Cho rằng công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp có tính chiến lược với nhiều quốc gia và Việt Nam không là ngoại lệ, ông Koen Soenens – Giám đốc Kinh doanh và Marketing tổ hợp khu công nghiệp DEEP C lưu ý Việt Nam cần ưu tiên cho hạ tầng và nhân lực để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư từ lĩnh vực này.
Mekong ASEAN: Sau gần 30 năm đầu tư vào Việt Nam, ông đánh giá thế nào về sự phát triển kinh tế cũng như tiềm năng thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam?
Ông Koen Soenens: Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất ở Đông Nam Á nhờ sự chuyển đổi kinh tế rõ rệt dựa trên cải cách cùng những nỗ lực hội nhập quốc tế dựa trên những trụ cột như hoạt động tự do hóa thương mại với các Hiệp định thương mại tự do (FTA), khu vực thương mại tự do ASEAN.
Với tất cả những nỗ lực của Chính phủ cùng người dân, trong 30 năm qua, các nhà đầu tư đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng như nhìn thấy những thay đổi lớn của đất nước này.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư nổi bật nhất trên thế giới nhờ vị trí chiến lược, kinh tế năng động cùng chính sách đầu tư hấp dẫn, hơn nữa Việt Nam còn sở hữu nguồn lao động trẻ, trình độ học vấn cao và cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại.
Đến nay DEEP C đã hoạt động 27 năm tại Việt Nam, nhưng số lượng nhà đầu tư mà tập đoàn thu hút được trong 5 năm gần đây còn nhiều hơn so với 22 năm trước. Trong năm 2023, DEEP C đã phát triển hơn 120 ha đất KCN và thu hút thêm 21 dự án mới trong đó có 14 dự án đầu tư từ Trung Quốc.
Chúng tôi cũng nhận thấy sự dịch chuyển trong đầu tư vào KCN từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành kinh doanh cao cấp, chẳng hạn như điện tử, ô tô và năng lượng tái tạo.
Mekong ASEAN: Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn là một trong những động lực tăng trưởng mới, ông đánh giá thế nào về việc tăng cường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới đầu tư vào các KCN tại Việt Nam và Việt Nam cần làm gì để thu hút các doanh nghiệp bán dẫn gia tăng đầu tư?
Ông Koen Soenens: Công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực có tầm quan trọng về mặt chiến lược đối với nhiều quốc gia do vai trò của nó trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, lĩnh vực này còn thể hiện tiềm năng của mình đóng góp vào sự phát triển kinh tế của một đất nước.
Nhà đầu tư ngành bán dẫn có những yêu cầu tỉ mỉ và cụ thể. Trước khi đưa ra quyết định địa điểm đầu tư phù hợp, họ sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về hạ tầng, không chỉ là hạ tầng logistics mà còn là hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng năng lượng xanh.
Họ cũng đặt ra những yêu cầu cao về nguồn lao động, trong khi đó năm 2023, Việt Nam đã công bố sẽ đào tạo và cung cấp 50.000 kỹ sư chuyên ngành bán dẫn. Câu hỏi đặt ra là số lượng như vậy đã đủ đáp ứng chưa?
Điểm hấp dẫn của ngành bán dẫn đối với Việt Nam nằm ở tính thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những ngành có tính đổi mới nhất hiện nay, vì thế, nếu được đầu tư tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa tại Việt Nam. Tuy nhiều câu hỏi vẫn đang được đặt ra, nhưng chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ xây dựng được những điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư trong ngành bán dẫn quyết định đầu tư, trong đó tập trung vào nguồn nhân lực, năng lượng xanh, và hạ tầng mới.
Để có thể nắm bắt được công nghệ, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề mang tính chiến lược như đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng lực lượng lao động lành nghề, các ưu đãi đầu tư cho các công ty bán dẫn, bảo vệ sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng, tập trung cho hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D).
Mekong ASEAN: Ông có nhận xét gì về quan điểm đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn cũng là góp phần xây dựng các KCN sinh thái?
Ông Koen Soenens: Đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn có thể tác động tích cực đến môi trường và hướng đến phát triển các KCN sinh thái bởi ngành công nghiệp này sử dụng tài nguyên hiệu quả với công nghệ xanh và các quy trình xử lý chất thải nghiêm ngặt.
Quy trình sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi công nghệ tiên tiến và thiết bị chính xác, yêu cầu việc sử dụng năng lượng, nước, nguyên liệu thô hiệu quả, từ đó có thể cắt giảm chất thải, giảm thiểu tác động môi trường.
Ngành bán dẫn còn thúc đẩy các công nghệ xanh, bao gồm năng lượng tái tạo, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Đầu tư vào lĩnh vực này có thể giúp đẩy mạnh các biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường trong các KCN.
Ngoài ra, các công ty bán dẫn thường có các quy trình quản lý chất thải nghiêm ngặt, nếu đầu tư vào ngành này, các KCN sinh thái có thể triển khai các cơ sở xử lý và tái chế chất thải phù hợp.
Mekong ASEAN: Ông có nhận định gì về tương lai bất động sản KCN Việt Nam?
Ông Koen Soenens: Tương lai của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang có nhiều hứa hẹn.
Hiện, Việt Nam đang trải qua quá trình tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa mạnh mẽ, điều này thúc đẩy nhu cầu về bất động sản công nghiệp. Vị trí chiến lược của của Việt Nam cùng lực lượng lao động trẻ và cơ sở hạ tầng được cải thiện khiến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty sản xuất và hậu cần.
Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), dòng vốn này tạo ra nhu cầu về không gian công nghiệp như nhà máy, nhà kho và KCN.
Xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đang mang lại lợi ích cho các quốc gia như Việt Nam, dẫn đến nhu cầu về bất động sản công nghiệp tăng lên khi các công ty muốn thành lập hoặc mở rộng hoạt động sản xuất trong khu vực.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và thành lập các KCN, góp phần vào sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp trong nước.
Bên cạnh các ngành sản xuất truyền thống, Việt Nam cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghệ cao như điện tử, chất bán dẫn và năng lượng tái tạo, đẩy mạnh nhu cầu về bất động sản công nghiệp chuyên biệt.
Đi cùng với sự phát triển của bất động sản công nghiệp, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam có thể kết hợp các tính năng và công nghệ thân thiện với môi trường vào các dự án của mình để đáp ứng nhu cầu về không gian công nghiệp bền vững.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông! |