Ba doanh nghiệp thép báo lãi giảm 90%, dự báo của Chủ tịch Hoà Phát đang hiện hữu

Tisco hoà phát
11:54 - 19/07/2022
Ngành thép đang cho thấy khó khăn khi các doanh nghiệp báo lãi giảm sâu trong quý 2.
Ngành thép đang cho thấy khó khăn khi các doanh nghiệp báo lãi giảm sâu trong quý 2.
0:00 / 0:00
0:00
Tại ĐHĐCĐ 2022, Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long thừa nhận ngành thép đang gặp khó, kết quả kinh doanh sắp tới sẽ “thê thảm”. Ngay trong quý 2, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã báo lãi sụt giảm nặng.

CTCP Thép Mê Lin (mã MEL) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 162 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn hàng bán chiếm 148 tỷ nên lợi nhuận gộp ở mức hơn 13,5 tỷ đồng, giảm 64% so với quý 2/2021.

Doanh thu tài chính chỉ vỏn vẹn khoảng 279 triệu trong khi chi phí tài chính gấp 1,8 lần lên 7,7 tỷ đồng, cộng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp xấp xỉ cùng kỳ; kết quả MEL báo lãi giảm mạnh 93% xuống chỉ còn gần 1,7 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu MEL tăng 25% lên 411 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận giảm mạnh 68% về còn 12,4 tỷ đồng. Theo MEL, do chịu tác động của giá thép trên thị trường thép thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, doanh thu giảm và lợi nhuận cũng giảm theo.

Trước đó, CTCP Gang thép Cao Bằng (mã CBI) và CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS) cũng công bố kết quả kinh doanh quý 2 với lợi nhuận sụt giảm tới 90%. Cụ thể, CBI ghi nhận doanh thu thuần 499 tỷ đồng, lao dốc 50% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng chỉ ở mức 38 tỷ đồng, giảm mạnh 77% so cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các loại chi phí, Gang thép Cao Bằng chỉ lãi ròng vỏn vẹn gần 18 tỷ đồng, suy giảm 88% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Gang thép Cao Bằng giảm gần 14% về còn 1.318 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 80% về 43 tỷ đồng.

Năm nay, CBI đặt mục tiêu doanh thu 3.538 tỷ đồng, tăng 22% so năm 2021. Lợi nhuận sau thuế gần 89 tỷ đồng, suy giảm 74% so năm trước. Như vậy, 6 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện được 37% chỉ tiêu doanh thu của cả năm và 48% về kế hoạch lợi nhuận.

Về phần Tisco, doanh thu thuần trong kỳ giảm 11%, về mức 3.189 tỷ đồng. Tuy nhiên tốc độ tăng giá vốn cao hơn giá bán khi ngốn tới 3.143 tỷ đồng, do đó lợi nhuận gộp lao dốc gần 90%, về vỏn vẹn gần 47 tỷ đồng.

Kỳ này, Tisco chỉ còn phải chi 35 tỷ đồng cho chi phí tài chính, giảm mạnh 65% so cùng kỳ. Đồng thời được hoàn nhập gần 11 tỷ đồng chi phí quản lý, trong khi cùng kỳ khoản mục này tiêu tốn 275 tỷ đồng. Nhưng ngược lại, lỗ từ hoạt động khác hơn 8,5 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ gần 2 tỷ đồng của cùng kỳ. Sau khi trừ các loại chi phí khác, Tisco báo lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn gần 6 tỷ đồng, giảm 90% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tisco ở mức 6.923 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6% so cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn suy giảm mạnh 66% về còn gần 35 tỷ đồng. Năm 2022, Tisco đặt mục tiêu tổng doanh thu 20.105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được sau 6 tháng đầu năm, Tisco còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm.

Giá thép liên tục giảm

Tại ĐHĐCĐ 2022 của Tập đoàn Hoà Phát hồi tháng 5, khi cổ đông hỏi về mục tiêu lợi nhuận 25.000 - 30.000 tỷ đồng trong năm 2022, giảm đáng kể so với 2021, Chủ tịch Trần Đình Long giải thích: "Chúng ta chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3 và quý 4, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi”.

Việc nguyên nhân ngành thép gặp khó, ông Long lý giải xung đột Nga - Ukraine làm nguyên liệu tăng sốc. Trong khi đó, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid trong khi chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép thế giới đã làm ảnh hưởng đến cầu.

Thực tế, ngành thép bắt đầu cho dấu hiệu khó khăn thấy rõ từ đầu quý 2, khi thị trường tiêu thụ ở mức thấp và chi phí sản xuất đầu vào tăng cao. Xung đột Nga - Ukraine khiến giá giá than luyện coke (nguyên liệu chính cho sản xuất thép) tăng đột biến trong khi nhu cầu của Trung Quốc (tiêu thụ thép lớn) giảm mạnh do các vấn đề về phong tỏa. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại EU giảm khoảng 35% và tại Trung Quốc cũng sụt 15-20% do ít hoạt động xây dựng hơn.

Trong nước, giá thép xây dựng đã giảm giá 9 lần liên tiếp trong hơn 2 tháng qua, với tổng mức giảm đến hơn 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Giá HRC (USD/tấn) bắt đầu đi xuống từ tháng 4. Nguồn: SSI

Giá HRC (USD/tấn) bắt đầu đi xuống từ tháng 4. Nguồn: SSI

Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI đánh giá sản lượng thép xuất khẩu vẫn ổn định trong quý 2, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu. Nhu cầu thép trong nước 5 tháng đầu năm giảm khoảng 6% so với cùng kỳ 2021. Riêng tháng 4 và tháng 5, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) đã giảm khoảng 32%.

Nhu cầu giảm có thể là hệ quả của ba yếu tố gồm giá thép cao, các chi phí vật liệu xây dựng khác cũng tăng, khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ. Lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho. Các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Cùng với đà giảm tốc về kết quả kinh doanh, các cổ phiếu thép thời gian qua cũng lao dốc mạnh. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát về 22.600 đồng, tức giảm gần 36% so với thời điểm đầu năm. Giá trị vốn hóa theo đó bốc hơi hơn 72.800 tỷ về mức 131.400 tỷ đồng như hiện tại.

HSG của Tập đoàn Hoa Sen hiện chỉ còn 17.750 đồng, tương đương giá trị vốn hóa khoảng 8.850 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp mất tổng cộng 9.800 tỷ đồng kể từ đầu năm.

Nhiều cổ phiếu thép khác cũng giảm giá đáng kể như Thép Việt Nam (TVN) mất hơn 5.600 tỷ đồng vốn hóa, Nam Kim (NKG) bốc hơi 3.100 tỷ, Pomina giảm hơn 2.100 tỷ. Hay Tisco, Đại Thiên Lộc, SMC, Thép Tiến Lên và Thép Việt Đức (VGS) đều ghi nhận vốn hóa “bốc hơi” hơn nghìn tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.