Bộ trưởng Tài chính: 'Có lúc phải bất chấp nguyên tắc để vì dân'

NGÂN SÁCH TÀI CHÍNH
12:17 - 09/01/2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Có lúc phải bất chấp nguyên tắc vì dân - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Có lúc phải bất chấp nguyên tắc vì dân - Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trần tình, trong những trường hợp cấp bách phải đảm bảo phục vụ dân như chống dịch Covid-19, buộc phải "bất chấp nguyên tắc" cho xuất hàng, chi trước, quyết toán sau.

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 9/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Trên nguyên tắc đảm bảo tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, dư nợ của từng địa phương trong hạn mức theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, để tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng tối đa nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 cho 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng; tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn thêm 33,7 tỷ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn.

Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng để đảm bảo kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và mức bội chi năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt.

Điều chỉnh nguồn chi có phải hiện tượng lách luật?

Phát biểu tại phiên thảo luận, về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu Phạm Văn Hoà - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến, đây là những khoản đã được các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương nhận viện trợ và chi, nhưng chưa có trong dự toán ngân sách được Quốc hội thông qua trước đó.

"Việc chi trước, quyết toán sau không nằm trong kế hoạch chi hàng năm đã và đang diễn ra, không đúng quy định của Luật Ngân sách", đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình rõ lý do.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ băn khoăn liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện chi các dự án đó và nếu các năm sau lại tiến hành điều chỉnh tiếp thì đây có phải là hiện tượng "lách luật"?

"Nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc 'gác cửa' chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này", đại biểu đề nghị.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng lo ngại về việc điều chuyển vốn vay của năm 2022 của các địa phương triển khai chậm, có địa phương như Bắc Kạn đề nghị từ tháng 4/2022, Phú Thọ đề nghị từ tháng 7/2022 nhưng công tác tổng hợp rất chậm. Đặc biệt, chuyển nguồn kinh phí phòng, chống Covid-19 cũng rất chậm; công tác lập kế hoạch của các địa phương nơi thừa, nơi thiếu…, cho thấy công tác lập, thẩm định chưa có chất lượng cao, chưa sát với thực tiễn, do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình thêm vấn đề này.

Có lúc bất chấp nguyên tắc vì dân

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước, do các tổ chức nước ngoài tài trợ khi có những vấn đề nổi lên, thường là bất thường và nhỏ lẻ. "Vì vậy, chúng ta bị động trong việc lập dự toán, mà phải căn cứ trên báo cáo của các bộ, ngành để thực hiện lập dự toán", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, trong năm 2021, 2022 vừa qua, nguồn này chủ yếu là tài trợ, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Khi đó, tình hình hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời, nên vì lợi ích nhân dân, để bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có lúc đã phải thực hiện từ trước, để sau đó hoàn thiện thủ tục, đáp ứng yêu cầu thực tế.

"Vì sức khoẻ, tính mạng của nhân dân có những lúc chúng tôi phải bất chấp nguyên tắc, sau đó hoàn thiện thủ tục sau, đáp ứng yêu cầu thực tế", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trần tình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình một số nội dung ĐBQH quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình một số nội dung ĐBQH quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn

Không ưu ái Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan

Liên quan đến điều chỉnh dự toán vay nước ngoài, ông Phớc giải trình, việc điều chỉnh dự toán không đưa sang năm 2023 được vì ảnh hưởng bội chi. Bởi, việc điều chỉnh dự toán vay nước ngoài này đảm bảo tổng dự toán Quốc hội phê chuẩn không thay đổi.

Theo Bộ trưởng, đã có chính sách vay và cho vay lại. Ví dụ, các tỉnh Tây Bắc có thể vay lại 10-20%, còn lại ngân sách trung ương đảm bảo. Ngoài hạn mức này thì sẽ không triển khai được, nên vừa rồi có một số địa phương triển khai không hết xin trả lại, cũng có tỉnh triển khai hết nhưng lại còn khối lượng muốn giải ngân nên muốn xin thêm để triển khai.

"Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các tỉnh để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của các tỉnh, địa phương trên cả nước", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Với câu hỏi điều chuyển hơn 2.000 tỷ đồng từ chi phí thường xuyên chưa chi hết của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Bộ trưởng nêu rõ, về nguyên lý khi tiết kiệm chi thường xuyên để đưa vào chi đầu tư phát triển là việc tốt, hiệu quả.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích, Nghị quyết của Quốc hội nhiệm kỳ trước quy định cho Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước… đều được hưởng chế độ đặc thù này. Quốc hội cho phép khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 thì chế độ đặc thù này sẽ dừng lại. Cho nên không phải ưu ái cho Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận cho thấy đa số ý kiến nhất trí bổ sung dự toán nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, nguồn chi thường xuyên năm 2021 điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết của năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng hợp Hải quan,...

Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước, nhất là các lĩnh vực thuộc về quản lý đối với các lĩnh vực cơ chế đặc thù, quản lý các nguồn vốn vay và viện trợ để đảm bảo các quy định về quản lý ngân sách về chuyển nguồn.

Đọc tiếp