Các nhà khoa học phát hiện thêm 12 mặt trăng mới xoay quanh sao Mộc

Mặt trăng Sao Mộc
16:23 - 04/02/2023
Các nhà khoa học vừa phát hiện thêm 12 mặt trăng mới của sao Mộc.
Các nhà khoa học vừa phát hiện thêm 12 mặt trăng mới của sao Mộc.
0:00 / 0:00
0:00
Gần đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện thêm 12 mặt trăng mới quay xung quanh sao Mộc, nâng tổng số mặt trăng ghi nhận được của hành tinh này lên con số 92 - cao hơn tất cả các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời.

Tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời đều có mặt trăng của riêng mình, trừ sao Thủy và sao Kim do ở quá gần Mặt Trời. Trong khi Trái Đất chỉ có một mặt trăng, sao Hỏa có 2 mặt trăng thì sao Thổ có tới 83 mặt trăng và sao Mộc có 92 mặt trăng.

Cả 2 hành tinh này đều là những hành tinh lớn và chứa đầy các mặt trăng nhỏ được tạo nên từ những mảnh vỡ được cho là thuộc về các mặt trăng lớn hơn. Trong quá khứ khi Hệ Mặt Trời vẫn trong quá trình hình thành, các mặt trăng cổ đại này đã đã từng va chạm với nhau hoặc với sao chổi hoặc tiểu hành tinh và vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Tới hiện tại, chúng tiếp tục hình thành nên các mặt trăng mới quanh sao Mộc và sao Thổ.

Sao Thiên Vương và sao Hải Vương cũng có các mặt trăng được hình thành theo cơ chế tương đồng. Tuy nhiên do ở quá xa, các nhà khoa học thường gặp vô cùng nhiều khó khăn trong việc quan sát và nghiên cứu chúng. Tới hiện tại, sao Thiên Vương được ghi nhận sở hữu 27 mặt trăng trong khi sao Hải Vương có 14 mặt trăng.

Bằng cách sử dụng các kính thiên văn tại các đài quan sát ở Hawaii và Chile trong năm 2021 và 2022, các nhà khoa học đã xác định được quỹ đạo và do đó bổ sung thêm 12 mặt trăng mới của Sao Mộc vào danh sách vệ tinh được lưu giữ bởi Trung tâm Tiểu hành tinh của Liên minh Thiên văn Quốc tế.

Cùng tham gia vào nhóm tìm kiếm 12 mặt trăng mới của sao Mộc là ông Scott Sheppard thuộc Viện Carnegie - một tổ chức khoa học tại Mỹ. Trước đó, ông cũng chính là người đã tham gia vào quá trình phát hiện ra 70 mặt trăng xung quanh sao Thổ

Theo AP trích dẫn ông Sheppard, các mặt trăng mới của sao Mộc có kích thước dao động từ 1km cho tới 3km. Tuy nhiên do chỉ có gần một nửa số mặt trăng có kích thước ít nhất 1,5km trở lên - yêu cầu về kích thước cơ bản để một mặt trăng nhận được cái tên của riêng mình - các mặt trăng mới của sao Mộc vẫn chưa được đặt tên.

Khi chia sẻ về các kỳ vọng trong tương lai, ông Sheppard bày tỏ mong muốn có được những bức ảnh chụp cận cảnh một trong những mặt trăng mới của sao Mộc để có thể xác định được nguồn gốc của chúng rõ ràng hơn.

Mặt trăng Europa của Sao Mộc được cho là địa điểm tiềm năng bên trong Hệ Mặt trời có biển nông bên dưới lớp băng và có thể hỗ trợ sự sống bên ngoài Trái Đất. Ảnh: NASA

Mặt trăng Europa của Sao Mộc được cho là địa điểm tiềm năng bên trong Hệ Mặt trời có biển nông bên dưới lớp băng và có thể hỗ trợ sự sống bên ngoài Trái Đất. Ảnh: NASA

Với mục tiêu nghiên cứu các vệ tinh của sao Mộc, các cơ quan vũ trụ lớn trên thế giới cũng đang có kế hoạch và dự án của riêng mình. Cụ thể tới tháng 4 năm nay, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ gửi một tàu vũ trụ tới sao Mộc để nghiên cứu hành tinh này và một số mặt trăng băng lớn nhất của nó.

Ngoài ra, NASA trong năm 2024 cũng sẽ phóng tàu thám hiểm Europa Clipper với mục đích khám phá mặt trăng Europa của sao Mộc - một trong các địa điểm các nhà khoa học đánh giá là tiềm năng để tìm kiếm sự sống. Theo các kết quả nghiên cứu ban đầu, có khả năng cao bên dưới lớp băng lạnh giá của mặt trăng này là một đại dương.

Đọc tiếp