'Khám sức khỏe' nhà soạn nhạc Beethoven bằng ADN

Khoa học Đức
15:14 - 23/03/2023
Một bức tượng của nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven ở trung tâm thành phố Bonn nơi ông sinh ra ở Đức. Ảnh: Reuters
Một bức tượng của nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven ở trung tâm thành phố Bonn nơi ông sinh ra ở Đức. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Gần 200 năm sau cái chết của nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven, manh mối ADN từ các sợi tóc của ông đang giúp các nhà nghiên tìm hiểu được rõ hơn về các vấn đề sức khỏe mà ông đã phải chịu đựng trong quá khứ.

Ngày 26/3 tới đánh dấu kỷ niệm 196 năm ngày mất của Beethoven tại Vienna. Trong quá khứ, nhà soạn nhạc này đã gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và đã qua đời ở tuổi 56. Bản thân ông cũng muốn các bác sĩ nghiên cứu các vấn đề sức khỏe của mình sau khi qua đời.

Kể từ khi ông qua đời, các nhà khoa học vẫn luôn cố gắng ghép lại lịch sử y tế của Beethoven để đưa ra nhiều cách giải thích khả dĩ cho các căn bệnh của ông. Tuy nhiên, những gì đằng sau các chứng bệnh như mất thính lực hay đau đau dạ dày nặng của ông vẫn luôn là một bí ẩn.

Giờ đây, với những tiến bộ trong công nghệ nghiên cứu ADN, các nhà nghiên cứu đã có thể tìm ra manh mối di truyền từ những lọn tóc của Beethoven. Theo nghiên cứu được công bố ngày 22/3 trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học tập trung nỗ lực vào 5 lọn tóc "gần như chắc chắn" là của Beethoven.

Theo AP trích dẫn tác giả của nghiên cứu Tristan James Alexander Begg, một nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Cambridge, các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm bằng cách làm sạch từng sợi tóc của Beethoven, hòa tan tóc vào dung dịch và trích xuất các đoạn ADN từ đó.

Dù vậy, một tác giả khác là Johannes Krause, nhà cổ sinh vật học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck của Đức, cho biết việc trích xuất gen là một thách thức do ADN trong tóc bị cắt thành từng mảnh nhỏ. Tuy nhiên, sau khi sử dụng các mẫu vật tóc, các nhà khoa học đã có thể ghép được một bộ gen hoàn chỉnh lại với nhau, từ đó tìm kiếm được các dấu hiệu của bệnh di truyền.

Bộ gen của Beethoven cho thấy nhà soạn nhạc người Đức có khả năng mắc bệnh di truyền về gan và nhiễm virus viêm gan B. Khám nghiệm tử thi sau khi ông qua đời năm 1827 ở tuổi 56 tại Vienna xác định rằng ông bị xơ gan, một căn bệnh thường do nghiện rượu mãn tính gây ra. Những phát hiện mới còn cho thấy có nhiều yếu tố đằng sau căn bệnh gan của ông bao gồm di truyền, nhiễm virus và uống rượu.

Mẫu vật tóc của Beethoven trong phòng thí nghiệm tại Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck ở Đức. Ảnh: Anthi Tiliakou/AP

Mẫu vật tóc của Beethoven trong phòng thí nghiệm tại Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck ở Đức. Ảnh: Anthi Tiliakou/AP

Mặc dù các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu di truyền rõ ràng nào về nguyên nhân gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa của nhà soạn nhạc này, họ phát hiện ra rằng bệnh celiac (không dung nạp gluten) và không dung nạp lactose không phải là nguyên nhân. Trong tương lai, bộ gen này vẫn có thể cung cấp nhiều manh mối hơn về cách gen ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng dẫn tới một khám phá đáng ngạc nhiên về gia đình Beethoven. Cụ thể khi các nhà khoa học kiểm tra ADN các thành viên còn sống của gia đình Beethoven, họ đã tìm thấy sự khác biệt trong các nhiễm sắc thể Y được truyền lại từ phía người cha. Nhiễm sắc thể Y của 5 người đàn ông trong gia đình khớp với nhau nhưng lại không không khớp với nhiễm sắc thể của nhà soạn nhạc.

Điều này cho thấy đã có một “sự kiện quan hệ cha con phụ” ở đâu đó trong các thế hệ trước khi Beethoven ra đời theo nhà nhân chủng sinh học Tristan James Alexander Begg. Nói cách khác, đã có một đứa trẻ được sinh ra từ mối quan hệ ngoài hôn nhân trong gia phả của nhà soạn nhạc này.

Ở một diễn biến khác, nguyên nhân gây ra tình trạng mất thính giác của Beethoven vẫn chưa được giải đáp. AP trích dẫn tiến sĩ Avraham Z. Cooper của Đại học bang Ohio, người không tham gia nghiên cứu, cho biết việc tìm ra câu trả lời cho nghi vấn này có khả năng sẽ rất khó do di truyền học chỉ có thể cho chúng ta thấy một nửa của phương trình tạo nên sức khỏe của con người.

Đọc tiếp