Tình hình đổ nát tại Gaza nhìn từ phía nam Israel ngày 28/3/2024. Ảnh: AP |
Theo hãng tin Reuters, ICJ đã ban hành hai biện pháp tạm thời mới trong vụ kiện Israel do Nam Phi đưa ra với cáo buộc nước này tiến hành hành vi diệt chủng trong chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.
ICJ nhận định: "Người dân Palestine ở Gaza không còn phải đối mặt với nguy cơ nạn đói nữa, mà nạn đói đó đang diễn ra".
Tòa án trích dẫn một báo cáo từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 31 người, trong đó có 27 trẻ em, đã thiệt mạng vì suy dinh dưỡng và mất nước tại dải đất này.
ICJ yêu cầu Israel thực hiện các biện pháp một cách “không chậm trễ” nhằm đảm bảo sự “cung cấp không bị cản trở” các dịch vụ cơ bản và hỗ trợ nhân đạo cho Gaza bao gồm thực phẩm, nước, nhiên liệu và vật tư y tế.
ICJ cũng đồng thời yêu cầu Israel ngay lập tức đảm bảo rằng quân đội không thực hiện hành động có thể gây tổn hại đến quyền của người Palestine theo Công ước Diệt chủng, trong đó bao gồm cả việc ngăn chặn cung cấp viện trợ nhân đạo. Tòa án còn yêu cầu Israel báo cáo lại sau một tháng về việc thực hiện các lệnh này.
Trước đó ngày 26/1, ICJ phán quyết rằng Israel cần phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn việc diệt chủng, bao gồm việc hạn chế làm hại hoặc giết hại người dân Palestine. Đồng thời, tổ chức này cũng đưa ra phán quyết rằng Israel phải khẩn cấp nhận viện trợ cơ bản cho Gaza cũng như tiến hành trừng phạt bất kỳ hành vi kích động diệt chủng nào.
Tuy nhiên, tòa án cho biết các lệnh trước đó áp đặt lên Israel “không giải quyết đầy đủ những hậu quả phát sinh từ những thay đổi trong tình hình” ở Gaza nên các lệnh mới được ban hành bổ sung.
Tổng thống Nam Phi hoan nghênh quyết định “có ý nghĩa” của ICJ ngày 28/3 khi cho biết trong một tuyên bố: “Thực tế là những cái chết của người Palestine không chỉ do bị ném bom và tấn công trên mặt đất mà còn do bệnh tật và nạn đói, cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ quyền tồn tại của nhóm này”.
Hamas bày tỏ sự ủng hộ phán quyết, đồng thời cho biết các lệnh này phải được cộng đồng quốc tế thực thi ngay lập tức “để quyết định này không còn là một văn bản chết”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Palestine cảm ơn Nam Phi và nhận định vụ việc này là “một bước quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm buộc Israel phải chịu trách nhiệm về việc gây ra nạn diệt chủng”.
Về phía Israel, nước này cáo buộc Nam Phi thực hiện “những nỗ lực hoài nghi” nhằm lợi dụng ICJ làm suy yếu quyền tự vệ của Israel và giành được việc thả các con tin còn lại. Israel cho biết Hamas tiếp tục giữ khoảng 100 con tin và thi thể của 30 người khác bị giết vào ngày 7/10 hoặc thiệt mạng trong quá trình bị giam cầm.
Tuyên bố của chính phủ Israel được Reuters trích dẫn khẳng định: “Israel sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến mới và mở rộng các sáng kiến hiện có, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng viện trợ đến Dải Gaza ... bất chấp những thách thức hoạt động trên thực địa cũng như những nỗ lực của Hamas nhằm trưng dụng, tích trữ và đánh cắp viện trợ”.
Israel khẳng định không hạn chế số lượng viện trợ nhân đạo được phép vào Gaza, đồng thời cáo buộc Liên Hợp Quốc thất bại trong việc sắp xếp việc giao hàng viện trợ một cách hợp lý. Ngày 26/3 trước đó, quân đội Israel khẳng định đã kiểm tra 258 xe tải viện trợ nhưng chỉ có 116 xe được Liên Hợp Quốc phân phối tại Gaza.
Ngược lại, Liên Hợp Quốc và các nhóm viện trợ quốc tế cho biết việc giao hàng đã bị cản trở bởi các hạn chế của quân đội Israel, tình trạng thù địch đang diễn ra và tình trạng mất trật tự công cộng.