Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Facebook/Szijjártó Péter |
RT đưa tin, phát biểu với đài truyền hình M1 trước khi tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng của OECD ngày 2/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết: “Ngày 30/4, các nước thành viên NATO đã nhận được đề xuất của Tổng thư ký về việc huy động 100 triệu Euro dự định cho cuộc chiến”.
Ông cho biết khoản tài trợ này sẽ được huy động trong vòng 5 năm, đồng nghĩa rằng NATO dự đoán cuộc xung đột có thể tiếp diễn trong giai đoạn này.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) tại Brussels, Bỉ, ngày 3/4. Ảnh: RT |
Ngoại trưởng Szijjarto nói rằng Budapest sẽ phản đối sáng kiến của NATO và không có kế hoạch tham gia trang bị vũ khí hoặc huấn luyện binh sĩ cho Kiev. Ông cũng lưu ý rằng kế hoạch dự thảo đã được trình bày cho các quốc gia thành viên NATO trong lần công bố đầu tiên và vẫn đang được đàm phán.
“Trong quá trình đàm phán vào những tuần tới, chúng tôi sẽ đấu tranh để Hungary có quyền tránh xa sự điên rồ này, về việc huy động 100 tỷ Euro và chuyển chúng ra khỏi châu Âu,” ông Szijjarto tuyên bố.
Giải thích cho động thái này, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết Budapest ưu tiên an ninh của người dân mình hơn bất kỳ điều gì khác và sẽ cố gắng hết sức để “đứng ngoài cuộc chiến”. Ông cũng nêu rõ rằng quan điểm của Hungary là cuộc xung đột chỉ có thể được giải quyết bằng đàm phán.
“Chúng ta không thể bỏ qua mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thế giới mới và sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân. Sự điên rồ này ở châu Âu phải được ngăn chặn,” ông Szijjarto nhấn mạnh.
NATO và Ukraine chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Hungary.
Theo RT, kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Hungary nằm trong số ít quốc gia thuộc NATO và Liên minh châu Âu (EU) từ chối viện trợ quân sự cho Kiev hay trừng phạt Moscow. Thay vào đó, Budapest chọn cách duy trì quan hệ với Nga.
Hungary đã nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt này đã không thể làm suy yếu Nga như mong đợi, ngược lại chúng có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu. Nước này tuyên bố sẽ không cho phép EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến ngành năng lượng hạt nhân của Nga.
Bên cạnh đó, Hungary đã công khai phản đối khả năng Ukraine gia nhập NATO, trong khi đây là một trong những mục tiêu quan trọng của lãnh đạo Kiev. Budapest cũng tuyên bố rằng Ukraine hiện không phù hợp để trở thành thành viên tiếp theo của EU vì nước này có thể mang tới xung đột cho khối.