HSBC: Cần kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới

KINH TẾ Việt nAM
13:04 - 17/09/2022
Ông Tim Evans - CEO HSBC
Ông Tim Evans - CEO HSBC
0:00 / 0:00
0:00
Theo CEO của HSBC, Việt Nam xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đó là thương hiệu Việt Nam, là điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" ngày 17/9, ông Tim Evans - CEO HSBC tại Việt Nam cho rằng, thế giới đang sống trong giai đoạn khó khăn khi cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu vẫn tiếp tục với dữ liệu tháng 8 gần đây cho thấy giá hàng hoá chủ chốt bao gồm năng lượng tăng mạnh.

Được dẫn đầu bởi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thực hiện các biện pháp thắt chặt và điều này được cho là sẽ dẫn đến suy thoái từng phần và không đồng đều ở các khu vực khác nhau trên thế giới, ông Tim Evans nhấn mạnh.

CEO HSBC dự đoán, GDP của Anh cùng các nước sử dụng đồng Euro và kể cả Hoa Kỳ sẽ giảm. Ngoài ra, một sự chuyển dịch nhu cầu rõ ràng từ hàng hóa sang dịch vụ cùng với việc dự trữ hàng tồn kho cho thấy xuất khẩu từ châu Á sang phương Tây đang chậm lại.

Đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, trong nửa đầu năm 2022, nhu cầu đối với cả điện tử tiêu dùng và điện tử công nghiệp đều giảm. Cùng với đó, giá lương thực chiếm tới 25% trong CPI của nhiều nước châu Á và tính không ổn định đang tác động đến chi tiêu đầu tư. Tuy nhiên, ông Tim Evans cho rằng, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Ảnh tác giả

Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

Các khoản FDI mà Việt Nam nhận được là một minh chứng cho thấy thương hiệu của Việt Nam rất uy tín. Trong giai đoạn Covid-19, Việt Nam đã có thương hiệu là đất nước chống dịch tốt. Và bây giờ Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.

Ông Tim Evans, CEO HSBC

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và đưa nền kinh tế tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy các hoạt động sản xuất chuỗi cung ứng giá trị cao được triển khai tại Việt Nam để có thể đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất của của thế giới, CEO HSBC khuyến nghị cần cập nhật các khuôn khổ pháp lý về thuế.

Trong đó, tỷ trọng FDI trong GDP của Việt Nam thuộc hàng top của thế giới và Việt Nam cần phải duy trì lợi thế này.

Các khuyến nghị dành cho Việt Nam, ông Tim Evans cho rằng, cần thúc đẩy trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp FDI để làm rõ các quy định và chính sách liên quan đến dòng vốn, tài trợ, việc thành lập doanh nghiệp và các ưu đãi cụ thể theo ngành liên quan đến thu hút FDI.

Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI tiềm năng và các công ty FDI hiện tại hiểu rõ hơn về môi trường địa phương.

Và hơn hết, theo ông Tim Evans, cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới. Các nhà đầu tư trung bình cần 6-9 tháng để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong khi kỳ vọng của họ chỉ có 3 tháng. Các nhà đầu tư tại Việt Nam đang được hưởng lợi từ 15 hiệp định thương mại tự do FTA đã ký, cho phép tiếp cận 55 thị trường, trong đó có 15 thị trường thuộc khối G20. Việc tích cực quảng bá các FTA này do các Bộ, ngành liên quan thực hiện, sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng.\

"Là ngân hàng quốc tế hàng đầu với sự hiện diện tại 63 quốc gia, chúng tôi có Biên bản ghi nhớ với FIA để cùng hợp tác đưa Việt Nam tới các doanh nghiệp thông qua mạng lưới toàn cầu và qua đó làm nên câu chuyện về tăng trưởng kinh tế và FDI của Việt Nam", ông Tim Evans nói.

Khi Việt Nam tiếp tục thăng hạng giá trị, sự sẵn có của nguồn lao động lành nghề là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung vào phát triển nhiều lao động có kỹ năng hơn sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy và thu hút đầu tư giá trị cao vào các lĩnh vực có giá trị cao như bán dẫn, kỹ thuật ô tô, fintech, logistic…

Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để Việt Nam thu hút được FDI trong thời gian tới.

Thủ tướng: "Nếu bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, 8 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung có lạm phát cao và tăng trưởng thấp, thì Việt Nam đạt được những kết quả khá tích cực, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng có xu hướng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.

"Chúng ta có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, chúng ta đã chung tay, chung sức, đồng lòng để vượt qua. Chúng tôi hết sức trân trọng và xúc động vì điều đó", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, nếu làm việc với nhau mà "bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác. Nếu "bên thua, bên thắng" thì chúng ta phải ngồi lại, lắng nghe, trao đổi với nhau để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam "với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Tin liên quan

Đọc tiếp