TS Võ Trí Thành: 3 chiều cạnh của hội nhập

TS Võ Trí Thành: 3 chiều cạnh của hội nhập

hội nhập KINH TẾ
06:30 - 24/01/2023

Đối thoại với Mekong ASEAN, TS. Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) nhận định, khó khăn thử thách chính là bài học kinh nghiệm để chúng ta đúc kết, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho chặng đường phía trước. Đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế càng cứng cáp thì sẽ càng khẳng định sức mạnh quốc gia; doanh nghiệp càng lớn mạnh thì sẽ càng có sức để đi ra thế giới.


Mekong ASEAN: Rảnh rang cuối năm, nhìn lại hơn 30 năm Việt Nam thực hiện cải cách, hội nhập quốc tế, ông sẽ nghĩ về điều gì nhiều nhất?

TS. ­Võ Trí Thành: Trong tiến trình cải cách, đổi mới của Việt Nam hơn 30 năm qua có 3 trụ cột quan trọng nhất. Đó là ổn định vĩ mô, cải cách trong nước để xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Còn nói về động lực của sự phát triển kinh tế thì có hai động cơ, hai “cánh chim”, đó là cải cách bên trong và mở cửa hội nhập. Hai động cơ này gắn kết tương hỗ và thiếu một trong hai thì “con tàu” sẽ không thể tiến về phía trước.

Như vậy có thể khẳng định rằng, những thành quả chúng ta đạt được, từ GDP đến đời sống người dân không thể tách rời quá trình hội nhập. Hội nhập mang lại sân chơi rộng lớn, giúp chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước những biến động khó lường của thế giới. Trong đó “cách chơi” hội nhập của chúng ta gồm 3 câu hỏi, 3 chiều cạnh.

Một là hội nhập để làm gì? Là để phát triển, học hỏi, vươn lên, đem lại lợi ích cho đất nước. Hai là hội nhập bằng cách nào? Chúng ta hội nhập bằng luật, với việc tham gia rất nhiều hiệp định, cam kết; bên cạnh đó là bằng niềm tin, với rất nhiều đối tác chiến lược, cùng hợp tác, chia sẻ lợi ích. Thứ ba là hội nhập với ai? Việt Nam chủ trương làm bạn với tất cả, với những nước rất năng động trong khu vực, những thị trường lớn.

Tất nhiên là hội nhập không chỉ có cơ hội mà còn tiềm ẩn những rủi ro, đơn giản là sân chơi rộng thì không chỉ một mình chúng ta, mà phải cạnh tranh với nhiều người. Thứ hai là các rủi ro không phải xuất phát từ chủ quan mà là những yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát. Đó là những “cú sốc” bên ngoài, liên quan đến giá cả hàng hóa cơ bản, các chính sách vĩ mô của các nước khác (nhất là các nước phát triển), rủi ro về tài chính, những xung đột địa chính trị, quân sự…

Tôi cho rằng hội nhập là chiến lược phù hợp giúp phát triển đất nước. Chúng ta chấp nhận có rủi ro để có cơ hội. Kết quả ra sao thì sau 36 năm đổi mới, sự phát triển của đất nước đã chứng minh. Thế hệ bây giờ, mức sống, điều kiện tận hưởng, tiếp cận các dịch vụ hàng hóa, thu nhập... đều cải thiện rõ rệt so với các thế hệ trước. Về tổng thể, kinh tế Việt Nam được đánh giá trong một giai đoạn dài vào loại khá, tốc độ tăng trưởng khá cao.

Mekong ASEAN: Xét về mặt rủi ro, sau 3 năm nối tiếp dịch bệnh, lại đến xung đột Nga – Ukraine, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực? Theo ông, các khó khăn này sẽ còn tiếp diễn trong bao lâu và Chính phủ, doanh nghiệp cần hành động ra sao để ứng phó trong bối cảnh mới?

TS. Võ Trí Thành: Từ khi thống nhất đất nước đến nay, đây không phải là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những thách thức như vậy. Ngay từ khi đổi mới, chúng ta đã gặp những bất ổn vĩ mô, lạm phát hàng trăm %. Rồi phải trải qua các cuộc khủng hoảng khác nhau, như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, đại dịch… và rất nhiều “cú sốc” khác như thiên tai, lương thực, năng lượng… Đó phần lớn là những rủi ro bên ngoài, chúng ta không thể chi phối.

Nói như vậy để thấy rằng trong quá trình phát triển, chúng ta không thể tránh được các trở ngại; quan trọng là khi vấp phải, chúng ta phải cố gắng vượt qua, bắt nhịp xu thế để chuẩn bị cho quá trình tiếp theo.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là đất nước Việt Nam, con người Việt Nam phải tin vào định mệnh và tương lai của mình. Lòng tin được vun đắp bởi quá trình học hỏi, rút kinh nghiệm. Thực tế 3 năm qua đã mang lại rất nhiều bài học, cho cả người làm chính sách và người làm doanh nghiệp.

Với người làm chính sách thì đó câu chuyện làm sao tập hợp được trí tuệ, ý kiến để có chính sách tốt, thực thi đúng thời điểm, nhanh, quyết liệt. Doanh nghiệp cũng vậy, nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến” sẽ giúp họ vượt qua khó khăn. Có rất nhiều cách để doanh nghiệp trụ lại trong giai đoạn sóng gió như cắt giảm chi phí, chuyển đổi thị trường, tạo sản phẩm thích ứng, thay đổi phương thức quản trị, tương tác khách hàng... Đặc biệt, công nghệ số giúp ích rất nhiều trong bối cảnh hiện tại.

Về ngắn hạn thì tôi đánh giá, trong năm 2023, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế giảm, thậm chí có nước rơi vào suy thoái; khủng hoảng năng lượng chưa phải đã chấm dứt, áp lực trên thị trường tài chính tiền tệ vẫn còn rất lớn, nhiều nước dư địa trong chính sách tiền tệ hạn hẹp (tỷ giá, lãi suất), lạm phát khá cao... Câu chuyện dịch chuyển dòng vốn cũng không thuận cho các nước đang phát triển.

Chúng ta vẫn có thể nghĩ tới một kịch bản "màu hồng" hơn. Đó là hy vọng cuộc chiến Nga – Ukraine dừng lại; nhiều dự báo cũng cho rằng suy thoái nếu có thì chỉ nhẹ, áp lực điều hành chính sách vĩ mô đỡ hơn khi cường độ, nhịp độ tăng lãi suất giảm, lạm phát qua đỉnh… Trong nước là việc tận dụng các FTA để đỡ giảm sút xuất khẩu, đầu tư công được đẩy mạnh hơn (theo kế hoạch và trong chương trình phục hồi phát triển), có linh hoạt thay đổi…

Mekong ASEAN: Trong quá trình hội nhập, ông đánh giá sao về khát vọng vươn ra thế giới của doanh nghiệp Việt Nam? Đâu là những hạn chế mà họ cần khắc phục để có thể thực sự trở thành những tập đoàn lớn mạnh mang thương hiệu quốc gia?

TS. Võ Trí Thành: Chúng ta đã có 3-4 thế hệ doanh nhân trong quá trình đổi mới, cải cách. Họ bươn chải, va đập, tôi luyện, thất bại và thành công đều có đủ. Các thế hệ sau có khả năng tiếp cận nguồn lực, tri thức, học hỏi tốt hơn nhờ chính sách hội nhập. Tuy nhiên phải nói rằng, cái quý nhất là chính là khát vọng.

Khát vọng ở đây không thuần túy là khẩu hiệu. Bên cạnh chất dân tộc, tình yêu quê hương đất nước thì sự phát triển, vươn tầm thế giới còn đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp. Thương hiệu của doanh nghiệp bây giờ không chỉ là tăng trưởng doanh số lợi nhuận thuần túy theo nghĩa truyền thống mà phải gắn từ A-Z, phải nhiều màu xanh hơn, nhiều trách nhiệm xã hội hơn. Nghĩa là không còn là chuyện có tiền nên đi yêu thương, mà yêu thương nằm trong quá trình có tiền.

Điểm hạn chế thì tôi nghĩ rằng chúng ta chưa thực sự có những doanh nghiệp lớn mạnh. Thực tế, nhiều doanh nghiệp to nhưng chưa lớn, lớn nhưng chưa mạnh. Lớn mạnh theo nghĩa đầy đủ phải đáp ứng được 3 yêu cầu: Sáng tạo, công nghệ; tạo thương hiệu trong nước, quốc tế; tiên phong, dẫn dắt (bằng hình ảnh, tấm gương, liên kết).

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, còn hạn chế về nguồn lực, nguồn vốn, công nghệ... Người Việt rất linh hoạt, thích ứng, có khả năng vượt qua khó khăn. Nhưng đây cũng sẽ là điểm yếu nếu không thôi thúc sự sáng tạo, khiến cái nhìn phát triển chưa thật dài, chưa thật căn cơ. Ngoài ra, đằng sau sự chưa hoàn hảo của doanh nghiệp còn liên quan đến văn hoá, chính sách, môi trường kinh doanh...

Tuy nhiên tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta đã chấp nhận cuộc chơi hội nhập thì phải tin vào khả năng của bản thân và khát khao chiến thắng. Niềm tin là để mình thấy mình hoàn toàn có thể làm được, và muốn có niềm tin thì phải chuẩn bị, phải học hỏi, kết nối với người giỏi hơn. Đặc biệt là không ngại cạnh tranh, bởi cạnh tranh là trái tim của thị trường, là bản chất nhất của thị trường. Đồng thời phải biết bắt nhịp với xu thế (hiện nay là phát triển bao trùm, xanh, bền vững); và trong một thế giới đầy rủi ro thì không thể không quản trị rủi ro.

Mekong ASEAN: Trong hội nhập toàn diện thì hội nhập tài chính là con đường quan trọng để chúng ta tiếp cận nguồn lực lớn từ bên ngoài để phát triển đất nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về con đường hội nhập này?

TS. Võ Trí Thành: Hội nhập tài chính gồm 3 vấn đề. Một là liên quan đến vấn đề tự do hoá tài chính, tức cán cân thanh toán quốc tế được mở cửa tự do đầy đủ. Hai là giá cả của tài sản tài chính phải rất thị trường, như tỷ giá, lãi suất... Ba là ra vào các định chế tài chính.

Việt Nam vô cùng mở về thương mại nhưng còn nhiều hạn chế trong hội nhập tài chính, bởi phát triển khu vực tài chính rất khác biệt so với khu vực phi tài chính, liên quan nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô, sự lành mạnh an toàn của hệ thống tài chính. Với các nước đang phát triển thì tự do hoá tài chính thường phải theo các bước chứ không thể quá vội vã. Thực tế thì chúng ta đã khá cởi mở so với trình độ phát triển.

Việt Nam rất cần thu hút vốn, kỹ năng, công nghệ, nhưng bài học của nhiều nước và các nghiên cứu cũng chỉ rõ, bên cạnh các mặt vô cùng tích cực của dòng vốn hỗ trợ phát triển thì cũng có những rủi ro, như rủi ro lạm phát cao, bong bóng tài sản, đổ vỡ hệ thống tài chính... Rõ nhất là thị trường trái phiếu của chúng ta. Chiến lược đã có từ năm 2000 nhưng chúng ta đã không xây dựng nền tảng tốt để cho thị trường này phát triển. Đến khi “nới” thì "bung" ra, ẩn chứa nhiều rủi ro. Và khi "bung" ra mà "phanh" lại không khéo sẽ gây ra mất niềm tin, khó khăn...

Thị trường trái phiếu cần nền tảng như thế nào? Trái phiếu Chính phủ phải là thị trường tốt, lãi suất chuẩn; trái phiếu doanh nghiệp muốn tốt thì phải từ hệ thống thanh toán, xử lý tranh chấp, định mức tín nhiệm, phát triển các định chế tài chính dài hạn như quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm... Tóm lại trong tương lai, hội nhập tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh nhưng chúng ta cần những bước đi vững chắc.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp