Từ giữa năm 2022, chính phủ Indonesia đã bắt đầu xây dựng thủ đô mới với cái tên Nusantara, sau khi Tổng thống Joko Widodo tuyên bố rằng Jakarta với tình trạng ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn và dễ xảy ra động đất sẽ không còn là thủ đô của Indonesia nữa.
Theo các kế hoạch ban đầu, thủ đô mới sẽ có diện tích gấp đôi thành phố New York và được đặt trọng tâm trở thành một thành phố xanh của tương lai. Điều này tương đương với việc thủ đô mới sẽ tập trung vào các công trình như rừng, công viên và các tòa nhà xanh. Đặc biệt, AP cho biết thủ đô mới cũng sẽ chú trọng sản xuất lương thực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cũng như quản lý chất thải “thông minh”.
Các bản vẽ kỹ thuật số do chính phủ Indonesia công bố cho thấy hình ảnh một thành phố được bao quanh bởi rừng, với những người đi bộ trên vỉa hè rợp bóng cây và các tòa nhà có mái nhà phủ đầy cây cối. Xung quanh đó là những con đường đi bộ, ao hồ, lạch và khu rừng tươi tốt.
Kiến trúc tòa nhà được lấy cảm hứng từ các tòa tháp đô thị hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống của Indonesia. Dinh tổng thống Indonesia sẽ có hình chim garuda — một loài chim thần thoại và là biểu tượng quốc gia của Indonesia trong khi các tòa nhà khác thể hiện phong cách kiến trúc truyền thống được sử dụng bởi các nhóm thổ dân xung quanh quần đảo.
Nhận định về thiết kế cũng như khả năng giải quyết thách thức của thủ đô mới, AP trích dẫn ông Bambang Susantono, Chủ tịch Cơ quan Thủ đô Quốc gia Nusantara, cho biết: “Chúng ta cần nghĩ xa hơn những gì đang diễn ra ngày nay và cố gắng giải quyết những vấn đề mang tính tương lai”.
Ông khẳng định: “Nusantara là thành phố của ngày mai. Nó sẽ trở thành một thành phố sôi động chứ không chỉ là một thành phố của chính phủ”.
Ở trạng thái hiện tại, Nusantara vẫn còn cách bước hoàn thiện như theo quy hoạch một khoảng rất dài. Tuy nhiên, dự án vẫn đang tiến triển theo tốc độ rất khả quan. Ông Basuki Hadimuljono, Bộ trưởng Bộ công trình công cộng và nhà ở của Indonesia, cho biết tính tới tháng 2/2023, cơ sở hạ tầng của thủ đô mới đã hoàn thành 14%.
Trong bối cảnh chính phủ gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các công trình quan trọng vào tháng 8/2024 - trùng với ngày Quốc khánh của quốc gia này, khoảng 7.000 công nhân xây dựng đang không ngừng nghỉ dọn dẹp, cày xới và tiến hành các giai đoạn kiến tạo đầu tiên của các tòa nhà. Ký túc xá công nhân, đường cơ bản và sân bay trực thăng đã được sử dụng.
Ngoài ra, các địa điểm xây dựng mà hãng tin AP đến thăm hồi đầu tháng 3 còn cho thấy những gò đất mới được xới với các máy xúc và cần cẩu hoạt động xung quanh. Một số địa điểm thậm chí còn có mã QR để khách truy cập có thể quét và xem hình ảnh 3D về khu vực lúc hoàn chỉnh trong khi một số khu vực khác có hình ảnh công trình khi đã hoàn thành.
Các địa điểm xây dựng có đi kèm hình ảnh công trình khi hoàn thiện. Ảnh: AP |
Các lo ngại về môi trường
Chính phủ Indonesia cam kết xây dựng thủ đô Nusantara trong khi vẫn dành ra sự quan tâm tới môi trường xung quanh. Các bằng chứng cho thấy rõ nhất cam kết này chính là việc xây dựng một cách có ý thức hơn khi các mảng cây rừng được rào lại để bảo vệ chúng khỏi máy móc xây dựng hạng nặng. Ngoài ra, một vườn ươm xây cũng đang bắt đầu quy trình trồng cây trở lại và thiết lập các khu rừng công nghiệp bao quanh khu vực.
Tuy nhiên trong bối cảnh tiến độ xây dựng được đẩy mạnh trong năm 2023, nhiều chuyên gia môi trường vẫn bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của nó. Đầu tiên chính là lo ngại việc xây dựng Nusantara sẽ đẩy nhanh nạn phá rừng ở một trong những khu rừng mưa nhiệt đới trải dài nhất và lớn nhất thế giới.
Ông Dwi Sawung, một chuyên gia cơ sở hạ tầng tại Diễn đàn Indonesia về Môi trường Sống - một tổ chức phi chính phủ về môi trường đang giám sát dự án này - cho biết các kế hoạch của chính phủ thiếu cân nhắc đến các loài động vật hoang dã độc đáo của khu vực như đười ươi và gấu chó.
Ông cho biết Nusantara cắt qua một “hành lang động vật hoang dã quan trọng” và các loài động vật trong đây nên được di dời trước khi việc xây dựng tiến hành. Tuy nhiên vì gấp rút, việc xây dựng vẫn được tiến hành trước.
Một vấn đề khác mà các chuyên gia lo ngại chính là về vấn đề nguồn cung năng lượng của thủ đô mới. Trong khi chính phủ cam kết thành phố sẽ dựa vào hệ thống “năng lượng thông minh”, nhiều chuyên gia và các nhà hoạt động môi trường lo ngại rằng một số nhà máy nhiệt điện than trong khu vực có thể được sử dụng trong thời gian ngắn trước khi thủ đô đạt mục đích cuối về năng lượng.
Trong khi đó, dù phương tiện giao thông công cộng thân thiện với người sử dụng có thể ngăn ô tô khỏi các con đường của thủ đô mới, có khả năng vẫn sẽ có nhiều chuyến du lịch bằng máy bay giữa Nusantara và Jakarta, cách đó khoảng 1.300 km.
Ở một diễn biến khác, vấn đề đền bù cho người bản địa cũng đang là một thách thức. Tuy các quan chức Indonesia đã cam kết tôn trọng và bồi thường, nhiều người không muốn di dời nơi ở, không muốn di tích lịch sử của mình thay đổi cũng như không muốn di chuyển phần mộ tổ tiên.
Đối với những người phải đổi nơi sinh sống, chính phủ cam kết sẽ xác minh tất cả các khiếu nại về đất đai và chấp nhận các tài liệu chứng minh quyền sở hữu. Nhưng trên thực tế, phần lớn diện tích đất đai được truyền lại cho các gia đình mà không có giấy tờ và không phải tất cả các khu vực bộ lạc đều được công nhận một cách chính thức.
Công trường xây dựng thủ đô mới nhìn từ một ngọn đồi ở Penajam Paser Utara, Đông Kalimantan, Indonesia. Ảnh: AP |