Một nạn nhân được đưa tới Bệnh viện Lady Reading ở Peshawar, Pakistan sau vụ đánh bom liều chết. Ảnh: Reuters |
Vụ đánh bom nhằm vào Đảng Jamiat Ulema-e-Islam-F (JUI-F) - một đối tác liên minh của chính phủ - trong bối cảnh hàng trăm người ủng hộ tụ tập tại thị trấn Khar thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, gần biên giới Afghanistan. Tính tới tối ngày 30/7, Bộ trưởng Y tế tỉnh Khyber Pakhtunkhwa Riaz Anwar cho biết có 44 người được xác nhận thiệt mạng cùng hơn 100 người khác bị thương.
Theo AFP phỏng vấn ông Riaz Anwar, “đây là một vụ tấn công liều chết và kẻ đánh bom tự kích nổ ngay gần sân khấu” Ở thời điểm xảy ra vụ nổ, báo cáo từ nhiều hãng truyền thông địa phương Pakistan đưa tin có khoảng 400 người đang ở bên trong lều.
Ông Abdullah Khan, người đã cố gắng giúp đỡ các nạn nhân, miêu tả hiện trường rằng: “Căn lều đã bị sập một bên, khiến những người đang cố gắng thoát ra ngoài bị mắc kẹt bên trong”. Ông cho biết tình hình hoàn toàn hỗn loạn với các thi thể nằm rải rác xung quanh trong khi các nhân viên cứu hộ cố gắng giúp đỡ các nạn nhân tới xe cứu thương.
Ngay sau sự kiện này, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif lên án vụ nổ một cách mạnh mẽ trên tài khoản mạng xã hội của mình. Ông cũng đồng thời gửi lời chia buồn tới các nạn nhân trong khi cam kết sẽ trừng phạt những kẻ phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này.
Vụ nổ xảy ra trong bối cảnh Quốc hội Pakistan sẽ giải tán trong vài tuần tới trước cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 10 hoặc tháng 11, và các đảng phái chính trị đã sẵn sàng vận động tranh cử. Do đó, nguyên nhân có khả năng là do động cơ chính trị theo AFP trích dẫn ông Imtiaz Gul, giám đốc điều hành của Center for Research and Security Studies.
Hiện vẫn chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ nổ bom liều chết, tuy nhiên một nhánh tại địa phương của nhóm IS (Nhà nước Hồi giáo) đã từng thực hiện một số vụ tấn công nhắm vào JUI-F. Năm 2022, nhóm này đứng ra nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công nhằm vào các học giả tôn giáo có liên kết với đảng này - một tổ chức có mạng lưới đền thờ và madrassa (trường Hồi giáo) khổng lồ ở phía bắc và phía tây của đất nước.
Trước đó hồi tháng 1 đầu năm, một kẻ đánh bom liều chết có liên hệ với lực lượng Taliban ở Pakistan cũng đã thực hiện đánh bom liều chết tại một nhà thờ Hồi giáo bên trong khu nhà cảnh sát ở thành phố Peshawar, phía tây bắc nước này. Vụ việc khiến hơn 80 sĩ quan thiệt mạng.