Bất chấp khó khăn do Covid-19, VRG vẫn lãi 5.179 tỷ đồng, tăng 13% so với kế hoạch năm 2021

Cao su Việt nAM
17:20 - 12/01/2022
Tổng kết năm 2021, kết quả kinh doanh của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (HoSE: GVR) đều vượt mọi chỉ tiêu từ sản lượng, doanh thu, lãi trước thuế, lãi sau thuế… so với kế hoạch.

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Trong năm 2021, doanh thu và thu nhập khác của VRG ước đạt 29.091 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.162 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.179 tỷ đồng, tăng 13% so với kế hoạch.

Trước đó, ngày 31/12/2021, VRG đã thông qua kế hoạch điều chỉnh kế hoạch kinh doanh công ty mẹ. Cụ thể, doanh thu công ty mẹ giảm từ 4.291 tỷ đồng xuống còn 3.799 tỷ đồng, tức giảm 11,4%. Lợi nhuận sau thuế giảm 982 tỷ đồng xuống mức 2.059 tỷ đồng, tương đương mức giảm 32%.

Do dịch bệnh Covid-19, hoạt động khai thác mủ cao su bị hạn chế do thực hiện quy định về giãn cách và do thiếu nhân công khai thác

Do dịch bệnh Covid-19, hoạt động khai thác mủ cao su bị hạn chế do thực hiện quy định về giãn cách và do thiếu nhân công khai thác

Theo giải trình của Tập đoàn, nguyên nhân điều chỉnh giảm kết quả kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 năm 2021 diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ – Tập đoàn.

Cụ thể, hoạt động khai thác mủ cao su bị hạn chế do thực hiện giãn cách và thiếu nhân công khai thác. Đây là lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của Tập đoàn. Một nguyên nhân nữa là do giá bán cao su chưa cao như kỳ vọng.

Mặt khác, khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt; cơ chế thuê đất và sử dụng đất chưa có tín hiệu rõ ràng tại khối khu công nghiệp, đồng thời ảnh hưởng từ thiên tai, bệnh dịch sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động tập đoàn.

Để phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, VRG đã triển khai Phương án quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS/FM) tại các công ty thành viên.

Tính đến tháng 12/2021, có 12 thành viên Tập đoàn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC ST 1001:2010 trên 70.030 ha cao su, và 22 nhà máy được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC ST 2002:2013.

Năm 2022, VRG đặt kế hoạch phát triển kinh doanh với các chỉ tiêu cụ thể như doanh thu và thu nhập khác đạt 29.271 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế 6.793 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế 5.340 tỷ đồng tăng 3% so với năm 2021.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VCSC dự báo tăng trưởng doanh thu của VRG sẽ giảm tốc sau khi tăng nhanh trong năm 2021, trong khi đó, lợi nhuận sẽ được thúc đẩy so với năm trước nhờ các khoản lãi từ việc thoái vốn.

VCSC cho rằng, VRG là công ty hưởng lợi chính từ nhu cầu đất khu công nghiệp tăng cao tại Việt Nam và giá cao su tự nhiên tăng. Cụ thể, giá bán cao su tự nhiên của VRG sẽ duy trì ở mức cao vào năm 2022 với mức giá ước tính khoảng 1,62 USD/kg, tương đương khoảng 9% cao hơn so với giá bán ước tính trung bình năm 2020.

Bên cạnh đó, VCSC kỳ vọng sẽ cần thời gian để Tập đoàn Cao su ghi nhận giá trị đất đáng kể. Các dự án phát triển khu công nghiệp của VRG tập trung ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm phía Nam, trong đó chủ yếu tại Bình Dương và Đồng Nai, dự kiến sẽ được phê duyệt và công bố vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, sẽ mất thêm 1 đến 2 năm để ghi nhận việc bán đất khu công nghiệp do các chủ đầu tư phải xử lý các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng và nộp tiền thuê đất.

Trên thị trường, từ đầu năm 2022, cổ phiếu GVR đã có 3 phiên tăng và gần đây là 3 phiên giảm liên tiếp. Chốt giá lúc 12h00 phiên giao dịch ngày hôm nay, 12/1, thị giá GVR đang giao dịch ở mức 36,250 đồng/cp, giảm 0,55 điểm (1,49%) so với phiên trước đó với lượng khớp lệnh 4,254, 600 cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của GVR đang ở mức 147,200 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.