7 lần WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch bệnh

Dịch bệnh THẾ GIỚI
15:53 - 25/07/2022
Trụ sở WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Trụ sở WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong vòng hơn 10 năm qua từ 2009 tới 2022, WHO đã có tổng cộng 7 lần ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, từ đại dịch cúm A H1N1 tới đại dịch Covid-19, với một số dịch bệnh hiện vẫn được duy trì trạng thái này.

Đại dịch cúm H1N1 năm 2009 - 2010

Trước đại dịch H1N1 năm 2009, virus cúm A (H1N1) chưa bao giờ được xác nhận là nguyên nhân lây nhiễm ở con người. Theo tuyên bố chính thức của WHO, các phân tích di truyền của loại virus này đã chỉ ra rằng nó có nguồn gốc từ virus cúm động vật chứ không có bất cứ liên quan nào đến virus H1N1 theo mùa đã phổ biến ở người từ năm 1977.

Sau những báo cáo ban đầu về các đợt bùng phát dịch tại Bắc Mỹ vào tháng 4/2009, virus cúm mới đã lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới. Vào thời điểm WHO tuyên bố đại dịch vào tháng 6/2009, trên thế giới đã có tổng cộng 74 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh.

Không giống như các mô hình cúm theo mùa điển hình, loại virus mới này gây ra mức độ lây nhiễm cao vào mùa hè ở bán cầu bắc và sau đó là mức độ hoạt động còn cao hơn trong những tháng mát mẻ. Virus cúm A cũng gây ra các trường hợp tử vong và các bệnh không thường thấy ở các ca nhiễm cúm thông thường.

Sau khi đạt đỉnh, virus cúm A H1N1 tiếp tục lưu hành dưới dạng virus theo mùa và được đưa vào danh sách vaccine phòng bệnh cúm theo mùa.

Nhân viên y tế tại Tây Phi thực hiện khử trùng tay tại một ổ dịch. Ảnh: EC/ECHO Jean-Louis Mosser

Nhân viên y tế tại Tây Phi thực hiện khử trùng tay tại một ổ dịch. Ảnh: EC/ECHO Jean-Louis Mosser

Dịch Ebola tại Tây Phi năm 2014 - 2016

Đợt bùng dịch thứ 7 tại Tây Phi là đợt bùng phát Ebola lớn nhất kể từ khi virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976. So với tất cả các đợt bùng dịch trước đó cộng lại, đợt bùng phát này ghi nhận nhiều ca bệnh và tử vong hơn hẳn.

Theo WHO, dịch bệnh này được bắt đầu tại Guinea và sau đó nhanh chóng lan sang các nước láng giềng Sierra Leone và Liberia. Đến tháng 7/2014, nó đã lan đến được thủ đô của 3 quốc gia này và vào tháng 8/2014, WHO tuyên bố sự bùng phát là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC).

Trong quá trình lây lan của mình, dịch bệnh này đã lây lan sang 7 quốc gia bao gồm Italy, Mali, Nigeria, Senegal, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Mỹ. Tới tháng 6/2016, đợt bùng dịch này chính thức được tuyên bố chấm dứt với hơn 28.600 ca nhiễm được ghi nhận và 11.325 ca tử vong.

Cộng hòa Dân chủ Congo cũng vừa tuyên bố bùng dịch Ebola ngày 23/4/2022. Ảnh: Africa CDC

Cộng hòa Dân chủ Congo cũng vừa tuyên bố bùng dịch Ebola ngày 23/4/2022. Ảnh: Africa CDC

Dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2018 - 2020

Vào năm 2017, một ổ dịch Ebola đã được phát hiện tại tỉnh Bas-Uélé của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Là bệnh đặc hữu của quốc gia này, lần bùng phát này là lần bùng phát dịch Ebola thứ 8 kể từ khi virus được phát hiện lần đầu năm 1976.

Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực chung của Chính phủ, WHO và nhiều đối tác khác, dịch bệnh này nhanh chóng được đưa vào tầm kiểm soát. Việc ứng phó hiệu quả với đợt bùng phát này được thực hiện thông qua việc chính quyền địa phương cảnh báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ, xét nghiệm mẫu máu ngay lập tức do năng lực phòng thí nghiệm quốc gia được tăng cường, chính phủ thông báo sớm về ổ dịch

Ngoài ra, các hoạt động phản ứng nhanh của cơ quan y tế địa phương và quốc gia với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đối tác quốc tế và khả năng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn linh hoạt cũng là một yếu tố quan trọng.

Hiện toàn thế giới vẫn đang tập trung xóa bỏ hoàn toàn bệnh bại liệt giống như bệnh đậu mùa năm 1980. Ảnh: U.S. Embassy in Mozambique

Hiện toàn thế giới vẫn đang tập trung xóa bỏ hoàn toàn bệnh bại liệt giống như bệnh đậu mùa năm 1980. Ảnh: U.S. Embassy in Mozambique

Bệnh bại liệt từ 2014 đến nay

Kể từ khi chính thức được tuyên bố là một trường hợp khẩn cấp về y tế toàn cầu vào năm 2014 tới nay, bệnh bại liệt hiện vẫn đang giữ trạng thái này và chưa được bãi bỏ.

Tuy nhiên kể từ khi Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua một nghị quyết về việc xóa bỏ bệnh bại liệt trên toàn thế giới vào năm 1988, các tiến bộ vượt bậc đã được thực hiện trên toàn cầu.

Với sự ra mắt của Sáng kiến Xóa bỏ Bại liệt Toàn cầu (GPEI) do các chính phủ quốc gia đứng đầu cùng sự hợp tác của WHO, Rotary International, CDC Mỹ, UNICEF, Quỹ Bill & Melinda Gates và Gavi - Liên minh vắc xin, số ca mắc bệnh bại liệt trên toàn thế giới đã giảm 99%. Từ ước tính khoảng 350 000 ca nhiễm ở hơn 125 quốc gia lưu hành bệnh năm 1988, hiện số ca mắc bệnh bại liệt dại chỉ còn 6 ca năm 2021.

Tại các quốc gia vẫn lưu hành bệnh này như Pakistan hay Afghanistan, sự lây truyền đã giảm xuống mức rất thấp. Cho đến năm 2022, các cơ quan y tế vẫn chưa ghi nhận mẫu xét nghiệm dương tính nào. Thế giới vì vậy đang đứng trước ngưỡng xóa sổ một căn bệnh ở người trên toàn cầu lần thứ 2 trong lịch sử sau bệnh đậu mùa vào năm 1980.

Bệnh Zika có thể gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ em. Ảnh: AP

Bệnh Zika có thể gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ em. Ảnh: AP

Dịch Zika năm 2016

Dịch Zika là trường hợp bệnh do virus gây ra đầu tiên được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Vào tháng 3/2015, Brazil đã báo cáo một đợt bùng phát dịch phát ban lớn được xác định ngay sau đó là nhiễm virus Zika. Tới tháng 7/2015, dịch bệnh này tiếp tục được phát hiện có liên quan đến hội chứng Guillain-Barré (một bệnh lý viêm thần kinh).

Đến nay, đã có tổng cộng 86 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bằng chứng về việc nhiễm Zika thông qua muỗi đốt. Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa phát minh ra vaccine phòng ngừa hoặc điều trị virus Zika và việc phát triển vaccine cho dịch bệnh này vẫn đang là một lĩnh vực đang được nghiên cứu tích cực.

Kể từ khi bùng dịch năm 2019 tại Trung Quốc, virus corona đã xuất hiện thêm nhiều biến chủng khác. Ảnh: AFP

Kể từ khi bùng dịch năm 2019 tại Trung Quốc, virus corona đã xuất hiện thêm nhiều biến chủng khác. Ảnh: AFP

Đại dịch COVID-19 từ 2020 đến nay

Coronavirus là một nhóm virus thuộc họ Coronaviridae và lây nhiễm cho cả động vật lẫn con người. Loại virus chưa từng được xác định này xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019.

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu bao gồm các triệu chứng về đường hô hấp như sốt, ho và khó thở, tương tự như bệnh cúm thông thường. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, virus này có thể gây viêm phổi, hội chứng hô hấp cấp tính hay cả tử vong.

Mặc dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 được ước tính ở khoảng 2% –3% và thấp hơn so với SARS (khoảng 10%) và MERS (khoảng 40%), đại dịch COVID-19 lại lây lan rộng hơn và gây ra nhiều tác động kinh tế cũng như xã hội nghiêm trọng hơn nhiều.

Tính tới 23/7/2022, toàn thế giới ghi nhận hơn 565 triệu trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19. Số ca tử vong hiện ở mức 6.373.739 ca và hơn 12 tỷ liều vaccine đã được tiêm.

WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu hôm 23/7. Ảnh: CDC Mỹ

WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu hôm 23/7. Ảnh: CDC Mỹ

Dịch đậu mùa khỉ năm 2022

Dịch đậu mùa khỉ là lần công bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu lần thứ 7 trong khoảng thời gian hơn 1 thập kỷ qua của WHO. Kể từ đầu tháng 5/2022, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ bất thường đã được báo cáo từ các quốc gia vốn không lưu hành bệnh này.

Thêm vào đó, hầu hết các trường hợp mắc bệnh được xác nhận có tiền sử du lịch đều cho biết họ đi du lịch đến các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ chứ không phải các quốc gia vốn thường lưu hành như Tây hoặc Trung Phi. Đây là lần đầu tiên nhiều trường hợp và cụm bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo đồng thời ở các quốc gia không có bệnh dịch cũng như tại các khu vực địa lý khác nhau như hiện tại.

Hiện tổng số ca mắc đã đạt ngưỡng hơn 16.500 ca trên toàn thế giới với 5 ca tử vong. Nhằm ứng phó với sự lây lan này, một số quốc gia với số ca nhiễm cao như tâm dịch New York tại Mỹ hay một số quốc gia châu Âu đã lên kế hoạch hoặc đã tiến hành tiêm những đợt vaccine đậu mùa khỉ đầu tiên.

Đọc tiếp