TS. Trần Việt Hùng: Giáo dục thế hệ trẻ từ sớm, chính là cách để thu hẹp khoảng cách số

TS. Trần Việt Hùng: Giáo dục thế hệ trẻ từ sớm, chính là cách để thu hẹp khoảng cách số

Giáo dục Việt nAM
06:00 - 04/10/2022
Trả lời phỏng vấn Mekong ASEAN, anh Trần Việt Hùng, người sáng lập tổ chức STEAM for Vietnam, nhận định Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, đặc biệt là đối với các bạn được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm. 

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã tác động đến phương pháp dạy và học, làm thay đổi hoàn toàn phương thức giáo dục truyền thống. Phổ cập mô hình giáo dục STEAM để chuẩn bị cho thế hệ trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết để "bắt kịp" với thế giới

Giáo dục STEAM là khái niệm dạy học liên ngành, kết hợp giữa các môn học: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Toán học (Math) và Nghệ thuật (Art). STEAM nhấn mạnh việc học tập dựa trên thực hành thay vì theo cách giáo dục truyền thống chỉ là kiến thức đơn thuần.

Mô hình giáo dục STEAM, được xem là nền tảng của nhiều quốc gia như Mỹ, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết, khơi nguồn sự sáng tạo và mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn trong tương lai.

Mekong Asean có cuộc trao đổi với anh Trần Việt Hùng, sáng lập viên STEAM for Vietnam về xu hướng giáo dục hiện cũng đang phát triển tại Việt Nam này.

Mekong ASEAN: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đang tạo ra những viễn cảnh phát triển rất khác, theo anh giới trẻ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức nào?

Anh Trần Việt Hùng: Cá nhân tôi thấy lĩnh vực khoa học - công nghệ, Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, đặc biệt là đối với các bạn được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm.

Có thể thấy những “ông lớn” công nghệ đã làm thay đổi thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk… đều bắt đầu từ việc làm quen với máy tính và tiếp cận với việc lập trình từ độ tuổi lên 10. Vì thế tôi cho rằng, khi mà có định hướng đúng thì các bạn sẽ phát huy được hết tiềm năng vốn có của mình.

Các bạn trẻ ngày nay có lợi thế về ngoại ngữ nhiều hơn so với thế hệ trước. Thông thạo ngoại ngữ giúp các bạn dễ dàng tiếp cận những kiến thức, tài liệu nước ngoài để bắt kịp xu hướng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong kỷ nguyên số.

Để mà nói về khó khăn, Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực công nghệ có chuyên môn cao. Các trường đại học, cơ sở đào tạo chưa tập trung xây dựng kiến thức nền tảng về khoa học - công nghệ cho các bạn trẻ.

Muốn có một nền kinh tế mạnh dựa trên công nghệ đồng nghĩa cần phải có một lực lượng công nghệ đông đảo và giỏi. Công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, nếu như chúng ta không có sự thay đổi về tư duy thì rất khó để mỗi cá nhân có thể cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Hơn nữa, việc tiếp cận các nguồn kiến thức mới vẫn còn hạn chế, dẫn đến thế hệ trẻ khó có thể hoà nhập với sự phát triển nhanh chóng của xã hội.

Bên cạnh đó, kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quan trọng để các bạn trẻ phát triển trong tương lai, đồng thời đó cũng là một rào cản lớn. Kỹ năng mềm giúp chúng ta, nhất là đối với những du học sinh thêm phần tự tin khi phải thích nghi, phát triển ở những môi trường mới. Từ nhỏ, chúng ta chỉ tập trung cho vào những môn học thiên về mặt lý thuyết để đạt điểm cao ở trường thay vì xây dựng những kỹ năng mềm như đọc, viết, giao tiếp, trình bày….

Mekong ASEAN: Anh nói phát triển khoa học - công nghệ là một cơ hội giúp Việt Nam bắt kịp với thế giới, vậy theo đánh giá của anh, lĩnh vực khoa học - công nghệ tại Việt Nam đã thực sự được chú trọng trong nhận thức của thế hệ trẻ chưa? Là một trong những đồng sáng lập STEAM for Vietnam với phương pháp giáo dục hiện đại, anh nhìn nhận thế nào về khả năng thu hút và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này?

Anh Trần Việt Hùng: Khi mà chưa chịu ảnh hưởng sự trực tiếp từ công nghệ thì chúng ta, chứ không riêng gì các bạn trẻ chưa thể thấy đó là lĩnh vực mà mình ưu tiên. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt về lĩnh vực khoa học - công nghệ góp phần tạo ra sự tiện lợi cho công việc cũng như nhiều cơ hội việc làm mở ra. Nếu không có đủ kiến thức, chuyên môn không phù hợp thì rất có thể mình sẽ bị thay thế.

Con người luôn là đối tượng mà STEAM for Vietnam ưu tiên hàng đầu. Theo đó, đội ngũ luôn đặt ra vấn đề: Làm thế nào để các bạn trẻ cảm thấy hứng thú và hăng say khi học chứ không phải học vì bị ép buộc?

Để làm được điều này, Việt Nam cũng như các tổ chức, cơ sở giáo dục phải xây dựng cách thức đào tạo mới với những nội dung và cách tiếp cận mới để các chương trình học hướng đến “học mà chơi, chơi mà học”.

Các bạn trẻ hăng say trong các sản phẩm tại cuộc thi "National Robotics Tournament".

Các bạn trẻ hăng say trong các sản phẩm tại cuộc thi "National Robotics Tournament".

Kết quả đem lại cũng sẽ rất khác biệt. Chẳng hạn như qua cuộc thi ‘National Robotics Tournament’ có thể thấy các thí sinh nhí rất hăng say với sự tìm hiểu, sáng tạo trong các sản phẩm của mình.

Mekong ASEAN: Điều gì đã thôi thúc anh cho ra đời tổ chức STEAM for Vietnam, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho các bạn trẻ Việt Nam?

Anh Trần Việt Hùng: Thành thật mà nói thì những dự án phi lợi nhuận như thế này nhiều khi ở Việt Nam là 'bất thường'. Nhưng đối với những ai đã và đang học tập hay làm việc ở nước ngoài thì đều biết tinh thần “cho đi” khá là phổ biến. Hằng năm, mọi người thường dành một khoảng thời gian để làm công việc thiện nguyện. Có người đi trồng cây, có người đi xây nhà cho người vô gia cư. Bản thân tôi luôn muốn tham gia các hoạt động công ích như vậy.

Với tôi, giáo dục là yếu tố quan trọng nhất, tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mỗi người và thậm chí biến các giấc mơ của họ thành hiện thực.

Sau khi bắt đầu dạy thử và cho các bạn thực tập ở dự án “Got It”, kết quả đem lại vượt ngoài mong đợi. Từ đó, tôi ấp ủ ý tưởng dạy công nghệ thông tin cho đông đảo học sinh Việt. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều người trẻ Việt đang học và làm tại Mỹ và cũng có cả những tình nguyện viên ở các nơi trên thế giới.

Để thu hút những người như vậy, cá nhân tôi cũng phải đưa ra một cái nhìn, định hướng rõ ràng. Mục đích nhân văn của dự án cũng là lý do mà chúng tôi kết nối với nhau, tham gia và làm việc chăm chỉ như một công việc toàn thời gian để đóng góp cho quê hương, cho cộng đồng. Thậm chí, rất nhiều người còn sẵn sàng bỏ tiền túi ra để hỗ trợ cho các hoạt động của dự án. Mọi người xem STEAM for Vietnam giống như một nơi để họ đền đáp lại những giá trị mà họ đã nhận được từ xã hội.

Sự ra đời của STEAM for Vietnam trên tinh thần đóng góp cho cộng đồng với sứ mệnh đưa mô hình giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế tới với người Việt, một cách hoàn toàn miễn phí.

Mekong ASEAN:Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện những tổ chức giáo dục theo mô hình giáo dục STEAM. Theo anh, sự khác biệt giữa STEAM for Vietnam với các tổ chức giáo dục này là gì?

Anh Trần Việt Hùng: Có thể, cái khác biệt lớn nhất ở đây có lẽ là nguồn nhân lực tham gia vào STEAM for Vietnam. Chúng tôi may mắn có được những tình nguyện viên rất giỏi và nhiệt tình.

Tổ chức STEAM for Vietnam hiện có rất nhiều tình nguyện viên ở các nơi trên thế giới. Họ là các chuyên gia, kỹ sư máy tính, kỹ sư phần mềm làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Amazon,...Đây là những người mà có nhiều tiền cũng không dễ gì tuyển được.

Tôi luôn trân trọng và coi họ là những nhà đầu tư lớn nhất cho dự án vì họ đều là những con người rất bận rộn nhưng vẫn luôn sẵn sàng đóng góp thời gian, kiến thức và công sức để phát triển dự án mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì.

Một điểm khác biệt của STEAM for Vietnam so với các tổ chức khác đó chính là tận dụng công nghệ một cách tối đa. Đội ngũ STEAM for Vietnam đều là những kỹ sư phần mềm, những người luôn có chất công nghệ trong đầu, vì vậy trong các định hướng hoạt động luôn có yếu tố công nghệ. STEAM for Vietnam được thiết kế để làm sao mà có thể tận dụng tối đa công nghệ, từ khâu tuyển dụng, xây dựng phần mềm cho đến vận hành.

Nhờ đó, họ có thể làm việc hiệu quả hơn trong bất kỳ ngành nghề nào chứ không chỉ riêng về khoa học - công nghệ. Đó cũng là sứ mệnh mà STEAM for Vietnam luôn hướng đến: Không chỉ đào tạo các kỹ sư công nghệ tương lai mà còn hướng đến xây dựng kỹ năng xử lý vấn đề cho giới trẻ.

Mekong ASEAN:Trên thực tế, sự chênh lệch giữa các vùng miền, đặc biệt là tại vùng sâu vùng xa vẫn gặp rất nhiều hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức. Vậy STEAM for Vietnam đã, đang và sẽ làm gì để cân bằng lượng kiến thức đến cho mọi học sinh, sinh viên ở khắp mọi nơi?

Anh Nguyễn Việt Hùng: Đội ngũ STEAM for Vietnam giải quyết vấn đề này khá là khoa học, chủ yếu dựa trên công nghệ và cơ sở dữ liệu để phân tích.

Giáo viên giỏi hiện nay tập trung ở một số nơi nhất định như trung tâm tỉnh, thành phố. Vì thế, học sinh ở những vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận kiến thức. STEAM for Vietnam áp dụng công nghệ thông qua hình thức giáo dục trực tuyến kết hợp tại chỗ (Online Merged Offline) để tăng quy mô, số lượng giáo viên. Học sinh ở bất kỳ đâu đều có cơ hội được học và trải nghiệm kiến thức mới này.

Về vấn đề tài liệu cũng tương tự, STEAM for Vietnam tận dụng tối đa công nghệ để truyền tải đến cho người dùng những kiến thức mới nhất, tiên tiến nhất.

Các bạn học sinh trường Tiểu học Mậu Duệ B (Hà Giang) lần đầu được làm quen với các thiết bị học tập hiện đại.

Các bạn học sinh trường Tiểu học Mậu Duệ B (Hà Giang) lần đầu được làm quen với các thiết bị học tập hiện đại.

Ngoài ra, STEAM for Vietnam cũng kết hợp với nhiều đối tác như VinUni để tài trợ các thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập đến rất nhiều nơi, trong đó mang ra cả những đảo như là đảo Phú Quý.

Mekong ASEAN: STEAM có nghĩa là Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Nghệ thuật - Toán học. Có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải thêm Nghệ thuật vào mô hình giáo dục này. Anh đánh giá thế nào về ý kiến trên?

Anh Trần Việt Hùng: Tôi cũng có nghe tới những ý kiến trái chiều như là bổ sung ‘Nghệ thuật’ vào mô hình giáo dục này sẽ làm giảm đi giá trị thực sự của các ngành khoa học. Tuy nhiên, nếu như chúng ta cứ đi theo lối mòn của mô hình giáo dục truyền thống là học riêng biệt từng môn chứ không tích hợp kiến thức của nhiều môn thì thế hệ trẻ sẽ không được phát triển toàn diện.

Trước đây, mọi người thường nói nhiều về STEM (Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học) nhưng với chủ trương của nền giáo dục hiện đại, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, sự đổi mới và tính nhân văn của những sản phẩm khoa học công nghệ.

Nghệ thuật mà STEAM for Vietnam muốn hướng đến không chỉ đơn thuần là vẽ vời như một hoạ sĩ mà đó còn có nghĩa là sự cân bằng giữa 2 bán cầu não trái và não phải. Bởi đó chính là một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển tiềm năng trí óc của con người.

Thay vì chỉ ngồi chép bài một cách thụ động từ đầu đến cuối, giờ đây các em có thể ‘biến tấu’ kiến thức thông qua mindmaps (bản đồ tư duy),…kích thích sự sáng tạo của các em trong việc thể hiện kiến thức mình đã học được.

STEAM for Vietnam luôn luôn đặt học sinh làm trung tâm để mang đến một sự phát triển đường dài, nhất là đối với trẻ em thì yếu tố nghệ thuật nhân văn rất quan trọng. Các em sẽ thấy hứng thú, yêu thích và thực sự tương tác với môn học thay vì phải học. Chính vì vậy, nghệ thuật theo hình thức đó để mình cân bằng, chứ không khô khan.

Mekong ASEAN:Để có những thành công như ngày hôm nay, STEAM for Vietnam chắc hẳn gặp không ít những khó khăn khi triển khai mô hình này tại Việt Nam. Vậy những khó khăn đó là gì? Đứng trước những thách thức đó, STEAM for Vietnam đã có những chiến lược nào để giải quyết bài toán trên?

Anh Trần Việt Hùng: Với những tổ chức phi lợi nhuận như này thì tài nguyên không có nhiều. Tất cả mọi thứ đều là tình nguyện vì mình đâu có nhiều tiền và cũng không có ai làm việc toàn thời gian cả. Cái thực sự khó khăn đấy là thiết kế, tổ chức làm sao mà STEAM for Vietnam vẫn hoạt động tốt dựa trên những nguồn tài nguyên hết sức hạn hẹp.

Chủ đích tập trung vào đối tượng này sẽ giúp đào tạo ra một lực lượng công nghệ giỏi sau này nhằm tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn, cạnh tranh không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp nơi trên thế giới. Trong thời gian tới, STEAM for Vietnam sẽ mở rộng sang nhiều lứa tuổi khác nhau tuỳ theo khả năng của tổ chức.

Bên cạnh đó, nguồn học liệu cũng được STEAM for Vietnam đặc biệt quan tâm tới. Tổ chức đã huy động nguồn nhân lực tốt nhất để sáng tạo ra nguồn tài liệu học tập cấp tiến, đầy hứng thú. Học liệu sử dụng công nghệ Hollywood, với mỗi bài học được thiết kế như một tập phim với cốt truyện, nhân vật nhằm tạo sự hứng thú, sáng tạo trong quá trình học cho các bạn học sinh.

Mới đây, tổ chức STEAM for Vietnam đã phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra mắt Hệ thống thư viện công nghệ STEAM Hub toàn quốc để học sinh, sinh viên hay cả đội ngũ giáo viên không phải gặp tình trạng thiếu thốn thiết bị.

Về công tác đào tạo, STEAM for Vietnam sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề đó. Áp dụng mô hình giáo dục trực tuyến kết hợp tại chỗ (Online Merged Offline) cho phép một giáo viên giỏi có thể dạy được nhiều học sinh. Với mô hình này không chỉ giúp giáo viên mà còn đảm bảo các bạn trẻ vẫn đến lớp để tương tác về mặt thể chất, xã hội nhưng đến giờ học sẽ được học trực tuyến với những giáo viên giỏi nhất, là các chuyên gia người Việt trên toàn cầu, đến từ các tập đoàn, các trường đại học nổi tiếng trên thế giới.

Thêm nữa, STEAM for Vietnam cũng sẽ trang bị cho giáo viên những nguồn tài liệu phong phú, chất lượng cùng với thiết bị giảng dạy tiên tiến, hiện đại để họ có thể tự mở các khóa học STEAM. Qua đó, STEAM for Vietnam sẽ tiếp tục tìm kiếm những chuyên gia giỏi để phát triển mạng lưới này.

Mekong ASEAN: Trong thời gian tới, STEAM for Vietnam có dự định mở ra những khoá đào tạo cho người lớn, đặc biệt là đội ngũ giáo viên không?

Anh Trần Việt Hùng: Chắc chắn rồi. Đó chính là một trong những sứ mệnh của STEAM for Vietnam.

Hiện tại, tổ chức STEAM for Vietnam đã đào tạo hơn 700 giáo viên trên khắp toàn quốc.

Trong thời gian tới, STEAM for Vietnam sẽ mở rộng chương trình đào tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tìm kiếm những người giỏi, chuyên gia ở nhiều ngành nghề để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho giáo viên. Khi đó, tổ chức cũng sẽ hỗ trợ cho họ những gì có thể để họ tự vận hành được các lớp học STEAM.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn sự chia sẻ của anh!

Đọc tiếp