Hoạch định một tương lai xanh: Khu công nghiệp sinh thái 'làm tổ đón đại bàng'

Hoạch định một tương lai xanh: Khu công nghiệp sinh thái 'làm tổ đón đại bàng'

KCN Deep C
17:45 - 22/01/2023
Theo Tổng giám đốc Khu công nghiệp DEEP C Bruno Jaspaert, việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái là giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đồng thời thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư FDI lớn vào Việt Nam.

Nhân dịp đầu năm Quý Mão, Tổng giám đốc KCN DEEP C Bruno Jaspaert có cuộc trao đổi với Mekong ASEAN về định hướng phát triển KCN sinh thái và những kế hoạch trong năm 2023 của doanh nghiệp.

Mekong ASEAN: DEEP C đã hiện diện tại Việt Nam trong 25 năm, ông đánh giá thế nào về hành trình phát triển kinh tế cũng như tiềm năng thu hút vốn FDI của Việt Nam?

Ông Bruno Jaspaert: Nếu nhìn vào Việt Nam ngày nay và so sánh với 25 năm trước, khi chính sách Đổi mới mới chỉ được áp dụng trong một vài năm đầu, tôi tin rằng tình hình cả bên trong và ngoài Việt Nam về mặt chính trị và kinh tế đã thay đổi đáng kể.

Trước hết về tình hình thế giới, 25 năm trước là khoảng thời gian Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và từng bước trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tôi nghĩ một xu hướng ngược lại đang diễn ra, đó là không thể chỉ dựa vào một quốc gia duy nhất để sản xuất mọi thứ. Thế giới đang thảo luận rất nhiều về sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, về vấn đề môi trường, các rủi ro địa chính trị và về tính phát triển bền vững theo nhiều cách khác nhau.

So với trong quá khứ, Việt Nam ngày nay đã thực sự trở thành một địa điểm thu hút đầu tư hấp dẫn. Hiện Việt Nam có nhiều lợi thế như vị trí địa lý, môi trường đầu tư có sức hút, ổn định chính trị, đặc biệt là về mặt tăng trưởng kinh tế, nhưng việc các nhà đầu tư có thể tận dụng được điều đó hay không, một phần lại tùy thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tôi ví dụ, sự ra đời của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP là một bước đi đúng đắn.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ gặp phải 2 vấn đề lớn trong tương lai cần lời giải từ hôm nay, gồm lao động và năng lượng. Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hoá dân số. Dân số dưới độ tuổi lao động đang ít dần. Trong tương lai Việt Nam sẽ có ít lao động hơn và có thể nhiều người sẽ không đồng ý làm việc với mức lương thấp. Do vậy Việt Nam cần cân nhắc những nhà đầu tư đến chỉ vì chi phí lao động rẻ.

Vấn đề thứ 2 là năng lượng. Tôi có thể dự đoán trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ thiếu điện sản xuất khi có quá nhiều nhà đầu tư. Vì vậy Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ hôm nay.

Mekong ASEAN: Ông từng nhắc đến kế hoạch sử dụng năng lượng tái tạo trong KCN DEEP C đến năm 2030, ông có thể cho biết lộ trình cụ thể của kế hoạch này?

Ông Bruno Jaspaert: Trong buổi hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo. Đây cũng là một trong những lộ trình nhằm chuyển đổi sang KCN sinh thái.

Tôi xin chia sẻ một ví dụ, để chuẩn bị cho lộ trình này, ngày nay, khi khách hàng muốn thuê đất tại DEEP C, như một phần của thỏa thuận, tôi sẽ đặt vấn đề về quyền tiếp cận và sử dụng mái nhà xưởng của họ, từ đó chúng tôi có thể phát triển các dự án điện mặt trời lắp mái.

Bởi vì KCN của chúng tôi ở phía Bắc, nơi mà số ngày nắng trong các tháng không giống nhau, vì thế chúng tôi cần đa dạng hóa nguồn điện. Hiện công ty đang tiến hành thử nghiệm dự án điện gió trên bờ trong KCN DEEP C II. Nếu đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai cả các dự án điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Hiện DEEP C đang tìm kiếm cơ hội để tham gia vào các dự án điện gió ngoài khơi hoặc năng lượng sinh khối.

Mekong ASEAN: Ông có đề cập đến Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế như một sự ngợi khen đối với chính sách, cụ thể điều gì làm ông thấy hài lòng từ Nghị định này?

Ông Bruno Jaspaert: Đấy rõ ràng là một bước tiến đáng kể, Nghị định đã chỉ rõ một KCN mới cần làm gì để trở thành KCN sinh thái hơn, phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên, Nghị định mới chưa có nhiều các mục tiêu đo lường cụ thể, ví dụ như quy định rõ ít nhất phải có 25% năng lượng trong KCN phải được tái tạo, phải có nguồn năng lượng tái tạo hoặc ít nhất 50% lượng nước mưa phải được tái chế…

Ngoài ra, trong nghị định này còn sự thiếu kết nối trong việc thực hiện của các KCN và các ưu đãi mà họ nhận được. Do vậy cần phải quy định điều này như là nghĩa vụ của các nhà phát triển KCN.

Mekong ASEAN: Với vai trò là một KCN sinh thái được thí điểm theo mô hình của UNIDO, công ty đã và sẽ có đóng góp gì đối với việc xanh hoá nền kinh tế, thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 trong năm 2050 của Việt Nam?

Ông Bruno Jaspaert: Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trên bằng việc sử dụng năng lượng xanh trên toàn quốc, ví dụ như sử dụng xe ô tô điện, xe máy điện, hạn chế và tiến tới dừng việc sử dụng than để sản xuất điện và các phương pháp khác. Tuy nhiên, theo tôi, cách nhanh nhất vẫn là yêu cầu các KCN thực hiện cam kết giảm phát thải.

Chính phủ có một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy việc này, đó là cung cấp ưu đãi cho những KCN có thể thực hiện mục tiêu trên.

DEEP C cũng đang nỗ lực trong việc giảm phát thải ròng bằng cách áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong KCN và đây là mô hình kinh tế khó. Ngày nay 80% lượng rác thải tại Việt Nam đã được tái chế. Đây là một tỷ lệ rất cao. Tại quốc gia của tôi (Bỉ), chúng tôi phải mất đến 50 năm để thực hiện điều này.

Nền kinh tế tuần hoàn cần nhiều sự hiểu biết nghiên cứu từ các nhà đầu tư phát triển KCN, khách hàng 1 và khách hàng 2 không biết nhau, nhiệm vụ của chúng tôi là kết nối họ lại với nhau để thực hiện cộng sinh công nghiệp, cùng tái sử dụng được nhiều rác thải nhất có thể. Kinh tế tuần hoàn đối với từng công ty đơn lẻ và một nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên ở mức độ KCN, điều này dễ thực hiện hơn.

Mekong ASEAN: Nhận định tổng quan của ông về tương lai ngành bất động sản KCN Việt Nam và ông có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển trong năm 2023 của DEEP C?

Ông Bruno Jaspaert: Tương lai của bất động sản KCN ở Việt Nam rất nhiều triển vọng. Theo dự đoán của tôi trong 7 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng không ngừng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Tôi cũng tin rằng những các KCN sinh thái sẽ ngày càng mở rộng. Trong khi đó, các KCN với tầm nhìn 10 - 20 năm sẽ phải xây dựng lại từ đầu và hướng đến xây dựng KCN phải đi kèm với tiêu chí bền vững.

Về kế hoạch phát triển trong năm 2023 của DEEP C, chúng tôi có ý định tiếp tục mở rộng tại Việt Nam khi mà chúng tôi tìm được địa điểm và đối tác thích hợp cũng như cơ sở pháp lý thuận lợi. Chúng tôi không loại trừ việc vẫn có thể tiếp tục mở rộng thêm ở khu vực miền Bắc, miền Trung, hoặc là miền Nam. Chúng tôi đang phân tích 16 dự án khác nhau trên cả nước. Không phải tất cả các dự án đều khả thi nhưng chúng tôi đang tích cực tìm kiếm địa điểm thích hợp để xây dựng.

Mục tiêu của DEEP C trong năm 2023 là phát triển nhanh hơn, xanh hơn và khác biệt với tất cả những KCN khác tại Việt Nam.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp