Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra thế giới đạt 354,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang 4 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tới 57%. Trong bối cảnh các thị trường trọng điểm của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khu vực tiêu thụ thực phẩm Halal đang nổi lên là một thị trường có tiềm năng mở ra không gian tăng trưởng mới cho kim ngạch xuất khẩu.
Cơ hội mở rộng xuất khẩu
Trao đổi với Mekong ASEAN, theo ông Phạm Thế Cường – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, ngoài thực phẩm, các lĩnh vực đời sống khác của Halal còn bao gồm thời trang, dược phẩm - mỹ phẩm, dịch vụ du lịch và truyền thông - giải trí. Halal không đơn thuần dành riêng cho người theo đạo Hồi mà đang dần trở thành một tiêu chuẩn mới về bảo đảm an toàn, vệ sinh và chất lượng của sản phẩm. Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng, quốc gia không theo đạo Hồi quan tâm và lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ Halal.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nay cộng đồng Hồi giáo có quy mô dân số khoảng 2,1 tỷ người. Ngay tại thị trường nội địa, có khoảng 70.000 người theo đạo Hồi. “Tiếp cận thị trường Halal là cách tiếp cận mới, giúp giảm sức ép lên các thị trường xuất khẩu hiện tại”, ông Tống Xuân Chinh nhận định.
Hiện nay một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn của Việt Nam như CP, De Heus đã tìm cách xuất khẩu mặt hàng Halal, đặc biệt là các mặt hàng chế biến thực phẩm.
Nói rõ hơn về nhu cầu tiêu dùng của thị trường Halal, ông Phạm Thế Cường cho biết, theo các báo cáo quốc tế uy tín, nhu cầu thế giới về sản phẩm của thị trường này sẽ đạt khoảng 2.800 tỷ USD vào năm 2025.
Đối với Indonesia, quốc gia này có quy mô dân số tới 278 triệu người, trong đó 87% dân số thuộc Hồi giáo. Tuy nhiên, dù là nước có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới nhưng hiện Indonesia chỉ xếp thứ 10 thế giới về sản xuất sản phẩm Halal, do đó vẫn cần phải nhập khẩu đến 12,6% tổng giá trị ngành thực phẩm Halal.
Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại sản phẩm Halal của Indonesia đạt khoảng 64 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ra thế giới đạt 50 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14 tỷ USD.
Doanh nghiệp sở hữu nhiều lợi thế
Theo ông Tống Xuân Chinh, Việt Nam đang phát triển chăn nuôi với việc đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong ngành đều có kinh nghiệm trên thị trường quốc tế, do đó khi dịch chuyển từ thị trường truyền thống sang thị trường Halal, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh hơn.
Doanh nghiệp cũng có liên kết chặt chẽ trong và ngoài nước để tiếp cận hoàn toàn theo chuỗi, nên có sức cạnh tranh lớn hơn với các sản phẩm Halal trên thế giới.
Đánh giá về thị trường cùng khu vực là Indonesia, ông Phạm Thế Cường cho rằng, thị trường này dễ tính hơn so với Mỹ, EU, Nhật Bản; khoảng cách địa lý gần với Việt Nam; thuộc ASEAN. Doanh nghiệp Việt có lợi thế so sánh đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản do có năng suất cao, giá cả cạnh tranh; có kết nối đường bay thẳng trực tiếp (Vietnam Airline, Vietjet Air) hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh, du lịch và giảm chi phí logistics đường hàng không.
Trao đổi với Mekong ASEAN, bà Tạ Việt Hằng – Giám đốc truyền thông Công ty Halal Quốc gia Việt Nam (VNH) cho rằng, Việt Nam có lợi thế khi có mặt hàng phù hợp với thị trường Hồi giáo như thực phẩm, nông sản, thực phẩm chức năng, một số hàng tiêu dùng...
Một số quốc gia Hồi giáo có diện tích chủ yếu là sa mạc nên nền sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, do đó nhu cầu về hàng thực phẩm, nông sản rất lớn. Việt Nam còn là quốc gia xanh, bốn mùa đều có thể trồng trọt chăn nuôi nên sản lượng sản xuất luôn dồi dào.
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"
Ngoài việc mở rộng kim ngạch, lợi thế trong phát triển thương mại với các quốc gia Hồi giáo đó là vấn thu hút đầu tư. “Đây là tiềm năng cực kỳ lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam và chúng ta cần có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư”, bà Tạ Việt Hằng nhận định.
Đối với thị trường trong nước, Việt Nam cũng đang phát triển mạnh du lịch, do đó du lịch nội địa cũng là một thị trường hấp dẫn đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm Halal của Việt Nam.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Mặc dù vậy, thị phần của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực hàng hóa Halal vẫn còn khiêm tốn. Theo ông Phạm Thế Cường, Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, một con số rất thấp so với nhu cầu; có 40% số địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu đạt chứng nhận Halal.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam vào Indonesia cũng chỉ đạt khoảng 30 triệu USD, còn rất nhỏ với con số 14 tỷ USD nhập khẩu của quốc gia này.
Một trong những trở ngại lớn tại thị trường Halal Indonesia là chứng nhận Halal có thủ tục và thời gian cấp thường bị kéo dài. Sự thiếu quan tâm phát triển sản phẩm, thông tin về các quy định, quy trình sản xuất Halal rất hạn chế đối với doanh nghiệp, thiếu sự tiếp cận thị trường bài bản cũng khiến cho kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Halal Indonesia còn thấp.
Theo bà Tạ Việt Hằng, các nước như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và thậm chí là Campuchia đã đi trước Việt Nam về việc tiếp cận và chủ động trong lĩnh vực Halal. Do vậy, mặt hàng Halal của các nước này đã phổ thông khắp nơi, từ hàng tiêu dùng thiết yếu đến hàng cao cấp. Đối thủ của Việt Nam rất nhiều và rất lớn trong khi ngành công nghiệp Halal của Việt Nam lại non trẻ.
Trong mảng chăn nuôi, doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được quy trình giết mổ, quy trình bảo quản đóng gói chưa đồng bộ, chờ đợi sự đàm phán giữa các Chính phủ trong vấn đề thương mại…
Chứng nhận Halal – tấm giấy thông hành vào thị trường Hồi giáo
“Người Hồi giáo kinh doanh với chúng ta bằng niềm tin, họ cũng có một niềm tin cộng đồng rất mạnh mẽ, do đó nếu chinh phục được một người Hồi giáo có nghĩa doanh nghiệp đã chinh phục cả cộng đồng”, bà Tạ Việt Hằng khẳng định.
Để làm được điều này, việc sở hữu giấy chứng nhận Halal như là một tấm giấy thông hành để doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Vậy doanh nghiệp sẽ phải làm gì để có được tấm giấy thông hành này?
Là doanh nghiệp tư vấn, đào tạo và cấp giấy chứng nhận Halal, bà Hằng cho biết, khi muốn đăng ký chứng nhận, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ với các thông tin liên quan như nguyên liệu sản phẩm, các chất phụ gia, hoá chất, quy trình có sản xuất chất cấm hay không, nếu có doanh nghiệp sẽ phải loại bỏ.
Sau khi qua giai đoạn chứng nhận hồ sơ và được hội đồng chuyên môn của VNH thông qua, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận, bao gồm mã số, bộ tiêu chuẩn, cơ quan đồng kiểm và chứng nhận từ nước ngoài.
Chứng chỉ này có hiệu lực trong một thời gian nhất định và sẽ được VNH kiểm tra, cấp lại nếu vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về Halal và ngược lại, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận nếu vi phạm.
Vai trò truyền thông ở đâu trong “chiếc bánh” thị trường Halal
Đánh giá về bức tranh truyền thông, bà Tạ Việt Hằng cho rằng, báo chí, mạng xã hội đã thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam hiểu nhiều hơn về thị trường Hồi giáo, về văn hóa của cộng đồng tôn giáo này.
Dù vậy, truyền thông về cộng đồng này cũng mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, tức là chỉ mới nói về khái niệm. Chính vì vậy doanh nghiệp cần phải nghiên cứu sâu thêm để hiểu thị trường, kết nối các doanh nghiệp nhập khẩu, Đại sứ quán các quốc gia Hồi giáo, các tổ chức kinh tế, thương mại…
Trong khi đó, theo ông Phạm Thế Cường, báo chí góp phần truyền tải thông tin thị trường, nhu cầu nhập khẩu, các thay đổi biến động chính sách của Indonesia kịp thời, đúng lúc tới cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường Halal, theo ông Phạm Thế Cường, công tác thông tin về thị trường này cần được quan tâm thúc đẩy hơn nữa. Báo chí quan tâm đẩy mạnh quảng bá, thương hiệu sản phẩm Halal của Việt Nam trên nhiều diễn đàn, tăng cường các bài viết có chiều sâu về Halal từ các chuyên gia trong ngành; cập nhật tin tức sang tiếng Anh, tiếng Indonesia để phục vụ bạn đọc quốc tế, từ đó lan tỏa các thương hiệu, sản phẩm Halal của Việt Nam…