Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967 – 8/8/2022), Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Hoàng Anh Tuấn – nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách chính trị - an ninh (nhiệm kỳ 2018 - 2021) đã có cuộc trao đổi với Mekong ASEAN về tổ chức khu vực mà Việt Nam là một thành viên chủ động và tích cực này.
Mekong ASEAN: Nhân dịp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tròn 55 năm ngày ra đời, ông có thể đánh giá những thành tựu nổi bật của khối trong tiến trình phát triển và hội nhập?
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Sau 55 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã vươn lên từ một tổ chức tiểu khu vực thành tổ chức toàn khu vực của tất cả các quốc gia Đông Nam Á và được xem là tổ chức khu vực thành công thứ hai trên thế giới chỉ sau Liên minh châu Âu (EU).
ASEAN đã đạt được rất nhiều thành tựu và đóng góp nổi bật trong tiến trình hội nhập và phát triển, cụ thể là:
Thứ nhất, ASEAN đã biến Đông Nam Á từ một khu vực bất ổn, lạc hậu, đầy mâu thuẫn và nghi kỵ thành một trong những "ốc đảo" của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Đông Á và trên thế giới.
Trước khi ASEAN ra đời, ở khu vực Đông Nam Á đã xuất hiện một số tổ chức như Hiệp hội Đông Nam Á hay nhóm MAPHILINDO gồm Malaysia, Philippines và Indonesia, nhưng các nhóm này đã sớm chết yểu vì mâu thuẫn và nghi kỵ quá lớn giữa các thành viên.
Rút kinh nghiệm từ thất bại của các tổ chức tiền thân, trong giai đoạn đầu, ASEAN đã chọn bước đi tiệm tiến và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như kinh tế, văn hóa, giáo dục... Từ đó, ASEAN xây dựng thói quen đối thoại, hợp tác rồi mở rộng hợp tác thực chất hơn sang các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh, chính trị.
Điều này được thể hiện qua việc các thành viên ASEAN tuân thủ triệt để các nguyên tắc ghi trong Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Đông Nam Á (TAC), ký kết vào năm 1976. Nhờ vậy, trong 55 năm qua đã không có chiến tranh hay xung đột lớn trong quan hệ liên quốc gia giữa các thành viên ASEAN.
Chính nhờ môi trường hòa bình, an ninh và ổn định đó, các thành viên ASEAN có điều kiện tập trung vào xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của ASEAN ở khu vực Đông Á, Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Thứ hai, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tiến trình xây dựng cộng đồng dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng An ninh - Chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội như đã được ghi trong Tầm nhìn 2025 và Kế hoạch tổng thể xây dựng ba Cộng đồng trên vào năm 2025.
Cho đến nay, ASEAN đã phần lớn đạt được các mục tiêu xây dựng cộng đồng cho năm 2025 với việc thực hiện trên 90% các dòng hành động của từng trụ cột. Hiện nay, các nước ASEAN bắt đầu bàn thảo các nội dung cho tầm nhìn xây dựng cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Thứ ba, phát triển kinh tế được đánh giá là một trong những thành tựu nổi bật của ASEAN trong 55 năm qua.
ASEAN hiện được xem là một khu vực phát triển kinh tế năng động của thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 5,5%/năm, tổng GDP đạt 3.300 tỷ USD. ASEAN đang vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030.
Thứ tư, ảnh hưởng và vị thế của ASEAN ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Hiện ASEAN có quan hệ đối tác với 11 quốc gia/thực thể, trong đó có 2 nước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và có quan hệ đối tác chiến lược với 8 quốc gia/thực thể.
Tính đến nay có 49 quốc gia/thực thể ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ASEAN (TAC) và 96 quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á cử Đại sứ bên cạnh Ban thư ký ASEAN. Ngoài ra, các cường quốc lớn ngoài khu vực ngày càng coi trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ song phương cũng như trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của họ.
Mekong ASEAN: ASEAN đang ngày càng khẳng định tiếng nói và vai trò trung tâm trong thúc đẩy giao thương, liên kết kinh tế, cũng như góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Ông nhận định như thế nào về tầm nhìn phát triển, vị thế của ASEAN trong thập kỷ tới?
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Trên cơ sở đánh giá các thành tựu ASEAN đạt được trong thời gian qua, cũng như các cam kết xây dựng cộng đồng trong thời gian tới, chúng ta có thể dự báo về một số phát triển của ASEAN trong thập kỷ tới. Tôi cho rằng, tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Về chính trị - an ninh, ASEAN sẽ ngày một thống nhất và cố kết hơn trong việc xử lý các thách thức an ninh đối với khu vực, cả các vấn đề an ninh truyền thống lẫn các vấn đề an ninh phi truyền thống như vấn đề Biển Đông, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên biên giới... Đồng thời, ASEAN sẽ tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trong quan hệ với các trung tâm quyền lực lớn trên thế giới.
Về kinh tế, ASEAN sẽ đóng vai trò tích cực trên tư cách là một trung tâm tăng trưởng của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy sự kết nối trong nội bộ ASEAN cũng như giữa ASEAN với bên ngoài. ASEAN sẽ thúc đẩy tăng trưởng dựa trên thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu năng lượng và phát triển bền vững.
Về văn hóa - xã hội, ASEAN sẽ tiếp tục đặt con người ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển. Mục tiêu của ASEAN là xây dựng bản sắc cộng đồng ASEAN, đồng thời từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân.
Mekong ASEAN: Ngày 28/7/2022 vừa qua cũng đánh dấu 27 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Ông có thể đưa ra đánh giá về tầm quan trọng của quyết định Việt Nam gia nhập khối, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển ASEAN?
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Tôi cho rằng quyết định Việt Nam tham gia ASEAN cách đây 27 năm là một quyết định có tầm chiến lược và hoàn toàn đúng đắn.
Từ góc độ an ninh, chính trị và ngoại giao, các nước ASEAN là những láng giềng gần gũi của Việt Nam. Xu thế chung của các nước sau Chiến tranh Lạnh là mở rộng và làm sâu sắc quan hệ quan hệ với các quốc gia láng giềng để mở rộng nền tảng an ninh. Do đó, bảo vệ tốt hơn an ninh của chính mình và chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung đó.
Đối với Việt Nam, chúng ta thấy rằng các mục đích, tôn chỉ của ASEAN ghi trong Tuyên bố Bangkok 8/8/1965 hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Việt Nam, cũng như sự đổi mới tư duy về đối ngoại trong bối cảnh mới.
Về kinh tế, ASEAN được xem là một thị trường lớn và năng động ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới với gần 700 triệu dân và GDP khoảng 3.500 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP của ASEAN trước đại dịch Covid-19 vào khoảng 5,5%/năm, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
ASEAN cũng có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới và dự kiến sẽ cán mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Quan trọng hơn là ASEAN đang hình thành một thị trường chung, có tính liên kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế của các quốc gia thành viên.
Về ảnh hưởng và vị thế, việc trở thành thành viên của một tổ chức khu vực thành công ở Đông Á và trên thế giới như ASEAN không chỉ giúp chúng ta nâng cao thế của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng, mà còn góp phần nâng cao ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Kể từ khi tham gia ASEAN năm 1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như nâng cao ảnh hưởng và vị thế của ASEAN, cụ thể là:
Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình phát triển của ASEAN, cùng ASEAN vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có những sáng kiến và đề xuất quan trọng. Năm 1998, chỉ 3 năm sau khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN-6 với nhiều sáng kiến và đề xuất quan trọng giúp các nước ASEAN và Đông Á vượt qua Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á 1997 - 1998.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã để lại dấu ấn với Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020, đưa ASEAN trở thành một cộng đồng hướng ra bên ngoài, sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Việt Nam cũng đưa ra đề xuất mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) cho Mỹ và Nga tham gia, và đề xuất thiết lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) họp 3 năm một lần giữa Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác quan trọng ở khu vực Đông Á và trên thế giới. Cho đến nay cơ chế ADMM+ vẫn được xem là một trong những cơ chế hợp tác an ninh, quốc phòng hiệu quả và thành công nhất của ASEAN với dấu ấn đặc biệt quan trọng của Việt Nam.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức thành công hàng loạt hội nghị quan trọng của ASEAN dưới hình thức trực tuyến trong bối cảnh ASEAN và thế giới phải đương đầu với đại dịch Covid-19.
Việt Nam đã đưa ra hàng loạt sáng kiến đề xuất quan trọng được các nước thành viên ASEAN khác ủng hộ như sáng kiến lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Quỹ phòng chống Covid-19, Khung phục hồi tổng thể ASEAN... Điều quan trọng là Việt Nam đã cùng ASEAN vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19, trong khi vẫn thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng và đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra cho năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng An ninh - Chính trị, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, cũng như tham gia tích cực vào việc xây dựng Tầm nhìn của cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực như xử lý vấn đề Myanmar, vấn đề Biển Đông hay nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN trong khu vực, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ của ASEAN với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU…
Mekong ASEAN: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, ông có thể đưa ra dự báo về tương lai của ASEAN. Tổ chức này cần làm gì để ứng phó và vượt qua những thách thức trên?
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Trong 55 năm qua kể từ khi ra đời đến nay, ASEAN liên tục đối mặt với các khó khăn thách thức kinh tế, chính trị và an ninh bao gồm cả an ninh truyền thống lẫn an ninh phi truyền thống.
Trong giai đoạn hiện nay, các thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt được xem là lớn và nghiêm trọng nhất kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay. Các thách thức này thể hiện trên 4 mặt sau:
Một là, cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gây ra một số hiệu quả tiêu cực, không chỉ tác động đến môi trường hòa bình an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam, mà còn có nguy cơ gây ra sự phân cực và chia rẽ trong nội bộ từng nước cũng như trong quan hệ giữa các nước ASEAN với nhau.
Hai là, cuộc chiến Nga - Ukraine cũng như sự đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây đang tạo ra một loạt các thách thức trên phạm vi toàn cầu, cũng như đối với ASEAN, đó là nguy cơ khủng hoảng lương thực; Nguy cơ khủng hoảng năng lượng; Sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng; Lạm phát và động thái của ngân hàng trung ương Mỹ và các nước phương Tây tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Ba là, ASEAN đang phải đương đầu, xử lý một loạt vấn đề đang tác động trực tiếp đến ASEAN như vấn đề Myanmar, vấn đề Biển Đông, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, vấn đề biến đổi khí hậu, sự thích ứng của ASEAN đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Để vượt qua được các khó khăn, thách thức trên, theo tôi, ASEAN cần tập trung vào một số giải pháp chính sau: Trước hết, ASEAN cần phải tăng cường hơn nữa sự thống nhất, đoàn kết và nhất trí trong nội khối. Có như vậy thì các nước bên ngoài ít có khả năng hưởng lợi từ sự chia rẽ, mất đoàn kết trong ASEAN.
Hai là, ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Bên cạnh đó, ASEAN cần sớm hoàn tất và thông qua kế hoạch Tầm nhìn mới về việc xây dựng cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Ba là, ASEAN cần tập trung vào việc thực hiện phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng như tăng cường gắn kết hơn nữa giữa các nền kinh tế ASEAN để giảm thiểu các thách thức từ bên ngoài. Trong tiến trình đó, người dân ASEAN luôn phải luôn được đặt ở vị trí trung tâm, và được hưởng lợi từ quá trình xây dựng cộng đồng.
Bốn là, ASEAN cần tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ của ASEAN với các đối tác quan trọng bên ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, EU...
Thực tiễn lịch sử hợp tác ASEAN 55 năm qua cho thấy, ASEAN cần tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của mình trong các thiết chế, diễn đàn quan trọng trong khu vực, đồng thời tạo sự đan xen lợi ích giữa ASEAN với các nước lớn. Để làm được như vậy, ASEAN cần phải giữ được sự trung lập và độc lập trong quá trình ra quyết sách, tránh các sức ép, can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là không đi theo nước lớn này chống lại nước lớn kia.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!