Doanh nghiệp cần nhiều hơn những xung lực cho cải thiện môi trường kinh doanh

DOANH NGHIỆP KINH DOANH
17:50 - 09/12/2022
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp vượt khó khăn.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp vượt khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết số 02/NQ-CP đã giúp nâng hạng nhiều chỉ số trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, tuy nhiên để doanh nghiệp vượt khó khăn năm 2023 thì cần nhiều nỗ lực cải thiện hơn nữa từ các Bộ/ngành và địa phương.

Hội nghị tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức sáng 9/12, đã đưa ra bức tranh tổng thể về môi trường kinh doanh và ý kiến của doanh nghiệp sau một năm thực hiện.

Trước đó, ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Nghị quyết 02/NQ-CP là gói hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp

Đánh giá sau một năm thực hiện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, Nghị quyết đã thể hiện rõ thông điệp về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.

Đặc biệt, Nghị quyết số 02/NQ-CP và những chỉ đạo của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là gói hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp. Tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì hội nghị.

Để thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, các Bộ/ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Nhờ đó, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021.

Cụ thể, trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52).

Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.

Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây.

Sự tăng hạng của nhiều chỉ số đã trở thành động lực thành lập doanh nghiệp mới. Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178.485 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân một tháng có hơn 17.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 gấp 1,46 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kỳ vọng nhiều hơn nữa vào cải thiện môi trường kinh doanh

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động thế giới buộc phải tiết giảm sản xuất, cắt giảm lao động.

"Trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của Bộ/ngành, địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng”.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Cụ thể, trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí đi ngược cải cách.

Trong đó, có chỉ số Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).

“Người dân và doanh nghiệp đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin vào môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do bối cảnh thị trường suy giảm, giá cả tăng cao, sức khoẻ của doanh nghiệp chưa kịp phục hồi, nên sức chống chịu yếu hơn”, ông Cương lý giải.

Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lê Hữu Văn bày đồng tình với kết quả thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn được các Bộ/ngành nhắc đến nhiều nhưng chưa được giải quyết.

“Trong đó, có vướng mắc về cách hiểu các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau của các đơn vị khiến việc triển khai dự án chậm trễ khó khăn. Doanh nghiệp tồn đọng vốn, loay hoay thủ tục đã kiến nghị nhiều mà chưa được giải quyết”, ông Văn nêu vấn đề.

Theo ông Văn, doanh nghiệp vẫn phải chịu chi phí lớn trong các quy định tuân thủ pháp luật, nhất là quy định phòng cháy chữa cháy. Có những dự án đầu tư 1 tỷ đồng nhưng kinh phí cho phòng cháy chữa cháy lên đến 300 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có các khó khăn khác về thủ tục giải thể, quy định chuyển tiền ra nước ngoài, công tác thanh kiểm tra ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất mong muốn các Bộ/ngành, địa phương thay đổi tư duy quản lý doanh nghiệp, từ giám sát sang thấu hiểu nhiều hơn, đẩy mạnh hơn nữa năng lực thực thi Nghị quyết 02/NQ-CP, nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại”, ông Lê Hữu Văn bày tỏ.

Tin liên quan

Đọc tiếp