Các nền kinh tế lớn siết chính sách tiền tệ và tác động đến Việt Nam

Các nền kinh tế lớn siết chính sách tiền tệ và tác động đến Việt Nam

TÀI CHÍNH Việt nAM
05:59 - 11/10/2021
Trái với động thái rục rịch siết van tiền của ngân hàng trung ương nhiều nước lớn trên thế giới, theo nhận định của PGS. TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam còn nhiều dư địa cả về tài khóa và tiền tệ để tiếp tục nới lỏng và hỗ trợ nền kinh tế.

Nhiều nước lo sợ trước dấu hiệu lạm phát lên cao

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã tăng vọt 4,3% trong tháng 9 vừa qua, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1991.

Chỉ số PCE lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tháng 9 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020, cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 3 thập kỷ.

Lạm phát tiếp tục trở thành vấn đề nóng của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh chuỗi cung ứng trì trệ kéo dài do hệ quả từ khủng hoảng đại dịch, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh chóng.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ hồi tháng 9, các quan chức Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed đã nâng dự báo lạm phát cơ bản năm nay từ mức 3% lên 3,7%, đồng thời nâng dự báo lạm phát năm 2022 từ 2,2% lên 2,3%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang thúc đẩy lạm phát toàn cầu lên cao, mặc dù Fed cũng như nhiều Ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu tiếp tục duy trì quan điểm lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời của nền kinh tế.

Trước sức ép từ lạm phát, FOMC đồng thuận sẽ sớm rút lại một số biện pháp kích thích nền kinh tế, đi đầu là động thái điều chỉnh gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng. Mặc dù không đưa ra mốc thời gian bắt đầu cắt giảm quy mô mua tài sản, Chủ tịch Powell tiết lộ việc khép lại chương trình nới lỏng định lượng vào giữa năm sau là phù hợp.

Đáng chú ý, FOMC nhất trí tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức tiệm cận 0%, nhưng cảnh báo đợt tăng lãi suất sớm nhất có thể bắt đầu từ giữa năm 2022, sớm hơn so với dự kiến năm 2023 trong cuộc họp chính sách tiền tệ hồi tháng Sáu.

Loạt động thái này thể hiện, Fed đang dần đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng khi nền kinh tế số một hành tinh phục hồi mạnh mẽ và áp lực lạm phát lớn hơn dự kiến.

Tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đang đứng trước sức ép lớn thắt van tiền khi lạm phát dự báo tăng vượt 4% trong 3 tháng cuối năm, cao hơn nhiều mức mục tiêu 2% của BoE. Khác với Mỹ, nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy lạm phát ở Anh đến từ yếu tố chi phí đẩy khi chi phí năng lượng và giá khí đốt tự nhiên tăng kỷ lục, thúc đẩy giá tiêu dùng leo dốc.

Hiện, BoE vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,1%. Tuy nhiên, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Anh tuần qua đã cảnh báo khả năng tăng lãi suất ngay từ tháng sau. Theo BoE, động thái tăng lãi suất sẽ là tiền đề cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lai.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng vừa đưa ra quyết định giảm tốc độ chương trình mua tài sản khẩn cấp đại dịch (PEPP) trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng Chín qua sau khi chỉ số đo lường lạm phát tăng vọt 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong khoảng 1 thập kỷ và vượt mức mục tiêu 2%.

Nhiều Ngân hàng Trung ương toàn cầu cũng bắt đầu siết chính sách tiền tệ trong những tuần qua, chẳng hạn New Zealand và Ba Lan.

Tại Châu Á, vào tháng 8, Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế lớn đưa ra quyết định nâng lãi suất sớm nhất do áp lực lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Hàn Quốc tăng 2,4% trên cơ sở năm, mức tăng nhanh nhất trong vòng 9 năm.

Việt Nam: Chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế

Trái ngược với các động thái rục rịch siết van tiền của các ngân hàng quốc gia trên toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn tiếp tục tạo động lực cho nền kinh tế thông qua các chính sách hỗ trợ như Thông tư 14/2021/TT-NHNN(*) hay Quyết định 1349/QĐ-NHNN năm 2021(**).

Có nhiều dự báo, việc các Ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu như Fed báo hiệu siết chính sách tiền tệ kết hợp với một số yếu tố như cán cân tài khoản vãng lai Việt Nam chuyển sang thâm hụt hay dòng vốn FDI chậm lại sẽ khiến tỷ giá USD/VND sẽ đảo chiều tăng trong năm sau. Chẳng hạn, báo cáo mới của HSBC đánh giá tỷ giá USD/VND năm 2022 có thể ở mức 23.000 đồng đổi 1 USD.

Tỷ giá USD/VND đang có xu hướng giảm (Ảnh: VSBC)

Tỷ giá USD/VND đang có xu hướng giảm (Ảnh: VSBC)

Nhận định về vấn đề Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong khi các Ngân hàng Trung ương lớn rục rịch siết van tiền, PGS.TS.Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ cho hay: “Trong bối cảnh hiện tại, có rất nhiều xu hướng đối nghịch nhau trên toàn cầu. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của một số Ngân hàng Trung ương lớn cũng chỉ là một xu hướng trong số các xu hướng đối nghịch đó”.

Ông Trần Đình Thiên cho biết: Nền tảng của chính sách tài khóa - tiền tệ Việt Nam trong những năm qua là kiểm soát lạm phát, bảo vệ ổn định vĩ mô, làm cơ sở cho tăng trưởng kinh tế. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch, tư tưởng đó vẫn chi phối, khiến cho việc cung cấp hỗ trợ cho nền kinh tế vẫn còn thận trọng.

“Cho đến nay, so với các quốc gia khác, Việt Nam chưa thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng nhiều, thậm chí phải nói là thận trọng. Chúng ta đang phải hô hào tăng giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ an sinh xã hội mạnh mẽ hơn, hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt hơn. Thêm vào đó, trần nợ công của Việt Nam hiện còn tương đối thấp, chúng ta còn nhiều dư địa cả về tài khóa và tiền tệ để tiếp tục nới lỏng và hỗ trợ nền kinh tế. Tới đây, phải tiếp tục kết hợp các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế”, PGS.TS Trần Đình Thiên ý kiến.

Về mối quan ngại đồng Việt Nam trượt giá, ông Trần Đình Thiên nhận định: “NHNN vừa qua có cắt giảm lãi suất, nhưng bản thân động thái cắt giảm lãi suất không hàm nghĩa nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kiếm lợi thế tỷ giá, hưởng lợi thương mại. Chúng ta đang làm mọi cách để giải quyết vấn đề sống còn của nền kinh tế, ưu tiên hàng đầu là phục hồi kinh tế. Quý III vừa qua, GDP Việt Nam tăng trưởng âm 6,17%, thấp kỷ lục”.

PGS.TS.Trần Đình Thiên nhấn mạnh: "Không nên lo sợ chuyện đồng Việt Nam mất giá sẽ tác động đến dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vì ưu tiên trước mắt là bảo vệ nền kinh tế trong nước. Doanh nghiệp trong nước mới là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế. Nếu đặt đầu tư nước ngoài làm trụ thì không thể thấy hết nhiệm vụ phải làm của chính sách”.

(*)Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo thông tư này, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn hoãn nợ sẽ được kéo dài đến ngày 30/6/2022, tức thêm nửa năm.

(**) Quyết định 1349/QĐ-NHNN năm 2021 thay thế Quyết định cũ 1349/QĐ-NHNN năm 2020 của NHNN ban hành ngày 28/08/2021 về việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam ở mức 0,5%/năm và ngoại tệ ở mức 0%/năm. Giữ nguyên lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam ở 0%/năm và điều chỉnh lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ về 0%/năm. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2021./.

Đọc tiếp