Giá leo thang suốt năm, doanh nghiệp thép và phân bón "lãi đậm" 9 tháng

DOANH NGHIỆP Việt nAM
21:45 - 25/10/2021
Sản lượng thép thô tháng 9 của Hòa Phát đạt 686.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ
Sản lượng thép thô tháng 9 của Hòa Phát đạt 686.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ
0:00 / 0:00
0:00
Kỳ báo cáo tài chính quý 3 cho thấy, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp ngành thép, phân bón đều đạt kết quả kinh doanh rất ấn tượng với những con số bứt phá.

Đối với ngành thép, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội khiến cho nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm xuống.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu lại có xu hướng ngược lại. Do sự gián đoạn về cung ứng thép toàn cầu, sản lượng tiêu thụ và giá thép tăng cao đã thúc đẩy gia tăng tỷ suất lợi nhuận gộp. Các doanh nghiệp thép có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu đều có doanh thu cao.

Thép Hòa Phát (HPG) lợi nhuận sau thuế quý 3 gấp 2,7 lần so với cùng kỳ, đạt mức kỷ lục 10.350 tỷ đồng.

Sau khi cơ cấu, HPG tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính là gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng và đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.

Lũy kế 9 tháng ghi nhận doanh thu 105.800 tỷ đồng tăng 60% và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ tăng 200% (vượt 45% kế hoạch năm).

Tôn Hoa Sen (HSG) 9 tháng lãi sau thuế tăng 225%. Riêng quý 3, doanh thu thuần HSG đạt gần 13.000 tỷ, lũy kế 9 tháng gần 33.000 tỷ, đạt 100% kế hoạch cả năm 2021.

Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) Lợi nhuận 9 tháng đã gấp 11 lần kế hoạch năm.

Thị trường thép cán nguội có chuyển biến tích cực trong quý 3 nên sản lượng tiêu thụ tăng mạnh. Doanh thu quý 3 đạt 346 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái, lãi sau thuế 9,3 tỷ đồng, gấp đôi quý 3/2020.

Gang Thép Thái Nguyên (TIS) báo lãi quý 3 gấp 25 lần cùng kỳ. Trong quý 3, chi phí tài chính tăng gần gấp đôi cùng kỳ nhưng chi phí lãi vay giảm (lỗ chênh lệch tỷ giá tăng, dư vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm 186 tỷ đồng so với số liệu đầu năm).

Lũy kế 9 tháng vượt 190% kế hoạch năm, lãi sau thuế 113 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ.

Đối với ngành phân bón, theo phân tích của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), giá cả tại thị trường trong nước tăng liên tục từ đầu năm đến nay là do điều kiện hội nhập và liên thông giữa các thị trường trong nước và quốc tế.

Bất kỳ diễn biến nào từ thị trường thế giới cũng đều có tác động, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Cụ thể là khủng hoảng năng lượng ở châu Âu phát sinh tháng 9 vừa qua khiến giá dầu thế giới và giá khí thiên nhiên tăng tốc, chi phí sản xuất phân bón trong nước theo đó cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phát sinh các chi phí liên quan đến logistics như vận chuyển, giải phóng tàu, giải phóng kho, chi phí xét nghiệm, thông quan, chuyển khẩu tại chỗ…

Vì vậy, giá phân bón tăng là điều tất yếu. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không tăng giá sẽ không phù hợp với cơ chế thị trường.

Đạm Phú Mỹ (DPM) lãi sau thuế tăng 245%, đạt 630 tỷ, gấp gần 3,5 lần cùng kỳ 2020. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,503 tỷ vượt kế hoạch năm 311%.

Trong số các mặt hàng do DPM sản xuất thì NPK Phú Mỹ đạt mức tăng trưởng ấn tượng với 128.777 tấn, đạt 111% chỉ tiêu 9 tháng đầu năm và 86% kế hoạch năm 2021, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân lân Ninh Bình (NFC) vượt chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, NFC ghi nhận doanh thu 407 tỷ đồng, tăng 22% và lãi ròng hơn 10 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, trong quý 3 NFC cũng phát sinh hơn 3 tỷ từ lợi nhuận của hoạt động kinh doanh khác.

DAP Vinachem (DDV) lãi 159 tỷ đồng sau 9 tháng, cao gấp 2,3 lần kế hoạch năm.

Tính riêng quý 3/2021 DDV ghi nhận lãi sau thuế 68,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 6,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là quý báo lãi lớn nhất của Công ty trong vòng 3 năm trở lại đây (kể từ sau quý 2/2018).

Phân Bón và Hóa Chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PSE) lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng tăng 361% so với kế hoạch. Tổng doanh thu 9 tháng 1.946 tỷ, đạt 98% kế hoạch cả năm (2.019 tỷ).

Kể từ 01/1/2015 đến nay, phân bón thuộc mặt hàng bình ổn giá của Chính phủ và không chịu thuế GTGT.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết 48/NQ-CP, ban hành ngày 6/5/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, có đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT. Theo đó, nếu luật thuế mới được thông qua, ngành phân bón sẽ chịu thuế GTGT mức 5%.

Luật thuế VAT được trình lên Quốc hội dựa trên nguyên tắc nhất quán: “Không làm tăng chi phí đầu vào của người nông dân”.

Do đó, vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp phân bón sau khi luật thuế được áp dụng đó là mức độ điều chỉnh giá bán sản phẩm.

Tin liên quan

Đọc tiếp