Doanh nghiệp hình thành giá trị cốt lõi từ thực hành kinh doanh bền vững

KINH DOANH Bền Vững
21:08 - 01/12/2022
Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022.
Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu hiện nay, các giá trị của phát triển bền vững cần phải được định hình và xây dựng dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2022), ngày 1/12, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, được xây dựng dựa trên các trụ cột gồm kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường (ESG). Trong đó, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững này.

Từ số liệu khảo sát của VCCI có 56% trong 10.000 doanh nghiệp cả nước đánh giá biến đổi khí hậu là cơ hội để tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, ông Phạm Tấn Công cho rằng, đây chính là một dấu hiệu đáng mừng trong nhận thức về kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp Việt.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, thực tế đã chứng minh những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng - xã hội - môi trường, đều có khả năng thích ứng và chống chịu cao trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài. Đây cũng là các doanh nghiệp có khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại.

"Các giá trị của phát triển bền vững cần phải được định hình và xây dựng dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp. Đó chính là đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh. Chúng vừa tạo ra nội lực và năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, vừa là nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển bền vững”.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI

Cũng theo ông Phạm Tấn Công, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa có khả năng tạo hàng rào kỹ thuật trong việc thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.

Kinh doanh bền vững giúp doanh nghiệp có thêm tín nhiệm từ các nhà đầu tư

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu như hiện nay, bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Chủ tịch HĐTV công ty Deloitte Việt Nam cũng cho rằng, xu hướng thực hành kinh doanh bền vững cũng đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng doanh nghiệp.

Bởi điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từ việc nắm bắt các cơ hội xanh, giảm thiểu chi phí và rủi ro, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp.

Phân tích các tác nhân thúc đẩy kinh doanh bền vững, bà Hà Thị Thu Thanh chỉ ra 3 động lực đến từ người tiêu dùng, cơ quan quản lý và nhà đầu tư. Trong xu thế mới, người tiêu dùng hiện nay ngày càng ưa chuộng các thương hiệu mang tính bền vững và có trách nhiệm với xã hội.

Từ sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng như trên đã làm thay đổi sự ưa chuộng của các nhà đầu tư đối với các công ty có tính bền vững. Theo báo cáo khảo sát của Deloitte, đầu tư bền vững đã tăng 17,6% từ năm 2019 đến 9 tháng đầu năm 2020, nhờ những nỗ lực tăng cường tập trung vào các sáng kiến “xanh”.

Với con số đó, Phó Chủ tịch VBCSD khẳng định, xu hướng chuyển vốn vào các công ty có tính bền vững của các nhà đầu tư đang ngày càng phụ thuộc vào việc người tiêu dùng ưa thích các thương hiệu bền vững và các quy định về khí hậu hơn.

Cũng theo bà Thanh, từ khi thành lập vào năm 2010, VBCSD đã nỗ lực bền bỉ để thúc đẩy kinh doanh bền vững tại Việt Nam. “Trong thời gian tới đây, VBCSD sẽ tập trung vào việc xây dựng năng lực triển khai ESG cho khu vực tư nhân. Áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững vào quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển mạng lưới đối tác nhằm lan tỏa và củng cố các thực hành kinh doanh bền vững, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn”, bà Hà Thị Thu Thanh cho biết thêm.

Vào ngày 19/5 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, (2) Tuân thủ pháp luật, (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính, (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển, (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Các quy tắc này cũng đã được VCCI cụ thể hoá thành các tiêu chí và đưa vào bộ tiêu chí đánh giá, bình xét trong Chương trình trao danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, bắt đầu từ năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp