Kinh nghiệm sử dụng ethanol trong giao thông vận tải bền vững

giao thông ETHANOL
09:09 - 09/04/2024
Ảnh minh họa xăng sinh học
Ảnh minh họa xăng sinh học
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia từ Brazil và Việt Nam sẽ thảo luận các vấn đề về chính sách công, sử dụng ethanol và ngành công nghiệp ô tô, các giải pháp công nghệ giảm phát thải carbon.

Hội thảo “Giao thông bền vững: Tọa đàm Ethanol” sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10/4, nhằm thảo luận về những cơ hội sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải bền vững.

Sự kiện do Hiệp hội Công nghiệp Mía đường và Năng lượng sinh học Brazil (UNICA), Hiệp hội Ethanol Brazil (APLA) và Bộ Ngoại giao Brazil phối hợp cùng Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Brazil (ApexBrasil) tổ chức với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Brazil tại Hà Nội và các đối tác địa phương. Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira sẽ tham dự hội thảo, nhân chuyến công tác ngoại giao tại châu Á.

Tại đây, các chuyên gia từ Brazil và Việt Nam sẽ thảo luận 3 chuyên đề: chính sách công, sử dụng ethanol và ngành công nghiệp ô tô, các giải pháp công nghệ giảm phát thải carbon.

Chủ tịch UNICA, ông Evandro Gussi cho biết, "Ethanol Talks là cơ hội để đối thoại và hợp tác nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở các quốc gia có thế mạnh về năng lượng sinh học nông nghiệp, chẳng hạn như các quốc gia thuộc Nam bán cầu",

"Ước tính hơn ba tỷ người dân sinh sống ở khu vực địa lý này có thể hưởng lợi từ việc áp dụng nhiên liệu sinh học", ông Evandro Gussi cho biết.

Sử dụng nhiên liệu sinh học là một phần trong chiến lược giảm khí thải nhà kính

Tại Brazil, việc sử dụng ethanol đã giảm thiểu được khoảng 660 triệu tấn CO2 phát thải trong 20 năm. Các ô tô ở Brazil sử dụng công nghệ nhiên liệu linh hoạt (flex-fuel) được phát triển để động cơ đốt trong có thể chạy bằng xăng hoặc 100% ethanol, hoặc cả hai theo bất kỳ tỷ lệ nào. Hiện tại, tất cả xăng bán ở Brazil đều được pha trộn 27% ethanol.

Ở Việt Nam, việc sử dụng nhiên liệu sinh học là một phần trong chiến lược giảm khí thải nhà kính, phù hợp với các cam kết của quốc gia theo Thỏa thuận Paris. Mục tiêu của Việt Nam là giảm từ 15,8% đến 43,5% tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu vào năm 2030.

Tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học đã được quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012. Mặc dù luật pháp cho phép phân phối các tỷ lệ pha trộn khác nhau trên thị trường Việt Nam, nhưng hiện tại chỉ có hai sản phẩm được bày bán tại các cây xăng địa phương, đó là xăng không pha trộn và xăng E5 với 5% ethanol.

Ông Flávio Castellari, Giám đốc điều hành của APLA, cho biết: "Dựa trên kinh nghiệm của Brazil, chúng tôi có thể góp phần thúc đẩy chương trình nghị sự ethanol ở Việt Nam, chia sẻ các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp để sản xuất nhiên liệu sinh học, giống như mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với các quốc gia khác ở châu Á."

Ông Castellari cũng chỉ ra rằng, giống như các nơi khác trên thế giới, các nước châu Á gặp nhiều thách thức khi tăng tỷ lệ ethanol pha trộn trong xăng, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, chi phí, tính sẵn có của sản phẩm và các vấn đề về quy định.

Tin liên quan

Đọc tiếp