Thỏa thuận Xanh của EU và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam

Thỏa thuận Xanh của EU và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam

eu Việt nAM
11:01 - 10/02/2024
Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) của EU đang cho thấy yếu tố xanh trong các hoạt động kinh tế đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Đây là cơ hội, cũng đồng thời là thách thức lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Liên minh châu Âu (EU) đã rất nhiều lần đề cập đến các giá trị bền vững trong kinh tế. Một trong những khẩu hiệu khối này đã từng sử dụng ở nhiệm kỳ 2014 – 2018 của Ủy ban châu Âu (EC) là “không đánh đổi các giá trị tương lai bằng các hoạt động kinh tế hiện tại”, ngụ ý sẽ không vì phát triển kinh tế hiện tại mà bỏ qua các vấn đề sẽ ảnh hưởng đến tương lai như môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn sinh thái…. Nhiệm kỳ 2019 - 2024 của Ủy ban châu, EU cũng đặt mục tiêu vào Thỏa thuận Xanh.

Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050, được thông qua ngày 15/1/2020.

Triển khai thực hiện Thỏa thuận Xanh, EU đã, đang và sẽ xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể trong hầu khắp các lĩnh vực kinh tế. Các chính sách này đặt ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu xanh mới hoặc nâng cấp từ các quy định hiện hành.

Trong tổng thể, các chính sách xanh của EU được triển khai trên 9 lĩnh vực chính, trong đó có những lĩnh vực có chính sách xanh bao trùm các chủ thể trong và ngoài EU như khí hậu, môi trường, đại dương, nông nghiệp.

Chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai EGD, EU đã có nhiều chính sách xanh đang/dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này như chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F), kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn mới (CEAP), cơ chế điều chỉnh Carbon (CBAM), quy định chống phá rừng của EU (EUDR)…

Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (kiêm nhiệm Luxembourg, Ủy ban châu Âu) cho rằng, có rất nhiều lý do để EU thúc đẩy hành động xanh hóa, như sức ép từ các nhóm hoạt động, nhận thức của EU ngày càng cao về các vấn đề phát triển bền vững….

Các quy định mới của EU áp dụng cho tất cả các nước. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu, thì bên cạnh cơ hội xuất khẩu vào EU còn được hưởng ưu đãi thuế 0% cho gần 80% mặt hàng xuất vào thị trường này, theo hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

“Rất nhiều đối tác của EU đang mong muốn và nỗ lực rất nhiều để có hiệp định thương mại (FTA) nhưng vẫn chưa đạt được. Do đó, việc đáp ứng các yêu cầu sẽ là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Trần Ngọc Quân nhận định.

Tất nhiên ngược lại, ông Quân cũng lưu ý, phát triển xanh hiện không chỉ là sự kêu gọi của các nhóm xã hội, các tổ chức sinh thái mà đã trở thành quy định pháp lý tại EU. Nên nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các quy định mới thì hàng hóa sẽ không thể vào thị trường này.

Cùng trao đổi với Mekong ASEAN về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập cho biết, quy định chống phá rừng của EU - EUDR (một trong những sáng kiến xanh trong khuôn khổ EGD, có hiệu lực từ 29/6/2023 tác động lên các mặt hàng như gỗ) yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên toàn bộ chuỗi cung, bao gồm truy xuất tới vị trí thửa đất nơi các mặt hàng này được sản xuất.

Hiện nay, Việt Nam có xấp xỉ 4 triệu ha đất để sản xuất gỗ rừng trồng, nhưng tỷ lệ cấp chứng chỉ rừng mới chỉ chiếm 10%, điều này gây trở ngại cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định EUDR. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2 triệu m3 gỗ nguyên liệu.

Ông Trần Ngọc Quân cho biết, EU ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu, ví dụ tại chiến lược "Từ trang trại đến bàn ăn" (F2F), ngoài việc phải truy xuất tốt hơn trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, F2F còn yêu cầu thêm các quy định liên quan đến sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và trong tương lai sẽ là rác thải nông nghiệp…

Để thực hiện tốt nhất trách nhiệm giải trình trong EUDR, các doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc sản phẩm, nơi canh tác. Thông thường đầu vào cho ngành nông nghiệp thường nhiều, sản xuất trên nhiều địa bàn, thu gom từ nhiều đầu mối, nên việc tập hợp đầy đủ truy xuất cho từng lô hàng đòi hỏi nhiều công sức và phải lưu giữ hồ sơ tốt, ông Quân khuyến cáo.

Theo quy định EUDR, doanh nghiệp lớn sẽ có 18 tháng, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa có 24 tháng (tính từ ngày EUDR có hiệu lực vào 29/6/2023) để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu của quy định này.

Các thông tin liên quan doanh nghiệp giải trình như tên doanh nghiệp, địa chỉ, các nhà cung cấp, vị trí địa lý các lô thửa đất sản xuất nông nghiệp, mã HS các mặt hàng và sản phẩm, tên khoa học nơi các hàng hóa mà chúng đã được trồng để các mặt hàng này có thể được kiểm tra tuân thủ…

Trong năm qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó với những quy định mới của EU về vấn đề “xanh hóa”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn thực thi các quy định mới theo nhiều hình thức, cấp độ như từ tư vấn chính sách cho các bộ, ngành liên quan, cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Văn phòng trực tuyến của Thương vụ đến nghiên cứu phổ biến cẩm nang thực hiện các quy định và phối hợp với các bên tư vấn của EU và Việt Nam hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp với nhiều hình thức như hội thảo, chương trình phóng sự, trả lời phỏng vấn, các lớp tập huấn…..

Dưới góc độ hiệp hội, Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập cho biết, trong vấn đề yêu cầu về sản phẩm xanh của EU, doanh nghiệp gỗ sẽ cần phải thực một loạt hành động. Bao gồm, đẩy mạnh công tác truyền thông sản phẩm của Việt Nam, truyền thông về một loạt hoạt động xung quanh việc phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, đặc biệt là gỗ rừng trồng có chứng chỉ.

Bên cạnh đó, cần thực hiện giảm nguyên, nhiên liệu tiêu hao nhiều về năng lượng, các nguyên nhiên liệu được dùng hữu ích hơn. Đơn cử như ngành gỗ, thân gỗ sẽ dùng cho sản phẩm gì, từ thân đó thì phụ phẩm dùng cho sản phẩm gì, rễ và lá cây dùng cho sản phẩm gì…

Đọc tiếp