Người mang quốc hoa dệt thành lụa, giữ hồn quê trong từng sợi tơ sen

Người mang quốc hoa dệt thành lụa, giữ hồn quê trong từng sợi tơ sen

Làng nghề Việt nAM
17:43 - 21/01/2023
Tại thủ phủ của nghề dệt miền Bắc, cách Hà Nội 40km, nghệ nhân Phan Thị Thuận tuy tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài với từng sợi tơ, ấp ủ hy vọng, tiếp thêm sức sống cho làng nghề, từ kỹ thuật dệt tơ sen đầu tiên tại Việt Nam.

Đặt chân tới đầu làng Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội dịp sát Tết, âm thanh “lách cách” đặc trưng của máy dệt đã vang lên rộn ràng, hối hả khắp làng quê yên bình cho kịp chuyến hàng cuối năm. Đi qua những mái ngói đỏ xen lẫn nhà cao tầng còn vương vẫn nét quê chất phát, là có thể tìm về nhà của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, người Việt Nam đầu tiên thành công sáng tạo ra kỹ thuật dệt lụa từ tơ sen.

“Nghề dệt đến với tôi từ trong bụng mẹ. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống 4 đời gắn với nghề ươm tơ dệt lụa từ dâu tằm. Ngay từ nhỏ, tôi đã được dạy hái dâu, nuôi tằm, vì thế, tình yêu những sợi tơ vàng đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi từ khi còn nhỏ đến giờ”. Đó là những lời bộc bạch của bà Thuận trong buổi chia sẻ với Mekong ASEAN.

Gợi nhớ về cơ duyên đến với kỹ thuật dệt lụa từ tơ sen, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm đã có từ xa xưa, ai ai cũng biết đến.

“Nhưng phải chấp nhận thực tế rằng, nghề dệt đã bắt đầu mai một theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không nghĩ ra được cách làm mới, độc đáo, mang lại giá trị cao thì e rằng, nghề dệt sẽ biến mất trong một thời gian nữa. Nhất là khi hàng hóa của người nông dân không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu”, bà Thuận trăn trở.

Do đó, bà Thuận đã nghĩ ra cách dệt lụa từ những sợi tơ trong cuống thân hoa sen mà làng mình có sẵn. “Trong một lần đi hái sen, tình cờ khi cắt cuống hoa thấy những sợi tơ dài trắng muốt níu lấy thân cây, tôi nảy ra ý tưởng sẽ dệt những sợi tơ này thành lụa”, bà Thuận kể lại.

Ngay lúc đó, bà đã rất nóng lòng thực hiện. Sau khi trao đổi với Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, được biết tơ sen là loại tơ quý giá nổi tiếng đã có ở Myanmar, bà Thuận càng có thêm quyết tâm hơn nữa.

Để làm ra kỹ thuật này, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã phải thử nghiệm nhiều lần và cũng không ít phen bị hỏng phải bỏ đi. Vì cần rất nhiều cuống sen mới có thể dệt được một mảnh nhỏ tơ sen, nên lúc đầu, bà chỉ nghĩ đến làm ra sợi tơ khâu vào cuống áo để có điểm nhấn. Nhưng càng làm càng thấy yêu quý say mê, bà quyết tâm dệt những chiếc khăn, bức tranh thêu hoàn toàn từ tơ sen.

“Khi đó, ai cũng ngăn tôi và bảo không thể thành công. Nhưng sự tò mò của cháu nội, khi nhìn thấy bà đang tẩn mẩn từng cuống sen đã trở thành động lực khích lệ tôi cố gắng. Đó là sự thích thú của một thế hệ măng non lớn lên với đầm sen quê hương”, bà Thuận hồi tưởng lại.

Theo lời bà Thuận, tất cả các công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều cần thật chỉn chu và cầu kỳ. Cuống sen sau khi được cắt ở đầm phải rửa qua hai lớp nước để làm sạch bùn và gai. Cuống sạch thì tơ mới mướt và đẹp. Vì sợi sen rất mỏng nên khi tách vỏ thân cây sen cần nhiều sự tỉ mỉ và nâng niu nhẹ tay của người nghệ nhân.

Việc tách sợi tơ đã yêu cầu nhiều sự tỉ mỉ thì việc dệt lụa từ những sợi tơ đó cần rất nhiều kiên nhẫn. Phải có tới 4.800 cuống sen mới có thể dệt được một chiếc khăn lụa có kích thước 1,7m x 25cm; bức tranh kích thước 52cm x 52cm cũng cần hơn 5.000 bông.

Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ mỗi ngày cũng chỉ tách được 200 – 250 bông. Như vậy, mỗi sản phẩm cần ngót nghét một tháng trời.

Với kỹ thuật đặc biệt nên sợi tơ sen cũng có những điểm đặc trưng riêng mà không loại tơ nào có được. Bà Thuận chỉ ra, tơ sen lớn lên từ lòng đất, ngậm hạt mưa từ bầu trời để phát triển. Do đó, khi đeo khăn tơ sen có thể cảm nhận được hương vị âm hưởng đất trời gợi đến đầm sen quê hương.

Khi thả chiếc khăn tơ sen vào dòng nước sẽ trầm xuống và di chuyển theo tay người đưa. Lụa tơ sen có chút co dãn nhẹ, khi dùng không bị nhăn. Đặc biệt, lụa sen rất bám hơi người, sẽ ôm lấy cơ thể chứ không như sản phẩm lụa khác là bồng bềnh bên ngoài. Ngoài ra, tơ sen còn có mùi hương đặc trưng của hoa sen, khiến người bên cạnh cũng dễ dàng cảm nhận được.

Khi được hỏi về điều tâm đắc nhất từ việc sáng chế ra kỹ thuật này, bà Phan Thị Thuận mong muốn, người nông dân trồng sen có thể tăng thêm thu nhập từ những cuống sen bỏ đi, góp phần bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, nghề dệt Phùng Xá sẽ có thêm sức sống mới, từ đó, tạo công ăn việc làm cho người nông dân quanh địa phương. Trẻ em trong làng, mỗi mùa hè nhìn thấy sợi tơ dệt từ sen sẽ nhìn thấy những ước mơ khát vọng khác từ cây sen quê hương.

“Những người đã xa quê hương đi lập nghiệp khi nhìn thấy chiếc khăn tơ sen sẽ cảm thấy tự hào về quê hương mình. Và hơn thế nữa, tôi muốn khoe với bạn bè quốc tế để họ thấy người nông dân Việt Nam cần cù sáng tạo làm ra được nhiều sản phẩm độc đáo, có giá trị cao. Quả thực, hiện nay mỗi chiếc khăn tơ sen đang được bán với giá 12 – 16 triệu đồng”, bà Thuận tâm đắc.

Chia sẻ thêm về nguyện vọng đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, người Nghệ nhân ưu tú cho biết, bà từng được Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho xem sản phẩm tơ sen của Myanmar và Campuchia, thì sản phẩm của Việt Nam đang ở loại đẹp và kỳ công nhất. Vì sợi tơ sen của Việt Nam được làm ra chỉ thêu để hình thành sản phẩm.

Do đó, bà Thuận mong muốn Nhà nước có các chương trình để tôn vinh hoặc nghiên cứu phát triển nghề truyền thống từ cây sen, tạo ra một thương hiệu riêng cho tơ sen Việt Nam khoe sắc trên sân chơi quốc tế.

Với tâm tư đó, biết mình tuổi đã cao, bà Thuận không chờ chương trình của Nhà nước mà mỗi mùa hè về, bà đều tự mình mở lớp dạy các em học sinh làm tơ sen. Mỗi khóa học từ 60 – 70 em, từ 8 – 12 tuổi. Mỗi bạn nhỏ đến học được bà cho 50.000 đồng để khuyến khích, bạn nào biết làm thì bà sẽ thưởng thêm, nên các em rất sôi nổi.

“Tôi nhìn thấy tương lai của sợi tơ sen trong các thế hệ mầm non này. Khi làm sợi tơ, các em để tâm vào cuống sen với sự chăm chú, tỉ mỉ. Khi đó, tôi vừa dạy vừa động viên các em sẽ là thế hệ tương lai có thể tìm ra cách phát triển sợi tơ sen quê hương mình vươn xa nữa. Mong muốn của tôi là bất cứ đâu có đầm sen thì nơi đó đều có nghề tơ sen”, bà Thuận tâm nguyện.

“Hạt giống đỏ được chăm lo vun xới.

Ánh nước cây xanh vươn dưới mái trường

Cây cứng cáp bởi qua nhiều giông tố

Như sức tàu vượt sóng biển ra khơi

Tạm biệt trường thân yêu, cất cánh tung bay vào đời”.

Đây là những câu hát mà bà Thuận hay dỗ dành các cháu nhỏ trong quá trình dạy nghề. Chẳng có loài hoa nào tinh khiết như sen. Tơ sen mỏng manh mà vương vấn. Phải chăng những “tơ lòng” cũng đang khiến người nghệ nhân vương vấn, bâng khuâng với câu chuyện truyền nghề cho đời sau.

Đọc tiếp