Khu vực Tây Hồ Tây được phê duyệt quy hoạch làm trụ sở bộ, ngành.

Hà Nội: Phác thảo quy hoạch, kiến trúc tổng thể trụ sở bộ, ngành tại Tây Hồ Tây

QUY HOẠCH HÀ NỘI
12:11 - 16/05/2023
Khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía bắc và nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc được thuận lợi bằng phương tiện giao thông cơ giới.

Theo Quyết định 423 phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030 do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành mới đây, quy mô khu Tây Hồ Tây khoảng 35 ha, gồm 20,7 ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14,3 ha tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm.

Khu vực bố trí 13 trụ sở bộ, ngành trong tương lai tại khu vực Tây Hồ Tây. Nguồn: Google Maps.

Khu vực bố trí 13 trụ sở bộ, ngành trong tương lai tại khu vực Tây Hồ Tây. Nguồn: Google Maps.

Đồ án quy hoạch chỉ rõ giai đoạn từ 2023 đến năm 2025 sẽ chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Công việc cụ thể là chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn này.

Giai đoạn từ 2026 đến 2030 sẽ thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Trong đó sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2.

Giai đoạn từ năm 2031 đến 2035 sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và các công trình công cộng (giai đoạn 2).

Trước đó, Bộ Xây dựng đã công bố Kết quả Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội. Vượt qua 12 tổ chức Tư vấn thiết kế hàng đầu trong nước và quốc tế, Liên danh Công ty Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) và CTCP Tư vấn đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC) đã vinh dự được Ban tổ chức xếp hạng A chung cuộc.

Phương án GG21 đoạt giải A của Liên danh Nikken Seikei Ltd và CDC.

Phương án GG21 đoạt giải A của Liên danh Nikken Seikei Ltd và CDC.

Theo quy hoạch cảnh quan, điểm nhấn kiến trúc của khu Tây Hồ Tây là cụm công trình kết nối với Hồ Tây tạo nên tổ hợp ấn tượng cho không gian đô thị. Các trụ sở có hình khối kiến trúc thống nhất, cao 12-25 tầng; Các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng về phía bắc và phía nam gắn với hai trục đường đô thị.

Tổng diện tích sàn xây dựng hơn 435.000 m2.

Khu Tây Hồ Tây dự kiến là nơi đặt trụ sở 12 bộ, ngành, trong đó có các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và một số cơ quan khác.

Vị trí mới của từng bộ ngành sẽ được cơ quan có thẩm quyền quyết định theo nhu cầu, khả năng đầu tư. Các bộ ngành có nhu cầu cấp thiết sẽ xây dựng trước trên một số lô đất.

Phương án ý tưởng Quy hoạch mang mã số GG21 được viết tắt của từ Green Galaxy 21 của Liên danh Nikken Seikei Ltd và CDC với ý nghĩa “Dải Ngân Hà Xanh Thăng Long cho khu Trụ sở 12 Bộ ngành Trung ương” là mong muốn truyền tải thông điệp về một Quy hoạch xanh, bền vững và có tính kết nối cộng đồng cao khi đề xuất tất cả các khu vực của dự án đều được kết nối hữu cơ, cho phép người lao động, du khách và cư dân địa phương tiếp cận miễn phí và dễ dàng đến thông qua các phương tiện như tàu điện ngầm, xe buýt, ô tô,…

Trục không gian mở đi giữa lô đất, kết nối từ đông sang tây được tổ chức gồm tuyến nước mềm mại, có lối đi bộ rộng mở hai bên với các công trình dịch vụ công cộng phục vụ cán bộ, khách đến làm việc và người dân trong khu vực. Buổi tối, các tuyến phố được tổ chức sinh động phục vụ chung cho cộng đồng.

Các trụ sở được thiết kế hiện đại và theo hướng mở với nhiều cây xanh. Đây sẽ là nơi làm việc của khoảng 14.000 cán bộ, công chức trong tương lai.

Các trụ sở được thiết kế hiện đại và theo hướng mở với nhiều cây xanh. Đây sẽ là nơi làm việc của khoảng 14.000 cán bộ, công chức trong tương lai.

Nhiều công trình kiến trúc sẽ tạo nên tổ hợp sinh động, có nhịp điệu, có khoảng trống cho cây xanh và có mối liên hệ với các công trình kiến trúc lân cận. Sự kết nối về hình khối, mặt đứng công trình, phong cách kiến trúc chung sẽ tạo nên tổ hợp hài hòa với mật độ xây dựng khoảng 40% trên lô đất và mật độ gộp khoảng 20%.

Nikken Sekkei (Nhật Bản) là một trong những tên tuổi quen thuộc trên thị trường tư vấn thiết kế tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, với tôn chỉ “thiết kế xanh, độc đáo, kỹ thuật cao và toàn diện”, Nikken Sekkei là đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch cho rất nhiều dự án, nổi bật như dự án quy hoạch chung thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050; Dự án TH Medical…

CTCP Tư vấn đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC) là đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu của Việt Nam thuộc tổ hợp Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VC group) với hơn 30 năm kinh nghiệm.

Các dự án trọng điểm mà CDC đã thực hiện như: Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Văn phòng Chính Phủ , Bộ Ngoại giao …. Tại Việt Nam, CDC cũng là đối tác chiến lược trong nhiều năm cùng Nikken Seikkei triển khai các dự án, tiêu biểu như: Bảo tàng lịch sử Quốc gia đến công trình trụ sở Cục Viễn thông, Tháp truyền hình quân đội , Bảo tàng lịch sử Quân đội…

Đọc tiếp