Dân số Nhật Bản đạt đỉnh năm 2008 và bắt đầu suy giảm dần sau đó. Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images |
Trong năm 2022, dân số nhật bản giảm 0,65% so với năm 2021 xuống còn 122,41 triệu người, tương đương với mức sụt giảm 800.000 người. Đây là năm thứ 14 liên tiếp quốc gia Đông Á ghi nhận dân số sụt giảm và là lần đầu tiên mức sụt giảm đạt con số kỷ lục này.
Cụ thể, dữ liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông dựa trên đăng ký cư trú tính đến ngày 1/1/2023 cho thấy Nhật Bản ghi nhận số ca tử vong đạt mức cao kỷ lục hơn 1,56 triệu trong khi chỉ có 771.000 em bé được sinh ra trong năm ngoái. Trong bối cảnh đó, số lượng cư dân nước ngoài có địa chỉ đăng ký tại Nhật Bản lại tăng lên mức cao kỷ lục 10,7%.
Kể từ khi Bộ Nội vụ và Truyền thông bắt đầu thống kê năm 2012, sự gia tăng dân số nước ngoài tại Nhật Bản của năm 2022 đang là mức tăng hàng năm lớn nhất. Hiện cộng đồng này chiếm 2,4% dân số Nhật Bản, tương đương với khoảng 3 triệu người.
Kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2008, dân số Nhật Bản bắt đầu suy giảm dần theo mỗi năm do tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ sinh trung bình của nhóm các quốc gia giàu có thuộc OECD, bao gồm Nhật Bản, là 1,66, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 cần thiết để duy trì dân số.
Sự già hóa dân số tại Nhật Bản đã và đang ảnh hưởng đáng kể tới gần như mọi khía cạnh của xã hội. Theo Guardian, hiện có hơn một nửa thành phố của nước này được chỉ định là khu vực ít dân cư trong khi các trường học đang đóng cửa do thiếu học sinh và hơn 1,2 triệu doanh nghiệp nhỏ có chủ sở hữu ở độ tuổi khoảng 70 không có người kế nhiệm.
Do tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida coi việc giải quyết vấn đề giảm tỷ lệ sinh là một trong những mục tiêu chính sách hàng đầu của mình. AP cho biết ông cam kết tài trợ hàng năm khoảng 25,2 tỷ USD trong 3 năm tới cho gói chăm sóc trẻ em mới bao gồm trợ cấp sinh và nuôi con cũng như tăng trợ cấp cho giáo dục đại học.
Tháng 6 vừa qua, Nội các của Thủ tướng Kishida đã phê duyệt kế hoạch mở rộng phạm vi các loại công việc người lao động nước ngoài được phép tham gia, từ đó mở ra cơ hội cho việc thường trú trong tương lai. Động thái này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách nhập cư của Nhật Bản khi quốc gia này đang phải vật lộn với dân số và lao động suy giảm.
Tuy nhiên theo nhiều nhận định từ các chuyên gia, các biện pháp mà chính phủ Nhật Bản đề xuất chủ yếu hỗ trợ cho cho những biện pháp hiện có và không giải quyết được các vấn đề chủ chốt gây ra tình trạng suy giảm dân số. Do đó, nhiều chuyên gia kêu gọi chính phủ Nhật Bản cần phải tích cực hơn nữa trong việc tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và làm cho xã hội hòa nhập hơn đối với các nhóm thiểu số và những người không có gốc gác Nhật Bản để thu hút lao động nước ngoài.