Đại diện Đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu Li Hui. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga |
Trích dẫn lời ông Li Hui tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu ở Brussels ngày 26/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trên trang web của mình cho biết: “Trung Quốc luôn giữ lập trường không thiên vị về vấn đề Ukraine và đang tích cực thúc đẩy việc khôi phục hòa bình và đặc biệt là các cuộc đàm phán hòa bình”. Ngoài ra, nước này cũng tuyên bố “ủng hộ sự độc lập chiến lược của các nước châu Âu” cũng như “nỗ lực vì sự ổn định lâu dài ở châu lục này”.
Hãng thông tấn TASS trích dẫn đại diện đặc biệt Li Hui cho biết Bắc Kinh và các nước EU có "nhiều điểm tương đồng trong lập trường" đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong khi đó, năm 2023 lại là năm đánh dấu kỷ niệm 20 năm nâng cấp quan hệ Trung Quốc - EU thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Vì vậy, ông nhấn mạnh: “Trung Quốc sẵn sàng hợp lực với phía châu Âu để thực hiện sự đồng thuận quan trọng đã đạt được giữa giới lãnh đạo Trung Quốc và châu Âu”. Để có thể tăng cường sự chuẩn bị và "đối phó với tình hình không chắc chắn trên trường quốc tế”, ông Li cho biết điều quan trọng là Trung Quốc cần tìm cách đảm bảo sự ổn định trong quan hệ song phương.
Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức châu Âu ẩn danh, đại diện Trung Quốc được cử đến để thúc đẩy kế hoạch hòa bình cho Ukraine mang tới một thông điệp rõ ràng. Cụ thể, các quan chức này cho biết: “Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu nên khẳng định quyền tự chủ của họ và thúc giục một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, để Nga sở hữu các phần lãnh thổ của Ukraine mà nước này hiện đang chiếm đóng”.
Hãng tin này cũng cho biết ông Li Hui đã kêu gọi các chính phủ châu Âu xem Trung Quốc như một lựa chọn kinh tế thay thế cho Mỹ và nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động nhanh chóng để chấm dứt xung đột Ukraine trước khi nó lan rộng. Tuy nhiên, các quan chức EU khẳng định rằng việc tạm dừng cuộc xung đột không mang lại lợi cho cộng đồng quốc tế trừ phi Nga rút quân. Các quan chức này cũng khẳng định với ông Li Hui rằng châu Âu sẽ không chia cắt khỏi Mỹ và sẽ không rút lại sự hỗ trợ Ukraine.
Ở một diễn biến khác, trước đó trong cùng ngày 26/5, ông Li Hui đã tới Moscow và thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Trong cuộc gặp với ông Li, người từng là đại sứ Trung Quốc tại Nga trong khoảng thời gian giữa năm 2009 và 2019, ông Lavrov đánh giá cao lập trường “cân bằng” của Bắc Kinh.
"Cả hai bên bày tỏ sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác chính sách đối ngoại Nga - Trung, luôn hướng tới duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới", Moscow Times dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Các cuộc gặp mặt này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cử một phái đoàn ngoại giao tới nhiều quốc gia châu Âu để thảo luận về vấn đề hòa bình tại Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân trước đó thông báo đặc phái viên Trung Quốc Li Hui sẽ tới thăm Nga, Đức, Ba Lan, Ukraine và Pháp. Trước khi tới Moscow, ông Li Hui đã đến thăm Kiev vào ngày 16 - 17/5.