Danh sách cụ thể những Di sản Thế giới mới của UNESCO.

STT Địa điểm Quốc gia
1 Khu khảo cổ Koh Ker Campuchia
2 Santiniketan Tây Bengal, India
3 Rừng trà cổ tại núi Jiangmai Phổ Nhĩ, Vân Nam, Trung Quốc
4 Gaya Tumuli Hàn Quốc
5 Gordion Thổ Nhĩ Kỳ
6 Tượng đài đá hươu Mông Cổ
7 Trung tâm lịch sử thời trung cổ của người Do Thái tại Erfurt Đức
8 Kiến trúc Kaunas Lithuania
9 Quần thể Đền Hoysala Ấn Độ
10 Công viên khảo cổ quốc gia Tak'alik Ab'aj Guatemala
11 Thị trấn cổ Kuldīga Latvia
12 Địa điểm thời tiền sử Talayotic Menorca Quần đảo Balearic, Tây Ban Nha
13 Hành lang Zarafshan-Karakum của Con đường Tơ lụa Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan
14

Cảnh quan văn hóa Gedeo

Ethiopia
15 Caravanserai Ba Tư Iran
16 Khu vực Tr’ondek-Klondike Canada
17

Žatec và phong tục Saaz Hops

Cộng hòa Czech
18 Tell es-Sultan Jericho, Palestine
19 Tuyến đường vận chuyển Köç Yolu Azerbaijan
20 Djerba Tunisia
21

Cosmological axis của Yogyakarta

Indonesia
22 Công viên quốc gia núi Bale Ethiopia
23 Rừng Odzala-Kokoua Congo
24

Núi lửa và rừng núi Pelée và các mỏm đá ở phía bắc Martinique

Martinique, Pháp
25 Maison Carrée of Nimes Pháp
26

Đài quan sát thiên văn của Đại học Liên bang Kazan

Nga
27 Pháo đài hình tròn thời Viking Đan Mạch

Đọc tiếp