Gỡ khó cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong dịch COVID-19

COVID-19 Việt nAM
17:13 - 13/09/2021
Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, cần những giải pháp tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: đóng góp lớn, thiệt hại nhiều

Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như các hoạt động kinh tế – xã hội. Nhìn lại 5 tháng giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ thì sức khỏe của doanh nghiệp đã không còn như trước. Doanh nghiệp đang đối mặt với hàng ngàn khó khăn và thử thách. Đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và khủng hoảng về lao động đang là thách thức với doanh nghiệp phía Nam trong thời điểm này.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Như vậy, trung bình có 90% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động. Đó là chưa kể nhiều lao động đang rời khỏi các tỉnh như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương…

Theo Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – ASEAN (VASEAN), có 96% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Khôi phục sản xuất, doanh nghiệp còn phải đối diện khó khăn nội tại đó là không có tiền để duy trì hoạt động sản xuất. Thống kê có tới 46% doanh nghiệp chỉ còn tiền để sản xuất trong 1 tới 3 tháng tới. Trong khi đó các gói hỗ trợ tài khóa, gói chính sách tiền tệ, tín dụng, gói hỗ trợ an sinh thì nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được.

Tác động của đại dịch Covid-19 làm cho 90% tổng số HTX đã giảm mạnh doanh thu và tỷ lệ lớn HTX hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ, trong khi chi phí đầu vào lại tăng.

Đặc biệt khi các HTX cũng đang gặp các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh tương tự như các DN.

Trong khi đó, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân của khu vực kinh tế HTX có thể thấy rõ khi hiện nay cả nước có 26.145 HTX, trong đó có 17.060 HTX nông nghiệp và 7.897 HTX phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại và tiêu dùng, môi trường, du lịch…); 106 liên hiệp HTX và gần 120.000 tổ hợp tác, thu hút hơn 8 triệu thành viên là đại diện hộ gia đình, tác động đến đời sống và thu nhập của khoảng 30 triệu người, chủ yếu là địa bàn nông thôn.

4 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Nghị quyết số Nghị quyết gồm 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 04 nhóm chính: Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hai là, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Ba là, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Tại Nghị quyết, Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, khát vọng và giá trị “tâm – tài – trí – tín” của đội ngũ doanh nhân tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng hành cùng các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Có thể thấy trước những khó khăn hiện hữu, Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là thiết thực, kịp thời.

Nghị quyết sẽ giúp doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, để các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết đi vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, thiết nghĩ các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực, tích cực nhanh chóng triển khai thực hiện. Cùng với đó cũng nên thiết lập một kênh thông tin để doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phản ánh khó khăn, vướng mắc.

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.