Trụ sở của Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên Hợp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) tại Jerusalem. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, các quan chức Israel đưa ra lý do cho quyết định trên tới từ sự tham gia của một số ít nhân viên UNRWA vào vụ tấn công ngày 7/10/2023 vào miền Nam Israel, cũng như việc một số nhân viên của tổ chức này là thành viên của Hamas và các nhóm vũ trang khác.
Nhận định về động thái này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cùng ngày tuyên bố: "Những nhân viên của UNRWA tham gia vào các hoạt động chống lại Israel phải chịu trách nhiệm".
Phản ứng lại các lo ngại liên quan tới tình hình nhân đạo tại Gaza sau lệnh cấm UNRWA tại Israel, ông Netanyahu tuyên bố: “Do việc tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng rất cần thiết, viện trợ nhân đạo liên tục cần phải luôn hiện diện ở Gaza hiện tại và trong tương lai".
"Trong 90 ngày trước khi lệnh cấm có hiệu lực và cả sau đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza theo cách không đe dọa đến an ninh của Israel,” ông Netanyahu khẳng định.
Quốc hội Israel cũng đồng thời thông qua một phụ lục cho luật mới, trong đó nêu rõ rằng chính quyền Israel không được phép liên lạc với UNRWA nữa, nhưng có thể có những ngoại lệ trong tương lai.
Động thái trên vấp phải sự phản đối gay gắt của UNRWA. Reuters dẫn lời người đứng đầu UNRWA, ông Philippe Lazzarini, cho biết cuộc bỏ phiếu này đi ngược lại hiến chương Liên Hợp Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế. "Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch đang diễn ra nhằm làm mất uy tín của UNRWA và làm mất tính hợp pháp của vai trò của tổ chức này trong việc cung cấp hỗ trợ phát triển con người và các dịch vụ cho Người tị nạn Palestine," ông Philippe Lazzarini viết trên nền tảng mạng xã hội X ngày 28/10.
Việc Israel thông qua lệnh cấm UNRWA diễn ra trong bối cảnh quân đội nước này tiếp tục tăng cường tấn công miền bắc Gaza, nơi có khoảng 100.000 người Palestine đang bị mắc kẹt ở Jabalia, Beit Lahiya và Beit Hanoun mà không có nguồn cung cấp thuốc men hoặc thực phẩm, theo thống kê của Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Dân sự Palestine.
Riêng trong ngày 28/10, quân đội Israel cho biết đã bắt giữ khoảng 100 nghi phạm là các chiến binh Hamas trong một cuộc đột kích vào một bệnh viện ở trại tị nạn Jabalia. Trong khi đó, Bộ y tế Dải Gaza cho biết ít nhất 19 người đã thiệt mạng do các cuộc không kích và ném bom của Israel cùng ngày.
Ở một diễn biến khác, các cuộc đàm phán về Gaza do các quốc gia trung gian Mỹ, Ai Cập và Qatar đã được nối lại ngày 27/10 sau nhiều nỗ lực bất thành. Tổng thống Ai Cập đã đề xuất lệnh ngừng bắn kéo dài 2 ngày để trao đổi 4 con tin người Israel do Hamas bắt giữ với tù nhân người Palestine, sau đó là các cuộc đàm phán trong vòng 10 ngày về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.