Kinh tế biên mậu là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của An Giang

Kinh tế biên mậu là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của An Giang

KINH TẾ An Giang
10:14 - 25/01/2023

Xác định kinh tế biên mậu là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của địa phương, tỉnh An Giang đã tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển các loại hình thương mại ở khu vực biên giới như chợ biên giới, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa chính ngạch qua địa bàn tỉnh An Giang năm 2022 đạt trên 1,016 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.

Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng chia sẻ về tầm nhìn phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Mekong ASEAN: An Giang vừa kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật của địa phương trong những năm qua, đặc biệt là công cuộc phục hồi kinh tế hậu Covid-19?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Trải qua 190 năm xây dựng và phát triển, An Giang đã đạt được nhiều thành tựu, vượt bậc nhất là trong sản xuất nông nghiệp, với việc đạt sản lượng 1 triệu tấn lúa vào năm 1988, đạt sản lượng 2,5 triệu tấn lúa năm 2000 và đạt 4 triệu tấn lúa trong những năm gần đây. Sản lượng lương thực của tỉnh đã góp phần vào an ninh lương thực và tạo nguồn thu ngoại tệ, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và đóng góp lớn vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng thành tựu về sản xuất lương thực, An Giang còn là tỉnh có truyền thống nuôi cá nước ngọt lâu đời trên sông Mekong. Từ quy mô nhỏ, chủ yếu tiêu thụ nội địa vươn ra sản xuất công nghiệp chế biến, đạt sản lượng ngày càng gia tăng; giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 300 triệu USD/năm trong những năm gần đây.

Đến năm 2022, quy mô GRDP toàn tỉnh đạt 89.362 tỷ đồng, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư, thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nhiều lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn THACO…

Với công cuộc phục hồi hậu Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch, thực hiện nhiều giải pháp theo định hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt” của Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay kết quả đạt được khá toàn diện, trong 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 6 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao từ đầu năm.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 6,87% (vượt so với kế hoạch được giao là 5,20%), GRDP bình quân đầu người đạt 53,179 triệu đồng (vượt so với kế hoạch được giao là 52,660 triệu đồng), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33.378 tỷ đồng (vượt so với kế hoạch được giao là 30.127 tỷ đồng), tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 6.830 tỷ đồng (vượt so với kế hoạch được giao là 6.183 tỷ đồng).

Mekong ASEAN: Với những kết quả đó, bước sang năm 2023, tỉnh xây dựng mục tiêu và có kế hoạch chiến lược nào để tiếp tục đi lên, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Xác định năm 2023 thời cơ và thách thức đan xen, tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, là điều kiện để người dân, doanh nghiệp yên tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến…

Tỉnh phấn đấu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 7,0 - 7,5%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2 - 3,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,75 - 12,1%; khu vực thương mại và dịch vụ tăng 8,6 - 9,3%.

Để đạt được mục tiêu đó, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế trong năm 2023 là chủ động triển khai Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đã ký kết. Triển khai thực hiện Chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh, thành phố đã thực hiện ký kết như Đồng Tháp, Tuyên Quang; thúc đẩy hợp tác với TP HCM, Bình Dương, Cần Thơ…

Mekong ASEAN: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ khơi thông nhiều điểm nghẽn để An Giang phát triển nhanh, bền vững. Ông có thể chia sẻ thêm về tiến độ, tầm nhìn, mục tiêu của Quy hoạch này?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính là nền tảng, là cơ sở pháp lý cho việc hoạch định, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tầm nhìn 30 năm tới. Theo dự thảo quy hoạch, An Giang định hướng phát triển là địa phương phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu.

Mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN; là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng.

Ngày 25/11/2022, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông qua dự thảo báo cáo quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch. Sau Hội nghị thẩm định, An Giang sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung theo ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng và chuyên gia để Quy hoạch tỉnh An Giang được hoàn chỉnh với chất lượng tốt nhất trước khi trình HĐND tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý I/2023.

Mekong ASEAN: Là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN, ông có thể cho biết về tình hình kinh tế khu vực cửa khẩu của An Giang thời gian qua? Tỉnh đã có những chủ trương chính sách nào để phát triển khu vực kinh tế tiềm năng này?

Ông Nguyễn Thanh Bình: An Giang có đường biên giới dài gần 100km tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia), là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tới Campuchia và các nước thành viên ASEAN. Đây là lợi thế của An Giang trong phát triển thương mại biên giới.

Xác định kinh tế biên mậu là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh, thời gian qua, An Giang đã tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển các loại hình thương mại ở khu vực biên giới như chợ biên giới, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Đến nay, trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới của tỉnh có 13 chợ biên giới; 4 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận.

Nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế và lan tỏa luồng sinh khí mới cho khu vực kinh tế biên mậu, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Phấn đấu đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt 9 tỷ USD vào năm 2025; trong đó, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới tăng trưởng bình quân 10%/năm, đạt khoảng 636,7 triệu USD vào năm 2025, chiếm 42-45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.

Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh thực hiện mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từng bước đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biên giới với mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đưa An Giang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của Vùng và cả nước tiến tới thị trường các quốc gia ASEAN.

Mekong ASEAN: Cụ thể với đề án quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương mà các nhà đầu tư vừa đề xuất, ông đánh giá như thế nào về đề án này?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Với mong muốn góp phần phát triển cộng đồng, hợp lực đưa tỉnh An Giang và ĐBSCL bứt phá vươn lên, một số nhà đầu tư đã đề xuất ý tưởng đầu tư phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương (TX Tân Châu).

Đề án bao gồm các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm thương mại, bệnh viện, trường đào tạo, trung tâm vui chơi giải trí. Trong đó, trọng tâm là khu phi thuế quan và logistics cửa khẩu Vĩnh Xương với quy mô khoảng 150 ha, bao gồm các khu: Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương; Thương mại và vui chơi giải trí khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương; Quản lý, thương mại và dịch vụ cửa khẩu Vĩnh Xương và phần diện tích mở rộng tại khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương.

Nếu thành công, đề án sẽ góp phần xoá bỏ các điểm nghẽn của ĐBSCL về kết nối hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, giáo dục, y tế, tạo ra một điểm đến mới của du lịch tiểu vùng sông Mekong; tạo ra một khu đô thị kinh tế biên mậu mới với nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo, giảm tình trạng sinh kế ly hương của người dân miền Tây Nam bộ. Đồng thời giúp tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao vị thế của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Trên cơ sở các đề xuất, tỉnh sẽ nghiên cứu cập nhật các ý tưởng đầu tư tại khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm tỉnh An Giang đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 để hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, tỉnh sẽ có những định hướng phát triển mang tính chiến lược; phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực như khu, cụm, tiểu thủ công nghiệp, cảng/bến thuỷ nội địa, các khu dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ logistics…

Mekong ASEAN: Xin chân thành cảm ơn ông!

Đọc tiếp