Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn Việt Nam thành cứ điểm sản xuất quy mô lớn

Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn Việt Nam thành cứ điểm sản xuất quy mô lớn

DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC
11:40 - 26/01/2023
Chủ tịch Korcham chia sẻ với Mekong ASEAN trong cuộc phỏng vấn đầu năm rằng, bất chấp tín hiệu kém tích cực từ kinh tế toàn cầu và xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước trong thu hút FDI, Hàn Quốc vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. 

Trải qua 30 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực. Trong ba năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn nằm trong Top ba quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam cao nhất. Riêng năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư vào Việt Nam với gần 4,88 tỷ USD.

Mặt khác, theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc trong năm 2022 đạt 87,7 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt 60,98 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 26,72 tỷ USD, Hàn Quốc xuất siêu sang Việt Nam 34,26 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Việt Nam trở thành đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc tính theo năm.

Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão, Mekong ASEAN có cuộc trò chuyện với ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham Việt Nam) về triển vọng đầu tư và thương mại Việt Nam năm 2023.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu, ông nhìn nhận thế nào về tín hiệu đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, triển vọng xu hướng đầu tư năm 2023 là gì, thưa ông?

Ông Hong Sun: Các nhà đầu tư nước ngoài và chúng tôi đánh giá rất cao về sự kiểm soát tốt của chính phủ Việt Nam về kinh tế vĩ mô. Năm 2022, Việt Nam tăng trưởng GDP khoảng 8%, mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Việc thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá cả cũng đã góp phần kiềm chế lạm phát dưới mức 4,0%. Đặc biệt, chính sách tiền tệ thận trọng đã dẫn đến sự ổn định của giá cả cũng như tỷ giá của đồng Việt Nam so với các đồng tiền của một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam cũng có nhiều yếu tố thách thức. Trong đó, việc đồng Won mất giá kỷ lục so với đồng USD trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt là rủi ro lớn nhất khi đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Mặc dù vậy, tình trạng này chỉ diễn ra đối với bộ phận các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các nhà đầu tư lớn như SamSung, LG, Lotte…vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh sản xuất tại Việt Nam. Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất quy mô lớn.

Mekong ASEAN: Đâu sẽ là lĩnh vực sẽ hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2023, theo nhìn nhận của ông?

Ông Hong Sun: Đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đang đang được định hình theo hướng đầu tư theo chuỗi giá trị, đặc biệt là mặt hàng có giá trị gia tăng cao như công nghiệp chế biến chế tạo, linh kiện điện tử, công nghệ bán dẫn...

Bên cạnh đó, bất động sản cũng đang thu hút nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, nếu trước đây đa số doanh nghiệp xây dựng chỉ quan tâm đến đấu thầu, tham gia đấu thầu và trúng thầu các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đầu tư bất động sản. Giờ đây, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang quan tâm đến các dự án bất động sản dài hạn, rộng rãi như phát triển khu đô thị thông minh, khu công nghiệp, các dự án năng lượng.

Theo đó, lĩnh vực hậu cần, kho vận cũng là mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Bởi muốn phát triển công nghiệp vững mạnh, không thể chỉ chú trọng vào khu công nghiệp đơn thuần. Cần gắn kho vận logistics cùng với khu công nghiệp để tạo chuỗi sản xuất - lưu thông linh hoạt.

Mekong ASEAN: Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam để duy trì và tăng cường hợp tác hiệu quả với khối FDI trong tương lai?

Ông Hong Sun: Thực tế, Việt Nam đang tạo lập một môi trường kinh doanh rất thuận lợi, ổn định nhưng không phải là một điểm đến đầu tư duy nhất. Câu chuyện thu hút đầu tư của Việt Nam không còn là chuyện cạnh tranh giữa các tỉnh mà là cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Có rất nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang có những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thuế hấp dẫn. Thậm chí ngay tại Hàn Quốc, chúng tôi cũng đang áp dụng nhiều chính sách mới như cung cấp khu công nghiệp miễn phí, miễn và giãn thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn.

Việt Nam hiện đã có những chính sách thu hút FDI rất tốt, nhưng với những dự án quy mô rất lớn thì cần có cơ chế đặc biệt hơn nữa. Theo tôi, Chính phủ Việt Nam vẫn nên tiếp tục nghiên cứu và đưa ra thêm những ưu đãi mới vì đây là một thời điểm lý tưởng và cần phải được nắm bắt, qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư chất lượng.

Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục cởi mở và đưa ra những phương án hỗ trợ tích cực hơn. Chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như vậy không chỉ có lợi riêng cho doanh nghiệp FDI mà còn mang đến lợi ích lan tỏa cho doanh nghiệp Việt Nam trong nước và toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh tiên tiến, công nghệ cao của khu vực FDI. Doanh nghiệp Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là điểm đến hàng đầu. Tuy nhiên, nếu cơ sở hạ tầng chưa đủ đáp ứng việc xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế đôi khi sẽ là rào cản.

Tôi cho rằng, hợp tác với các tập đoàn lớn nước ngoài cũng là con đường để doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh với thế giới, để tương lai không xa, doanh nghiệp Việt Nam có mặt trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao tiên tiến toàn cầu.

Mekong ASEAN: Việt Nam - Hàn Quốc đã đặt mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?

Ông Hong Sun: Quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đứng trước cơ hội phát triển lớn. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN và chuỗi sản xuất toàn cầu. Tại Việt Nam hiện có gần 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc và gần 200.000 người Hàn Quốc sống, làm việc. Tại Hàn Quốc cũng đang có trên 200.000 người Việt Nam sinh sống.

Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, với sự tương đồng lớn về văn hoá và con người, và đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ hai nước, quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc hứa hẹn đầy triển vọng.

Năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái, đây là rủi ro rất lớn đối với cả hai quốc gia trong việc hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Chính phủ hai nước đồng lòng, doanh nghiệp hai nước đồng tâm, mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Đọc tiếp