Hợp tác phát triển du lịch Việt - Mỹ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

DU LỊCH Việt - Mỹ
15:57 - 18/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tại hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam - Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương.

Chiều 17/5 (theo giờ địa phương), tại San Francisco, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch Việt - Mỹ do Vietnam Airlines, Saigon Tourists và Thien Minh Group tổ chức, nhằm giới thiệu đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè Mỹ cũng như thúc đẩy giao thương giữa doanh nghiệp hai nước.

Với chủ đề “Khám phá lại Việt Nam” (Rediscovering Vietnam), hội nghị truyền tải thông điệp về sự phục hồi, mở cửa và phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sau hai năm đại dịch, triển vọng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai. Đây sự kiện ý nghĩa khi Việt Nam và Mỹ đang nỗ lực phục hồi sau COVID-19.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ. Ông cho biết, trong các thị trường du khách đến Việt Nam, Mỹ liên tục đứng trong top đầu về số lượt du khách. Trước đại dịch, năm 2019, lượng khách du lịch từ Mỹ đã đạt hơn 746.000 lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2014-2019 là 11%.

Hiện nay, nhờ kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đã tiến hành mở cửa trở lại du lịch, hàng không từ ngày 15/3/2022, và đoàn du khách đến Việt Nam đầu tiên sau khi chính thức mở cửa chính là du khách từ Mỹ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa hãng hàng không Vietjet Air và United Parcel Service Co. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa hãng hàng không Vietjet Air và United Parcel Service Co. Ảnh: VGP

Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục hợp tác với phía Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động hợp tác, trong đó có hoạt động du lịch trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, "chân thành, tin cậy, trách nhiệm với nhau".

Hội nghị còn đánh dấu cột mốc 20 năm thành lập văn phòng Vietnam Airlines tại San Francisco. Tại sự kiện, hãng bay này đã giới thiệu về đường bay thẳng Mỹ - Việt Nam được khai trương hồi cuối năm 2021, giúp nhanh chóng kết nối thương mại, du lịch hai nước.

Hiện nay, hãng hàng không quốc gia Việt Nam khai thác 4 chuyến bay mỗi tuần giữa San Francisco và TP HCM bằng máy bay thân rộng hiện đại Airbus A350 và Boeing 787. Vietnam Airlines dự kiến sẽ tăng tần suất bay thẳng Mỹ lên hằng ngày vào năm 2023, đồng thời đang nghiên cứu mở đường bay chuyên chở hàng hóa giữa TP HCM và Los Angeles.

Về phía Saigontourist Group, tập đoàn này khẳng định sẽ tận dụng tối đa thế mạnh về mạng lưới đối tác tại Mỹ và khu vực Bắc Mỹ, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam và TP HCM, đẩy mạnh hồi phục và tăng cường thu hút du khách từ các thị trường này.

Trong thời gian tới, Saigontourist Group sẽ tiếp tục đầu tư, nâng tầm dịch vụ các sản phẩm du lịch, đặc biệt các dòng sản phẩm được du khách Mỹ ưa chuộng như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (Premium Travel), du lịch biển và du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism).

Còn Thiên Minh Group cũng nhận định hiện là thời điểm thuận lợi nhất để thương mại, hàng không, du lịch Việt Nam tăng cường sự hiện diện ở Mỹ.

Đại diện UBND tỉnh Bắc Giang, Vietnam Airlines và Emission Resources trao biên bản ghi nhớ về hợp tác xuất khẩu vải thiều và nông sản. Ảnh: VGP

Đại diện UBND tỉnh Bắc Giang, Vietnam Airlines và Emission Resources trao biên bản ghi nhớ về hợp tác xuất khẩu vải thiều và nông sản. Ảnh: VGP

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này và nhấn mạnh hàng không, du lịch, giáo dục, giao lưu nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Trước đại dịch, có tới 30.000 sinh viên, học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ và ông cam kết sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy nhằm đưa con số này có thể tăng gấp đôi trong tương lai, đồng thời đưa ngày càng nhiều sinh viên, học sinh Mỹ sang học tập tại Việt Nam.

Ngoài ra, sự kiện cũng đã giới thiệu tới đông đảo đối tác, người tiêu dùng Mỹ về những nông sản nổi bật của Việt Nam. Trong đó, UBND tỉnh Bắc Giang, Vietnam Airlines và các đối tác Mỹ đã ký kết biên bản hợp tác về xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều và nông sản Bắc Giang.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo một số bộ, cơ quan của Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper, lãnh đạo thành phố San Francisco đã chứng kiến các tổ chức, doanh nghiệp hai nước trao biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực như hợp tác xuất khẩu vải và nông sản giữa UBND tỉnh Bắc Giang, Vietnam Airlines và Emission Resources (Mỹ).

Bên cạnh đó là biên bản hợp tác công nghệ giữa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Cisco (Mỹ); hợp tác giáo dục giữa Tập đoàn Giáo dục EMG Education và Đại học California Irvine và Học viện Năng khiếu và Tài năng Toàn cầu (Mỹ); hợp tác vận chuyển hàng hoá quốc tế thông qua mạng bay và hạ tầng giao nhận rộng khắp trong khu vực và toàn cầu giữa hãng hàng không Vietjet và United Parcel Service Co. (UPS).

Năm 2021, trong bối cảnh rất khó khăn do đại dịch, thương mại hai chiều Việt - Mỹ vẫn đạt 112 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại Mỹ - ASEAN. Bình quân tăng trưởng thương mại hai chiều Việt - Mỹ đạt khoảng 17-20% mỗi năm. Mỹ là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam là đối tác lớn thứ 9 của Mỹ. Thương mại hai nước đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Thủ tướng kỳ vọng quan hệ hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực kinh tế sẽ ngày càng phát triển. Thủ tướng nhắc tới một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như phát triển thị trường vốn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, du lịch, thương mại… đồng thời đề nghị các đối tác Mỹ nghiên cứu, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực này và hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách, nguồn vốn, nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng, công nghệ, quản trị…

Tin liên quan

Đọc tiếp