Lạm phát leo thang, vàng thành kênh trú ẩn của nhà đầu tư Việt Nam

VÀNG Việt nAM
10:57 - 29/07/2022
Lạm phát leo thang, vàng thành kênh trú ẩn của nhà đầu tư Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu vàng toàn cầu trong quý II/2022 giảm 8%

Theo báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) trong quý II/2022 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 948 tấn. Tuy nhiên, nhờ dòng vốn ETF mạnh mẽ trong quý I/2022, nhu cầu vàng trong nửa đầu năm 2022 vẫn tăng 12% so với nửa đầu năm 2021, ở mức 2.189 tấn.

Nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng duy trì tình trạng ổn định so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 245 tấn trong quý II/2022. Đồng thời, nhu cầu tăng mạnh đáng chú ý tại Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp cân bằng tình hình nhu cầu vàng thấp tại Trung Quốc do phần nào bị ảnh hưởng bởi việc tiếp tục phong tỏa để phòng dịch Covid-19.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng trong quý II/2022, tăng dự trữ chính thức toàn cầu lên 180 tấn. Mua ròng đạt 270 tấn trong nửa đầu năm, phù hợp với kết quả khảo sát ngân hàng trung ương gần đây của WGC, trong đó 25% số người được hỏi cho biết họ dự định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tiếp theo, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sản lượng khai thác trong nửa đầu năm đạt mức cao kỷ lục trong chuỗi dữ liệu báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng , đạt 1.764 tấn, tăng 3% trong nửa đầu năm 2021.

Sở dĩ, sản lượng tăng cao nhờ một số dự án khai thác các mỏ chất lượng cao hơn, đồng thời ngành khai thác mỏ của Trung Quốc quay trở lại mức sản lượng bình thường sau khi tạm ngừng hoạt động an toàn vào năm ngoái.

Ông Louise Street, nhà phân tích cấp cao EMEA tại WGC đưa ra nhận xét, trong nửa đầu năm 2022, các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát tràn lan và bất ổn địa chính trị đã thúc đẩy thị trường vàng toàn cầu, nhưng đồng thời thị trường này cũng phải đối mặt với những trở ngại do lãi suất dâng cao cùng đồng đô la Mỹ tăng vọt gần như chưa từng có.

"Tuy nhiên, dù giá đã giảm nhẹ từ mức đặc biệt cao trong quý I/2022, vàng vẫn là một trong những tài sản tăng trưởng tốt nhất trong năm nay cho đến hiện tại.", đại diện WGC khẳng định.

Cũng theo ông Louise Street, trong tương lai, thị trường vàng sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức trong nửa cuối năm 2022. Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn có lẽ sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng, nhưng việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa và sự lớn mạnh liên tục được gia tăng của đồng USD có thể gây ra nhiều khó khăn.

Một phần, do nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục siết chặt chi tiêu, nhu cầu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm xuống dù vẫn có những lĩnh vực đầu tư an toàn, đại diện WGC cho hay.

Trên thị trường thế giới, giá vàng bất ngờ đảo chiều tăng trong phiên 28/7 lên mức 1.754,4 USD/ounce, tăng khoảng 30 USD/ounce so với đầu phiên hôm qua, ngay sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm 0,75% lãi suất cơ bản USD. Điều đáng nói là giá vàng thế giới bật tăng mạnh nhờ USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm, đi ngược với xu hướng trước đây thường vàng suy yếu sau khi Fed nâng thêm lãi suất.

Nhu cầu tiêu dùng vàng của Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo WGC, trái ngược với diễn biến thị trường thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý II/2021 lên 9,6 tấn trong cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn trong quý II/2021 lên 4,5 tấn trong quý II/2022.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại WGC cho biết, do lo ngại về tình trạng lạm phát, các nhà đầu tư Việt Nam đã tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro.

"Điều này được phản ánh qua mức phí bảo hiểm cao kỷ lục đối với đầu tư vàng miếng trong nước. Nhu cầu trang sức vàng cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái cũng là nhờ giá vàng trong nước sụt giảm và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu, cùng với gói kích cầu trị giá 15 tỷ USD do Chính phủ Việt Nam đề ra", Andrew Naylor nói.

Thực tế, kết quả kinh doanh quý II/2022 của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng 56%. Riêng vàng miếng mang về cho PNJ hơn 5.100 tỷ đồng, tăng hơn 65% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất kể từ năm 2017. Công ty cũng nhìn nhận nhu cầu của khách hàng về kim loại quý này tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát cao.

Tương tự, dự báo thị trường thời gian tới, Chứng khoán MB (MBS) nhận định nhu cầu vàng miếng và vàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư bán lẻ đều tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát gia tăng và bất ổn kinh tế đang diễn ra.

Đọc tiếp