'2023 sẽ là năm tiếp theo thương mại Việt - Mỹ vượt mốc 100 tỷ USD'

'2023 sẽ là năm tiếp theo thương mại Việt - Mỹ vượt mốc 100 tỷ USD'

Giao thương hoa kỳ
09:28 - 23/01/2023
Mặc dù chịu sự tác động lớn biến động kinh tế thế giới nhưng thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2022 vẫn đạt hơn 120 tỷ USD. Điều này đặt ra kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đạt trên 100 tỷ USD.

Sau hơn 27 năm bình thường hóa quan hệ, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều tiến triển vượt bậc, trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Kể từ năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021, bất chấp đại dịch Covid - 19 kéo dài và diễn biến phức tạp của chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thương mại hai nước đạt mốc 100 tỷ USD. Bước sang năm 2022, thương mại song phương tiếp tục đạt kỷ lục với 123,7 tỷ USD.

Nhằm tìm hiểu sâu hơn về sự phát triển thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2022 có nhiều biến động, Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng.

Mekong ASEAN: Năm qua, kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong đó Hoa Kỳ liên tục ghi nhận các mức lạm phát cao. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như tiềm năng các mặt hàng chính của Việt Nam tại Hoa Kỳ trong năm 2022?

Tham tán Đỗ Ngọc Hưng: Ngày 14/12, Cục Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, tăng phạm vi lãi suất cơ bản của FED lên khoảng 4,25% đến 4,5%, nâng mức lãi suất lên cao nhất trong 15 năm qua. Việc tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian qua nhằm kiềm chế lạm phát, hiện đang ở mức cao kỷ lục trong 40 năm qua để giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững.

Theo số liệu công bố, lạm phát tháng 11/2022 tại Hoa Kỳ tiếp tục hạ nhiệt (trong 5 tháng liên tiếp) với chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,1%, thấp hơn mức dự đoán 7,3%, nền kinh tế Hoa Kỳ đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa đủ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ từ nay đến hết năm 2023. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, FED sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao cho đến đầu năm 2024.

Trong bối cảnh trên, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022 tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 123,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 109,3 tỷ USD; nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm phù hợp với thị trường và thị hiếu tiêu dùng của Hoa Kỳ, với các mặt hàng chủ lực gồm máy và thiết bị điện tử, thu âm, thu hình, sắt thép, dệt may, da giày, thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ…

Năm 2022, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, đạt 201, tỷ USD. Đứng thứ hai là hàng dệt may, đạt 17,3 tỷ USD; kế đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD.

Về tiềm năng các mặt hàng, trước tiên về nhu cầu hàng may mặc, theo số liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, doanh số bán hàng may mặc nói chung ở Hoa Kỳ tiếp tục tăng đáng kể so với năm 2021 và năm 2019 (trước khi diễn ra đại dịch Covid-19). Nhìn chung, khi chi tiêu cho mặt hàng dệt may tại Hoa Kỳ vẫn đang đà tăng bất chấp sự sụt giảm chi tiêu ở một số mặt hàng khác thì hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, xu hướng cạnh tranh toàn cầu, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam nói chung và ngành điện tử, bán dẫn nói riêng.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ liên tục giảm từ tháng 6 đến nay. Thị trường dư cung, kết hợp yếu tố lạm phát tăng kỷ lục trong vòng 40 năm qua, khủng hoảng nhiên liệu khiến người dân thắt chặt chi tiêu nên nhập khẩu tôm vào thị trường này từ hầu hết các nguồn cung đều giảm.

Bắt đầu từ tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chỉ dao động 32-33 triệu USD mỗi tháng, mức sụt giảm đáng kể so với mức đỉnh 81 triệu USD hồi tháng 4/2022.

Lạm phát tại Mỹ đã giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao trong vòng 40 năm qua. Do đó, giá thực phẩm vẫn ở mức đắt đỏ và kìm hãm sức mua của thị trường này trong những tháng cuối năm và sẽ tiếp tục chi phối tiêu thụ của thị trường này trong năm 2023. Trong đó, những sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ sẽ gặp nhiều thách thức để đạt mức tăng trưởng như năm 2022.

Mekong ASEAN: Thời gian qua, Hoa Kỳ tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, theo ông, doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần có sách lược gì nếu muốn tiến vào thị trường Hoa Kỳ lâu dài?

Tham tán Đỗ Ngọc Hưng: Hoa Kỳ luôn là một trong những thành viên WTO tích cực điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đảm bảo cạnh tranh công bằng với hàng hóa trong nước. Việc tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hiện nay, các mặt hàng bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại rất đa dạng, bao gồm cả những hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp, mặt hàng có kim ngạch nhỏ.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Hoa Kỳ cho phép các nhà xuất khẩu nước ngoài (trong đó có Việt Nam) có quyền cung cấp thông tin, tài liệu để chứng minh hoạt động của mình là tuân thủ các quy định của WTO, Hoa Kỳ. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc phối hợp với cơ quan điều tra Hoa Kỳ cung cấp thông tin để giảm thiểu tác động tiêu cực trong các kết luận của cơ quan điều tra.

Trong một số trường hợp doanh nghiệp của Việt Nam không bị áp thuế hoặc chỉ áp thuế với mức rất thấp. Thêm vào đó, khi Hoa Kỳ điều tra nhiều nước trong cùng một vụ việc với cùng loại sản phẩm, việc đạt được kết quả tích cực sẽ là lợi thế cạnh tranh không nhỏ đối với hàng hóa các nước khác bị áp thuế và đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm thị phần.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cập nhật, theo dõi các cảnh báo về khả năng bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại do cơ quan chức của Việt Nam đưa ra, cụ thể Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, để có biện pháp ứng phó và chiến lược kinh doanh phù hợp.

Mekong ASEAN: Theo ông, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ có lợi thế nào để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2023?

Tham tán Đỗ Ngọc Hưng: Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển thực chất. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, hai nước đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác như Hiệp định thương mại song phương (BTA), Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2013); ký kết Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững năm 2019.

Hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (2013-2023), các hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước.

Do vậy, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng năm 2023 và các năm tiếp theo, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thương mại và thu hút vốn đầu tư, khai thác hiệu quả những lĩnh vực tiềm năng, tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương để tiếp tục chạm mốc năm thứ 3 liên tiếp thương mại hai chiều vượt mức 100 tỷ USD.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp