Dự báo sóng giá vàng cuối năm, nhà đầu tư cần lưu ý những gì?

GIÁ VÀNG Việt nAM
15:13 - 22/11/2021
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định giá vàng thế giới có khả năng sẽ biến động tăng trong một đợt sóng vào khoảng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá vàng trong nước sẽ chịu tác động lớn tương ứng.

Giá vàng tăng giảm như "tàu lượn siêu tốc", thế giới dự báo trái chiều

Nhà đầu tư trong nước vừa trải qua một tuần giá vàng lên xuống như “tàu lượn siêu tốc”, tuần qua có thời điểm vàng chạm ngưỡng 62 triệu đồng/ lượng trước khi sụt mạnh, có phiên “rơi tự do” hơn 1 triệu đồng/ lượng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng SJC được công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở 59,30-60,50 triệu đồng/ lượng (mua vào- bán ra).

Biến động giá vàng tuần trước (Nguồn: DOJI)

Biến động giá vàng tuần trước (Nguồn: DOJI)

Mở phiên giao dịch sáng 22/11, giá vàng SJC tiếp tục giảm về 59,00-59,92 triệu đồng/ lượng (mua vào - bán ra) theo giá niêm yết của công ty Vàng bạc đá quý (VBĐQ) Sài Gòn, tức thấp hơn 300.000 đồng/ lượng ở chiều mua vào và gần 600.000 đồng/ lượng ở chiều bán ra so với phiên trước đó.

Tuần này được dự báo tiếp tục là tuần biến động và nhiều rủi ro, khi giá vàng thế giới được cho là sẽ đứng trước áp lực lớn trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp có Chủ tịch mới trong khi lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục tăng cao tác động đến chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Tại thời điểm 9 giờ sáng 22/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện ở 1.845,4 USD/oz.

Giá vàng thế giới hiện ở 1.845,4 USD/oz (Nguồn: Kitco)

Giá vàng thế giới hiện ở 1.845,4 USD/oz (Nguồn: Kitco)

Dự báo của giới chuyên gia quốc tế về triển vọng giá vàng đến nay là không thống nhất.

Các nhà phân tích hàng hóa kỳ cựu tại Ngân hàng Pháp Société Générale viết trong dự báo cập nhật mới nhất vào giữa tháng 11 rằng giá vàng có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong quý I/2022 khi chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ tiếp tục đưa áp lực lạm phát leo thang.

“Fed tỏ ra không muốn tăng lãi suất sớm, tín hiệu này kết hợp với lạm phát cao sẽ tạo ra sự kết hợp hoàn hảo giữa môi trường lãi suất thực âm với giá vàng tăng cao”, trích báo cáo triển vọng giá vàng cập nhật của Société Générale.

Société Générale dự báo giá vàng bình quân ở ngưỡng 1.950 USD/oz trong quý I/2022, tức tăng khoảng 4,5% so với mức giá hiện hành trước khi bắt đầu hạ nhiệt vào nửa cuối năm khi Fed xem xét nâng lãi suất và áp lực lạm phát giảm bớt. Một yếu tố khác hỗ trợ giá vàng, theo Société Générale là tiềm năng nhu cầu vàng tăng lên của các ngân hàng Trung ương khi đồng USD với tư cách tiền tệ dự trữ toàn cầu đang suy yếu.

Trong khi đó, trong một báo cáo vừa công bố hôm 18/11, ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse vừa hạ triển vọng giá vàng năm 2022 xuống 1.850 USD/oz, giảm 2,6% so với dự báo trước đó là 1.900 USD/oz. Hai tác giả của báo cáo là Fahad Tariq và Jessica Xu cho rằng sự cạnh tranh ngày càng cao của các kênh hút vốn khác như bitcoin và nhiều đồng tiền điện tử sẽ gây áp lực đáng kể cho giá vàng trong năm tới.

“Với các tín hiệu vĩ mô tích cực cho giá vàng (đồng USD yếu và lạm phát cao), chúng tôi đã kỳ vọng giá vàng sẽ tăng mạnh hơn nếu như tiền điện tử gần đây không nổi lên như một tài sản trú ẩn an toàn với một số nhà đầu tư”, theo nhóm tác giả Fahad Tariq và Jessica Xu.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới chịu tác động của nhiều yếu tố trái chiều và giá vàng trong nước neo chặt với biến động của giá vàng thế giới, tạp chí MEKONG ASEAN đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia về kịch bản giá vàng từ nay đến cuối năm và trong năm 2022.

Xin cho biết nhận định của ông về hiện tượng giá vàng trong nước trồi sụt mạnh mẽ trong tuần qua?

Giá vàng tăng mạnh thường trong giai đoạn khủng hoảng tài chính hoặc trước những nguy cơ về một cuộc chiến tranh tiền tệ. Hai lần giá vàng tăng quy mô lớn gần đây nhất là thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009 và thời kỳ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đương nhiệm, khi căng thẳng địa chính trị toàn cầu leo thang, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trong cuộc khủng hoảng lần này, mặc dù nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái nhưng tôi đánh giá giá vàng đến nay tương đối ổn định. Một phần do vàng đã tăng rất mạnh trước đó, một phần có thể do kỳ vọng tăng trưởng phục hồi nhanh chóng do đây không phải khủng hoảng kinh tế về mặt cấu trúc mà do hệ lụy từ khủng hoảng y tế. Thực tế là nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã phục hồi rất nhanh cho đến nay.

Giá vàng thế giới năm qua dao động quanh mức 1.700-1.960 USD/oz (Nguồn: Kitco)

Giá vàng thế giới năm qua dao động quanh mức 1.700-1.960 USD/oz (Nguồn: Kitco)

Mặt khác, các thị trường chứng khoán, bất động sản tại nhiều nền kinh tế đã tăng vọt trong suốt thời kỳ khủng hoảng dẫn đến dòng tiền hút vào đó tăng nhanh, một yếu tố khiến giá vàng không tăng đột biến mà dao động quanh mức 1.700-1.960 USD/oz.

Trong nước, suốt thời gian qua, vàng SJC ổn định quanh mức 55-57 triệu đồng/ lượng, ngoại trừ một số phiên tăng vọt lên mốc 62 triệu đồng/ lượng trong tuần trước rồi lại giảm về 59 triệu đồng/ lượng. Tôi cho rằng đây là biến động nhất thời do chịu tác động của một số yếu tố nội và ngoại sinh.

Về cơ bản, giá vàng trong nước gắn chặt với biến động giá vàng thế giới. Do đó cứ nhìn vào biến động quốc tế sẽ thấy được giá vàng tại Việt Nam.

Vậy những yếu tố nào đang tác động đến sự biến động của giá vàng quốc tế, thưa ông?

Về lý thuyết, sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn hiện tại là yếu tố duy trì giá vàng ổn định hoặc thậm chí là giảm. Tuy nhiên, một xu hướng nổi bật và mạnh mẽ khác đang đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh: lạm phát. Đã từ lâu, vàng là tài sản trú ẩn truyền thống trước nguy cơ lạm phát.

Lạm phát trên thế giới được thúc đẩy bởi cả hai yếu tố: chi phí đẩy và cầu kéo.

Lạm phát hiện nay mà thế giới đang chứng kiến là lạm phát chi phí đẩy do giá nguyên nhiên vật liệu tăng, giá logistics tăng, chuỗi cung ứng hàng hóa gián đoạn. Hiện một số nền kinh tế lớn như Mỹ đã chứng kiến lạm phát ở mức trên dưới 5%.

Lạm phát toàn phần (đường màu xanh) và lạm phát cơ bản ( đường màu đỏ) tại Mỹ tăng vọt trong những tháng gần đây (Nguồn: Tipwatch)

Lạm phát toàn phần (đường màu xanh) và lạm phát cơ bản ( đường màu đỏ) tại Mỹ tăng vọt trong những tháng gần đây (Nguồn: Tipwatch)

Lạm phát cầu kéo dù diễn ra muộn hơn một chút nhưng cũng đang dần đồng hành cùng lạm phát chi phí đẩy, do các chính phủ đưa ra những gói kích thích quá lớn khiến cung tiền toàn cầu tăng rất nhanh và tạm thời chưa thể trung hòa. Lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế tăng vọt nghĩa là người dân có nhiều tiền, thúc đẩy cầu tăng vọt, gây ra lạm phát. Ước tính các gói kích thích tài khóa - tiền tệ trên toàn cầu đã lên tới xấp xỉ 18.300 tỷ USD, tức khoảng 16,6% GDP toàn cầu, phần lớn lấy từ nguồn tiền cung ứng. Đây có thể coi là mức tăng cung tiền “vô tiền khoáng hậu” chưa từng có tiền lệ trên quy mô toàn thế giới.

Ông dự báo ra sao về giá vàng thế giới và trong nước trong ngắn và trung hạn?

Cần phải thấy rằng một khi chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi, áp lực lạm phát chi phí đẩy sẽ dịu đi nhanh chóng. Tuy nhiên cũng từ đây, vòng quay đồng tiền sẽ tăng nhanh và khôi phục về mức thông thường, khiến tác động từ lạm phát cầu kéo bùng phát mạnh mẽ nhất. Điều này khác so với dự báo của một vài tổ chức tài chính quốc tế rằng lạm phát sẽ bắt đầu dịu đi từ năm 2023.

Ngay cả khi các Ngân hàng Trung ương lớn như Fed có khả năng trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng trong ngắn hạn, làm giảm sức nóng của lạm phát cầu kéo thì trong trung và dài hạn, tôi dự báo nhiều đồng tiền chủ chốt như USD, Yen Nhật, Euro sẽ mất giá. Đây là lúc giá vàng sẽ tăng và thiết lập một mặt bằng giá mới.

Một suy luận khác: sức nóng hiện nay của thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là chứng khoán phái sinh đang duy trì giá vàng ở mức ổn định, không tăng đột biến. Tuy nhiên khi các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ hạ nhiệt, giá chứng khoán xuống dốc và nguồn tiền đổ vào vàng có thể tăng mạnh khiến giá vàng tăng lên.

Từ những lập luận này, có thể dự báo giá vàng thế giới sẽ biến động tăng trong một đợt sóng vào khoảng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, sau đó cầm cự tăng giảm chút ít trong suốt thời gian lạm phát chi phí đẩy dịu xuống trước khi bước vào đợt sóng tăng trở lại khi lạm phát cầu kéo chiếm ưu thế và hiện tượng đồng USD mất giá trở nên rõ ràng hơn.

Còn về giá vàng tại Việt Nam, nhiều khả năng cũng sẽ chịu tác động theo nhịp tăng giảm của giá vàng thế giới cũng như một số ảnh hưởng từ thị trường tài sản trong nước, đặc biệt là thị trường chứng khoán và bất động sản.

Nhà đầu tư vàng cần lưu ý gì trong ngắn và trung hạn, thưa ông?

Các gói kích thích kinh tế quy mô khổng lồ hiện nay là chỉ báo cho thấy các đồng USD, Euro, Yen Nhật nhiều khả năng bị phá giá trong thời gian tới. Phản ứng của các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và nhiều nền kinh tế xuất khẩu khác về tỷ giá để duy trì vị thế thương mại của họ sẽ là “bí ẩn” lớn nhất cũng như lưu ý đáng lưu tâm nhất với nhà đầu tư liên quan đến thị trường tiền tệ và giá vàng trong năm 2022.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp