Chuyên gia Nhật Bản: Việt - Nhật có nhiều cơ hội 'teamwork' trong ngành sản xuất ô tô

Công nghiệp NHẬT BẢN
17:54 - 10/03/2023
Doanh nghiệp Nhật Bản muốn thiết lập các chuỗi cung ứng trong ngành sản xuất ô tô với Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật Bản muốn thiết lập các chuỗi cung ứng trong ngành sản xuất ô tô với Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia Nhật Bản, chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đang tìm kiếm các đối tác Việt Nam có cơ sở sản xuất và nguồn nhân lực mạnh, để tạo ra chuỗi cung ứng chất lượng cao.

Trường Đại học Việt Nhật, Công ty Mitani Sangyo Co và Công ty Koganei Seiki phối hợp tổ chức Hội thảo “Tương lai của Monozukuri – Sản xuất theo phương thức Nhật Bản tại Việt Nam và vai trò đào tạo của các Trường Đại học tại Việt Nam”, ngày 9/3.

Hội thảo hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có thể nhanh chóng nắm bắt được nền sản xuất của Nhật Bản, bên cạnh đó kích thích tính sáng tạo và hiệu suất làm việc của người lao động.

Mang phương thức sản xuất kiểu Nhật sang Việt Nam

Tại sự kiện, GS Fujimoto Takahiro, Đại học Waseda có bài phân tích về “Chiến lược sản xuất kỹ thuật số cho những năm 2020 của Nhật Bản”. Ông nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi Nhật Bản – Việt Nam cần liên kết nhiều hơn trong sản xuất công nghiệp.

Ông cho biết, sản xuất công nghiệp của Nhật chủ yếu là các sản phẩm có thiết kế phức tạp, đại diện tiêu biểu là xe hơi, máy móc hiện đại, chip bán dẫn.

Trong khi đó, Việt Nam có lực lượng lao động giỏi, so với Trung Quốc thì tiền lương còn tương đối thấp. Việt Nam cũng có khả năng sản xuất đa dạng sản phẩm, đáp ứng các lĩnh vực của Nhật Bản. Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh bên trong của các nhà máy Việt Nam đã nâng cao. Đây là điều thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản sang hợp tác, đầu tư.

“Doanh nghiệp Nhật sang đầu tư đã mang phương thức sản xuất kiểu Nhật sang Việt Nam. Đây là đặc trưng của tinh thần Nhật, đòi hỏi tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng với niềm tự hào tiêu chuẩn Nhật”, ông Fujimoto Takahiro lý giải.

Do đó, theo vị chuyên gia này, Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản để tạo ra những dòng sản phẩm có sức cạnh tranh cao cung ứng cho thế giới. Khách hàng sẽ có xu hướng muốn giao phó cho chuỗi cung ứng Việt Nam – Nhật Bản ở các sản phẩm có tính phức tạp.

Doanh nghiệp hai nước cần chuẩn bị gì cho tương lai?

Chỉ ra 3 yếu tố được cho là quan trọng nhất trong phát triển công nghiệp sản xuất, ông Fujimoto Takahiro cho rằng, các doanh nghiệp cần có: Năng lực nhà máy, ý tưởng sản xuất và lợi thế cạnh tranh.

“Ba trụ cột này nếu ở mức cân bằng sẽ giúp ngành công nghiệp đạt trạng thái ‘mạnh khỏe’. Ở Việt Nam, nhìn vào ngành ô tô, xe máy thấy khá giống Nhật Bản. Còn ở ngành điện thoại thông minh sẽ thấy giống Trung Quốc hoặc Mỹ nhiều hơn”, ông Fujimoto Takahiro nói.

Vị chuyên gia này cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản đang chú trọng gây dựng các liên kết mạnh với căn cứ sản xuất ở các nước. Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tìm kiếm các đối tác doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở sản xuất mạnh để thiết lập chuỗi cung ứng, xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ có quy mô toàn cầu.

Ở khu vực châu Á, năng suất sản xuất của Nhật Bản đang ở mức cao nhất, đặc biệt là thế mạnh của ngành ô tô. Trong khi đó, lực lượng kỹ sư ô tô trẻ của Việt Nam đang được đào tạo nhiều.

"Bài toán đặt ra là tận dụng các kỹ sư này để đẩy nhanh sản xuất ô tô rẻ và nhanh. Tôi nghĩ đây là bài toán 'teamwork' giữa 2 nước trong ngành sản xuất ô tô. Sẽ có nhiều dư địa để Nhật Bản và Việt Nam khai thác hợp tác trong thời gian tới”.

GS Fujimoto Takahiro, Đại học Waseda (Nhật Bản)

Theo ông Fujimoto Takahiro, các hoạt động hợp tác về: Tuyển dụng, đào tạo nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn khảo sát hiện trường, nghiên cứu kỹ thuật cần đẩy mạnh. “Thông qua các chương trình hợp tác này, sẽ tạo ra sự kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Trong đó, Đại học Việt Nhật có thể trở thành cầu nối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam”, ông Fujimoto Takahiro chỉ ra.

Trước phân tích về khả năng hợp tác nguồn nhân lực của chuyên gia đến từ Đại học Waseda, TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật đồng tình rằng, con người Việt Nam có một số đặc điểm tương đồng với Nhật Bản, tuy nhiên cũng có những điểm trái ngược nhau như 2 mặt trên một bàn tay tạo ra sự kết hợp bù trừ lẫn nhau.

Liên quan đến chế tạo sản xuất, ông Oanh nhìn nhận, người Việt Nam vốn có sự sáng tạo, uyển chuyển trong lắp ráp, sản xuất. “Việt Nam chưa có những hệ thống sản xuất trọn vẹn hiện đại nhưng cải tiến lại là thế mạnh. Do đó, nếu có thể tận dụng được thế mạnh này thì kết hợp Việt – Nhật trong chế tạo sản xuất giữa hai nước sẽ thành công”, Phó Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trường Đại học Việt Nhật có thể nói là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước.

“Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của Trường Đại học Việt Nhật và mong muốn hỗ trợ hơn nữa để phát huy tiềm năng và làm cho Trường ngày càng phát triển sôi động hơn”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Thảo Ngân

Nhà trong ngõ tại Hà Nội tăng giá

Trong bản tin thị trường bất động sản nửa đầu tháng 4 do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố, bất động sản nhà riêng trong ngõ tại trung tâm Thủ đô liên tục ghi nhận mức giá tăng.