Kỳ vọng về một 'định vị mới' quan hệ Việt - Trung

Việt nAM TRUNG QUỐC
11:14 - 10/12/2023
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: BNG
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: BNG
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, cả Việt Nam và Trung Quốc đều kỳ vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mang đến một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12/12 - 13/12.

Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm sự kiện này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra đúng một năm sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện. "Trong một bối cảnh như vậy và với tầm quan trọng của chuyến thăm, chắc chắn đây sẽ là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhận định.

Ông cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đều kỳ vọng vào chuyến thăm lần này sẽ mang đến “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên cũng kỳ vọng về những kết quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, xác định những phương hướng, trọng tâm lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.

"Sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới", Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đánh giá Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng, đều coi trọng quan hệ với nhau, đều xác định quan hệ song phương giữa hai bên là phương hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của mỗi nước.

Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Quan hệ chính trị phát triển mạnh mẽ, trao đổi cấp cao và các cấp được tăng cường. Lãnh đạo hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết. Trong đó, có nhiều chuyến thăm cấp cao đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022.

Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu. Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.

Kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Qua 15 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, với gần 60 tỉnh/thành của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.

Hai bên đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới hai bên.

Hai bên cũng nỗ lực duy trì đàm phán, tăng cường hợp tác, nhằm cùng các bên liên quan kiểm soát bất đồng, quản lý khác biệt phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp