Giáo hoàng Francis. Ảnh: AP |
Theo hãng tin Reuters, chuyến thăm của Giáo hoàng tới Papua New Guinea sẽ kéo dài 3 ngày, trong đó bao gồm một khoảng thời gian tại thủ đô Port Moresby cũng như thị trấn xa xôi Vanimo – một trong những nơi nghèo nhất tại quốc gia này.
Ở Port Moresby, Giáo hoàng dự kiến sẽ tham gia vào nhiều cuộc gặp gỡ với các nhà chức trách, trong đó bao gồm Thủ tướng James Marape cũng như lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự và người đứng đầu các nhà thờ. Giáo hoàng cũng sẽ tham dự thánh lễ Chủ Nhật trước khi gặp gỡ các nhà truyền giáo Công giáo tại Vanimo.
Sơ Daisy Anne Lisania, người phát ngôn của Giáo hội Công giáo tại Papua New Guinea cho biết: "Trong thánh lễ, chúng tôi sẽ có một đoàn rước lễ truyền thống cũng như đoàn rước chính thức, gồm các vũ công truyền thống trình diễn về bối cảnh văn hóa của Papua New Guinea".
Để chào đón Giáo hoàng Francis tới thăm, cờ chào mừng đã được treo lên ở khắp thủ đô Port Moresby trong khi tất cả các ngã tư chính đều được trang hoàng rực rỡ. Hàng hóa bao gồm áo phông vàng có hình ảnh của Giáo hoàng và mũ xô màu sắc rực rỡ cũng đang được bày bán ở nhiều nơi.
Trong chuyến thăm này, Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ nói về các vấn đề bao gồm biến đổi khí hậu và kêu gọi hành động tích cực hơn để giảm tình trạng nóng lên toàn cầu. Chương trình nghị sự của Giáo hoàng tại Papua New Guinea cũng được kỳ vọng sẽ gửi thông điệp tới giới trẻ tại quốc gia này.
Chủ tịch ủy ban tổ chức Papua New Guinea, Giám mục Rozario Menezes, cho biết: "Tôi hy vọng thông điệp của Giáo hoàng Francis sẽ mang lại hy vọng mới và tầm nhìn mới, giúp cho những người trẻ tuổi tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của chính mình".
Papua New Guinea là một quốc gia rộng lớn trải dài trên diện tích hơn 400.000 km vuông với 600 hòn đảo. Nơi này có hơn 800 ngôn ngữ - chiếm khoảng 12% tổng số ngôn ngữ trên thế giới, với dân số ước tính từ 9 triệu đến 17 triệu người.
Vatican ước tính có khoảng 2,5 triệu người Công giáo tại đây. Các nhà truyền giáo Cơ đốc đã đến đây gần 200 năm trước và Cơ đốc giáo hiện đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân quốc gia này.
Chuyến thăm này của Giáo hoàng Francis đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng tới Papua New Guinea sau 30 năm. Chuyến thăm gần đây nhất của một Giáo hoàng đến quốc gia Nam Thái Bình Dương này là của Giáo hoàng John Paul II vào năm 1995.
Giáo hoàng Francis kêu gọi Indonesia thúc đẩy 'sự hòa hợp trong đa dạng' Trong khuôn khổ ngày đầu tiên của chuyến thăm Indonesia vào 4/9, Giáo hoàng Francis kêu gọi Indonesia tích cực hơn nữa trong việc đạt được “sự hòa hợp trong đa dạng” cũng như thúc đẩy tư tưởng khoan dung tôn giáo. |