Chân dung tân Thủ tướng Anh - người mang bóng hình ‘bà đầm thép Thatcher’

Bầu cử ảnh
12:16 - 06/09/2022
Khi còn nhỏ, bà Liz Truss từng tham gia biểu tình phản đối Thủ tướng Anh Margaret Thatcher của đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, khi lớn lên, bà đã ngưỡng mộ nữ lãnh đạo này và bây giờ bà chuẩn bị bước vào tòa nhà số 10 Phố Downing với cam kết sẽ thay đổi nước Anh.

Ngày 5/9, Ngoại trưởng Liz Truss đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo của đảng Bảo thủ và trở thành thủ tướng tiếp theo nước Anh. Đảng này cho biết, bà Truss giành được 81.326 phiếu ủng hộ (57,4%), trong khi cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak được 60.399 phiếu (42,6%).

Theo đó bà Truss, 47 tuổi, sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ ba của nước Anh, trước đó là bà Margaret Thatcher (từ năm 1979 - 1990) và bà Theresa May (từ 2016 - 2019). Bà Truss đồng thời trở thành thủ tướng thứ 4 của đảng Bảo thủ kể từ cuộc bầu cử năm 2015.

Ba nữ Thủ tướng của nước Anh (từ trái sang phải): bà Margaret Thatcher, bà Theresa May và bà Liz Truss. Ảnh: Independent

Ba nữ Thủ tướng của nước Anh (từ trái sang phải): bà Margaret Thatcher, bà Theresa May và bà Liz Truss. Ảnh: Independent

Từ quan điểm cánh tả trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ

Sinh ra tại Oxford năm 1975, bà Mary Elizabeth Truss là con gái của một giáo sư toán học và một y tá. Hồi bé, bà tham gia các cuộc biểu tình phản đối hạt nhân và các chính sách của Thủ tướng Thatcher.

Trong bài phát biểu năm 2018, bà Truss nói rằng bà bắt đầu hình thành quan điểm chính trị từ rất sớm và hay “tranh luận ngược lại bố mẹ vốn trong gia đình cánh tả”, theo AP.

Bà Truss vốn xuất thân trong gia đình cánh tả. Ảnh chụp bà và bố mẹ tham gia các cuộc tuần hành. Ảnh: Daily Mail

Bà Truss vốn xuất thân trong gia đình cánh tả. Ảnh chụp bà và bố mẹ tham gia các cuộc tuần hành. Ảnh: Daily Mail

Gia đình bà sống ở Paisley, Scotland, sau đó chuyển đến Leeds ở miền Bắc nước Anh. Tại đây, bà Truss đã học trung học công lập - điều khiến bà khác biệt với nhiều thành viên đảng Bảo thủ vốn hưởng nền giáo dục tư nhân.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Truss nhấn mạnh rằng bà có xuất thân khá khiêm tốn. Tuy nhiên, bà khiến một số bạn học và giáo viên cũ thất vọng khi nói trường đó “có kỳ vọng thấp, tiêu chuẩn giáo dục thấp và thiếu cơ hội”, ngay cả khi những cựu học sinh của trường trở thành nhà nghiên cứu, thẩm phán và nhiều nghị sỹ.

Bà Truss sau đó học tại Đại học Oxford, ngành triết học, chính trị và kinh tế học – vốn là những ngành thường được các chính trị gia lựa chọn. Bà cũng là chủ tịch nhóm sinh viên thuộc đảng Dân chủ Tự do. Ông Littlewood, người cũng là thành viên của nhóm và hiện là Giám đốc Viện Kinh tế, mô tả rằng khi đó bà Truss là người “cứng đầu, cương quyết và thẳng thắn”.

Bức ảnh chụp bà Liz Truss tại Hội nghị của đảng Bảo thủ năm 1997. Ảnh: Daily Mail

Bức ảnh chụp bà Liz Truss tại Hội nghị của đảng Bảo thủ năm 1997. Ảnh: Daily Mail

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Truss gia nhập đảng Bảo thủ năm 1996. Bà từng làm việc với tư cách là nhà kinh tế học cho Tập đoàn năng lượng Shell và 2 hãng viễn thông Cable và Wireless. Sau đó, bà làm việc tại một viện nghiên cứu, đồng thời tham gia các hoạt động của đảng Bảo thủ và tán thành với quan điểm thị trường tự do của bà Thatcher.

Bà Truss từng là ủy viên hội đồng cấp cơ sở ở London và hai lần tranh cử thất bại vào Quốc hội, trước khi được bầu làm đại diện cho Southwest Norfolk vào năm 2010.

Bà Liz Truss trong chiến dịch tranh cử vị trí đại diện cho Southwest Norfolk năm 2010. Ảnh: AP

Bà Liz Truss trong chiến dịch tranh cử vị trí đại diện cho Southwest Norfolk năm 2010. Ảnh: AP

Sau khi giành được một ghế trong đảng Bảo thủ, bà đã vấp ngã vì lộ bê bối có quan hệ tình cảm với một nghị sĩ khác khi cả hai đều đã kết hôn. Vượt qua thách thức đó, bà và chồng là Hugh O’Leary (nhân viên kế toán) vẫn tiếp tục cuộc hôn nhân và có hai người con gái.

Bà từng trở thành Bộ trưởng Tư pháp Anh, nhưng bị giáng chức xuống vị trí thấp hơn trong Bộ Tài chính vào tháng 5/2017. Khi bà Theresa May rời ghế Thủ tướng vì không thể giải quyết bế tắc Brexit, bà Truss đã sớm ủng hộ ông Boris Johnson trở thành người kế nhiệm.

Khi lên nắm quyền, ông Johnson đưa bà Truss trở thành Bộ trưởng Tài chính. Tháng 9/2021, bà Truss được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh. Tuy nhiên, bà đã nhận nhiều ý kiến trái chiều trong suốt thời gian đảm nhận nhiệm vụ. Nhiều người khen bà vì đã phản ứng cứng rắn đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bảo đảm thả tự do cho hai công dân Anh bị giam ở Iran – vụ việc mà những người tiền nhiệm của bà đã thất bại.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Anh và lãnh đạo EU - những người mong muốn bà nên có thái độ mềm mỏng trong quan hệ Anh và khối 27 thành viên - lại tỏ ra thất vọng.

Hậu duệ của "Bà đầm thép Margaret Thatcher"

Hôm 7/7, ông Boris Johnson đã tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh sau nhiều bê bối, nhưng tiếp tục giữ vị trí cho đến khi lãnh đạo mới được bầu. Đã có nhiều chính trị gia Anh tuyên bố sẽ ra tranh chức thủ tướng, nhưng 2 cái tên cuối cùng đó là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss.

Trong chiến dịch tranh cử chức Thủ tướng, các thành viên đảng Bảo thủ tuyên bố ủng hộ chủ trương của bà Truss về cắt giảm thuế và ngăn chặn tình trạng trì trệ quan liêu, cũng như duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine. Thậm chí nhiều người nhìn thấy sự tương đồng giữa đường lối của “Bà đầm thép” Thatcher và tầm nhìn của bà Truss về một “mạng lưới tự do” khi gắn kết các nền dân chủ khắp thế giới, theo AP.

Nhiều người liên tưởng bà Liz Truss với nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh Margaret Thatcher. Ảnh: Telegraph

Nhiều người liên tưởng bà Liz Truss với nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh Margaret Thatcher. Ảnh:

Telegraph

Ông David Laws, cựu Bộ trưởng Nội các Anh – người từng làm việc với bà Truss trong một thập kỷ trước, đã nhận xét rằng bà là một người tràn đầy năng lượng và tham vọng. Trong cuốn hồi ký của mình, ông từng so sánh bà giống như “một Margaret Thatcher trẻ tuổi và tốc độ”

Mặc dù bà Truss đôi khi cho rằng việc mọi người thường xuyên so sánh với bà Thatcher là phân biệt giới tính, nhưng đôi khi bà lại khiến mọi người liên tưởng như vậy. Bà từng chụp ảnh trên một chiếc xe tăng của quân đội Anh ở Đông Âu, gợi nhớ hình ảnh của bà Thatcher trong Chiến tranh Lạnh.

Bà Liz Truss đứng trên xe tăng được gợi nhớ đến "Bà đầm thép" Thatcher. Ảnh: Telegraph

Bà Liz Truss đứng trên xe tăng được gợi nhớ đến "Bà đầm thép" Thatcher. Ảnh: Telegraph

Trong cuộc tranh luận trên truyền hình, bà mặc chiếc áo thắt nơ giống như bà Thatcher thường mặc. Việc bà Truss nhấn mạnh xuất thân khiêm tốn của mình cũng khiến nhiều người nhớ tới Thatcher vốn xuất thân là con gái của người bán hàng tạp hoá.

Ẩn sau một con người luôn nghiêm khắc trước công chúng, tân Thủ tướng Anh cũng có tính cách riêng. Bạn bè kể rằng bà thích hát karaoke, thích nghe các bài hát của Taylor Swift, Whitney Houston và Destiny’s Child.

Nhiệm vụ chèo lái nước Anh thoát khỏi khủng hoảng

Phát biểu sau thông báo giành chiến thắng hôm 5/9, bà Liz Truss bày tỏ vinh dự khi được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng thời cảm ơn các thành viên trong đảng “đã tổ chức một trong những cuộc phỏng vấn xin việc dài nhất trong lịch sử”.

Bà cũng cảm ơn ông Boris Johnson và ca ngợi đối thủ Rishi Sunak. Bà cho biết, cuộc chạy đua với ông Sunak cũng thể hiện sự sâu rộng của các tài năng trong đảng Bảo thủ.

Tân Thủ tướng Anh đưa ra cam kết: “Tôi sẽ đưa ra một kế hoạch táo bạo nhằm cắt giảm thuế và phát triển nền kinh tế của chúng ta. Tôi sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, giải quyết vấn đề hóa đơn điện của người dân cũng như những vấn đề dài hạn về nguồn cung năng lượng".

Tân Thủ tướng Anh đối mặt với nhiều thách thức khi lên nắm quyền. Ảnh: Reuters

Tân Thủ tướng Anh đối mặt với nhiều thách thức khi lên nắm quyền. Ảnh: Reuters

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã viết trên Twitter rằng: "Tôi biết bà ấy (Liz Truss) có kế hoạch đúng đắn để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đoàn kết đảng cầm quyền. Và bà ấy đang tiếp tục công việc trọng đại nhất đó là đoàn kết và nâng tầm đất nước. Bây giờ là lúc tất cả những đảng viên Bảo thủ phải ủng hộ bà ấy 100%”.

Về phía cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, ông đã chúc mừng chiến thắng của bà Liz Truss. Trên Twitter cá nhân, ông nhấn mạnh rằng: “Bây giờ là lúc chúng ta phải đoàn kết cùng Thủ tướng mới Liz Truss - bà ấy sẽ chèo lái đất nước vượt qua những thời kỳ khó khăn”. Ông Sunak cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ bà và đảng Bảo thủ với tư cách là một nghị sỹ.

Theo các chuyên gia, bà Liz Truss lên nắm quyền sẽ phải đối mặt với danh sách dài các thách thức của đất nước. Trong đó, Anh đang phải đối mặt với với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, bất ổn công nghiệp và suy thoái. Khủng hoảng năng lượng đang đẩy nước này hướng tới cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua.

Nhà lập pháp kỳ cựu của đảng Bảo thủ David Davis đã mô tả những thách thức mà bà Truss phải đối mặt “có lẽ là khó khăn thứ hai trong các thủ tướng thời hậu chiến, chỉ sau thời bà Margaret Thatcher vào năm 1979”.

Theo kế hoạch, ngày 6/9, ông Boris Johnson sẽ đến Scotland để gặp Nữ hoàng Elizabeth II để chính thức đệ đơn từ chức.

Bà Liz Truss cũng sẽ có mặt để tuyên thệ nhậm chức tân Thủ tướng Anh trước sự chứng kiến của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Vài giờ sau đó, nội các và đội ngũ lãnh đạo mới của nước này sẽ được thành lập.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.