Bộ trưởng NN&PTNT: 'Tôi không thoái thác trách nhiệm mà sẽ làm hết mình'

NÔNG NGHIỆP QUỐC HỘI
19:22 - 07/06/2022
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì sẽ tạo ra thương hiệu nông sản địa phương". Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì sẽ tạo ra thương hiệu nông sản địa phương". Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Điểm nghẽn lớn của ngành nông nghiệp đến nay chưa giải quyết được là tình trạng “được mùa mất giá”. Bao giờ giải quyết được vấn đề này là câu hỏi mà Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng khó trả lời, nhưng ông khẳng định sẽ không thoái thác trách nhiệm.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã trả lời các câu hỏi xoay quanh công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản; giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

Câu hỏi "Bao giờ hết được mùa mất giá của nông nghiệp Việt Nam”?

Đặt câu hỏi về vấn đề điệp khúc “được mùa mất giá”, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) nêu lo ngại, tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất trong khi điệp khúc được mùa mất giá vẫn tái diễn. Do đó người nông dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường.

“Đây không phải là vấn đề mới và đã được chất vấn rất nhiều lần. Vậy đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và bao giờ mới khắc phục được triệt để? Khi nào các chính sách mới đi vào thực tiễn của cuộc sống để lĩnh vực nông nghiệp có thể góp phần phát huy được lợi thế, tiềm năng và góp phần phát triển kinh tế đất nước”, bà Ry trăn trở.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng, vấn đề là các địa phương, doanh nghiệp cần dũng cảm, kiên trì cùng nhau chủ động làm chủ thị trường.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Tôi sợ nhất những câu hỏi ‘đến bao giờ’, ‘đến khi nào’ nhưng không thoái thác trách nhiệm mà sẽ làm hết mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên, nên nếu có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm”.

Lấy dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả vải Bắc Giang, Bộ trưởng Hoan chỉ ra, khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương sẽ tạo ra thương hiệu nông sản địa phương.

Mở rộng từ điểm nghẽn “được mùa mất giá”, tư lệnh ngành NN&PTNT cho rằng, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường để giải quyết bài toán trên.

Trong đó, vấn đề chế biến được ông Lê Minh Hoan chỉ ra là một trong các điều kiện gia tăng giá trị gia tăng cho nông sản. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản tốt và sản lượng nông sản ổn định.

“Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất, bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp. Lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát với cả nông dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin thị trường trước. Đôi khi niềm tin còn quan trọng hơn khế ước. Khi có sự liên kết chặt chẽ sẽ đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ nông sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.

Trước vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu ra với ngành nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, những vấn đề được nêu ra hôm nay đã nói đến nhiều. Có những vấn đề trước hay phải nêu ra như thực phẩm bẩn hay “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” thì nay đã không còn phải nhắc đến nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

“Có thể thấy đấy chính là một trong những tiến bộ mà ngành nông nghiệp đã làm được và nhìn vào đó để rút kinh nghiệm. Thị trường có nhiều biến động nhưng điều bất biến là cần làm tròn vai trò trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước trong phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch”.

Cùng tham gia trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ lịch sử nước ta chứng minh là “khi nào công - nông liên minh dưới sự lãnh đạo của Đảng thì cách mạng sẽ thành công”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa và chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đòi hỏi nỗ lực lớn. Mặc dù thời gian qua đã có những cố gắng nhưng chưa thấm tháp gì khi mà sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng chưa đạt yêu cầu thị trường.

“Nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới. Đồng thời khẳng định Việt Nam bây giờ là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở. Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường”, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Huy động mọi giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Cũng tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến định hướng của Bộ NN&PTNT trong thời gian tới về giải pháp nâng cao trình độ nền nông nghiệp. Tiêu biểu là Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) đặt vấn đề, trong tương lai có thể nhiều thế hệ sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề sẽ không ở lại thành phố mà sẽ trở về quê để lập nghiệp. Đó là một xu hướng mới và sẽ là một cơ hội phát triển, đồng thời cũng là một thách thức vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

“Bộ trưởng đánh giá như nào về xu hướng này và có giải pháp đột phá như nào cho cuộc cách mạng về khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái được khởi nghiệp ở nông thôn để có thể tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp”?

Cùng với đó, ông Lộc cũng đánh giá, đến nay về cơ bản nền nông nghiệp Việt Nam vẫn là gia công, chế biến thô với giá trị gia tăng rất thấp, cho nên người nông dân chưa thể giàu lên bằng nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Do đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về định hướng chiến lược của Bộ NN&PTNT, trong đó cho biết muốn tăng năng suất nông nghiệp chúng ta cần phải giúp người nông dân nâng cao kỹ năng của mình. Ông cho biết, giống như các quốc gia trên thế giới, họ coi nông nghiệp là một nghề được huấn luyện và được đào tạo.

Khẳng định kỹ năng nghề nghiệp sẽ góp phần tăng năng suất lao động, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp có nhiều góc độ, có những cấp độ cao phải đào tạo cán bộ ngành, cán bộ chủ chốt. Theo đó, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh Chương trình khuyến nông quốc gia lần đầu tiên ở Gia Lai để tập huấn, đào tạo kỹ năng nhận biết thị trường, nhận biết những điều kiện để canh tác cà phê đúng chuẩn, chiến lược phát triển cho người nông dân.

Bên cạnh đó, ông Lê Minh Hoan cũng cho biết, thời gian vừa qua, có hai nhóm doanh nghiệp đầu tư nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào sản xuất và đầu tư vào lĩnh vực chế biến thì có nghị định để thu hút cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Tư lệnh ngành nông nghiệp nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang sửa Nghị định 57 để các doanh nghiệp tiếp cận vấn đề này. Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng, vấn đề không chỉ dừng lại ở cơ chế, chính sách nhà nước, mà còn là sự sẵn lòng, sẵn sàng của doanh nghiệp, của các địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu và lan tỏa.

Theo Bộ trưởng, nếu một doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà đóng khung lại 1.000 ha – 2.000 ha để tạo ra vùng nguyên liệu, Bộ trưởng cho rằng, cá nhân không khuyến khích mô hình đó. Nếu doanh nghiệp có thể phát triển từ lõi của nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, từ công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ để lan tỏa cho người nông dân ở xung quanh đó. Đây là sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua vai trò của chính quyền địa phương đó.

“Trong quá trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định 57, Bộ NN&PTNT sẽ tham gia, và sẽ có những tiếp cận với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, sẽ tìm hiểu thêm những điểm nghẽn trong quá trình tham gia vào lĩnh vực này để đầu tư”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp