Người dân đổ xô đến xe tải viện trợ tại trung tâm Gaza. Ảnh: AP |
Theo hãng thông tấn chính thức của Chính quyền Palestine WAFA thông báo vào sáng sớm ngày 7/9, có ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong lều tị nạn tại trường Halima al-Sa'diyya ở Jabalia, phía bắc Gaza. Con số tử vong được nâng lên ngưỡng 13 người khi một cuộc tấn công khác vào một tòa nhà dân dư ở trại Nuseirat, trung tâm Gaza khiến thêm 5 người Palestine khác thiệt mạng.
Về phía Israel, trong một tuyên bố, quân đội nước này cho biết đã "tiến hành một cuộc tấn công chính xác vào những kẻ khủng bố đang hoạt động bên trong một trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Hamas, những kẻ đã ẩn náu bên trong một khu phức hợp trước đây từng là Trường Halima al-Sa'diyya ở phía bắc Dải Gaza".
Cuộc xung đột hiện tại giữa Israel và lực lượng Hamas bắt đầu ngày 7/10/2023 khi các tay súng Hamas tấn công miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và đồng thời bắt giữ 250 con tin.
Các cuộc tấn công trả đũa của quân đội Israel sau đó đã khiến hơn 40.000 người Palestine thiệt mạng, theo thống kê của Bộ Y tế tại Gaza và đồng thời khiến gần như toàn bộ dân số 2,3 triệu người của dải đất này phải di dời, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và nạn đói nghiêm trọng. Israel cũng phải đối mặt với cáo buộc tiến hành diệt chủng ở Gaza tại Tòa án Công lý Thế giới (ICJ) – một cáo buộc mà nước này đã phủ nhận.
Trong nhiều tháng qua, các cuộc đàm phán để mang lại lệnh ngừng bắn và đảm bảo việc thả các con tin Israel và tù nhân Palestine đã được tiến hành thông qua trung gian từ Qatar, Mỹ và Ai Cập. Tuy nhiên, các nỗ lực cho tới hiện tại đều không đạt được tiến triển tích cực, đặc biệt khi hai bên Israel – Hamas vẫn tồn tại các bất đồng liên quan tới Hành lang Philadelphi. Hành lang Philadelphi là một dải đất hẹp dọc biên giới Gaza với Ai Cập và là nơi Israel cáo buộc Hamas đã buôn lậu vũ khí vào Gaza.
Chính phủ Mỹ cùng chính phủ Israel cũng đồng thời đưa ra các tuyên bố trái ngược về triển vọng của một thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi chính phủ Mỹ đưa ra các thái độ tương đối tích cực, chính phủ Israel từng nhiều lần bày tỏ sự kiên định với quan điểm của mình.
Ngày 2/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ông vẫn sẽ kiên trì vơi quan điểm Israel duy trì kiểm soát tại hành lang Philadelphi – một trong những điểm bế tắc lớn nhất trong đàm phán ngừng bắn với lực lượng Hamas. Theo ông Netanyahu, hành lang này này là yếu tố quan trọng để đảm bảo Hamas không thể tái vũ trang qua hệ thống đường hầm do "đây chính là oxy của Hamas".
Đứng trước áp lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, ông tuyên bố: "Không ai cam kết giải cứu các con tin hơn tôi. Không ai có thể thuyết giảng tôi về vấn đề này”. Trước đây, ông Netanyahu đã nhiều lần nhấn mạnh các chiến dịch tấn công của quân đội Israel sẽ buộc lực lượng Hamas phải nhượng bộ các yêu cầu và có khả năng tạo điều kiện cho các hoạt động giải cứu và cuối cùng là tiêu diệt hoàn toàn nhóm này.