Lãnh đạo Gelex: Tỷ lệ nợ vay của công ty nằm ở ngưỡng an toàn

Gelex Viglacera
14:30 - 12/05/2022
Gelex tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 qua hình thức trực tuyến.
Gelex tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 qua hình thức trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
Dư nợ vay tài chính của Gelex tăng hơn 10.000 tỷ đồng trong năm 2021, điều này khiến cổ đông không khỏi lo ngại. Tuy nhiên ban lãnh đạo khẳng định, các chỉ tiêu nợ đều đang ở ngưỡng an toàn.

Sáng 12/5, CTCP Tập đoàn Gelex (Gelex, mã chứng khoán GEX) tổ chức đại hội đồng cổ đông 2022, thông qua các tờ trình về kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận, điều chỉnh mục đích sử dụng vốn… Theo lãnh đạo Gelex, năm 2021, tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất đạt 28.578 tỷ đồng, tăng trưởng 59,2% so với 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.057 tỷ đồng, tăng trưởng gần 72%.

Sau tái cấu trúc, tập đoàn tiếp tục sở hữu và chi phối 2 Sub-holdings. Một là CTCP Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) phụ trách lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hiện quản lý vốn tại các đơn vị thành viên về 2 mảng công nghiệp thiết bị điện và nguồn phát điện. Hai là CTCP Hạ tầng Gelex (Hạ tầng Gelex) hiện trực tiếp quản lý vốn tại các thành viên hoạt động về bất động sản, công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng nước…

Qúy 2/2021, Hạ tầng Gelex đã hoàn thành sở hữu chi phối Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã chứng khoán VGC); qua đó nâng tỷ trọng đóng góp lĩnh vực hạ tầng vào kết quả sản xuất kinh doanh chung của tập đoàn.

Đẩy mạnh M&A nên ngoài Viglacera, trong năm 2021, Gelex còn tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà từ 60,46% lên 62,46%; tăng sở hữu tại CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) từ 95,82% lên 96,35%. Viglacera cũng hoàn thành thủ tục mua lại Nhà máy Bạch Mã để cải tạo và đầu tư phát triển sản phẩm tấm lớn, nâng tỷ lệ sở hữu vốn và chi phối tại Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG).

Dự kiến niêm yết GEE lên sàn HoSE vào quý 4/2022

Năm 2022, Gelex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.618 tỷ đồng. Trong danh mục đầu tư tiếp tục là các dự án cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800 MW), Điện gió Gia Lai (100 MW), Điện gió Đak-lak (200 MW), Điện mặt trời trang trại Bình Phước 1,2 (480 MW), LNG Long Sơn…; triển khai đầu tư các hạng mục còn lại giai đoạn 2 nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, mục tiêu hoàn thành, đưa vào nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục từ quý 4/2024.

Các Sub-holdings cũng được định hướng đại chúng hóa để hoạt động của tập đoàn được minh bạch và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Trong đó Gelex Electric (mã GEE) hoàn tất đăng ký công ty đại chúng vào tháng 12/2021, đăng ký giao dịch trên UPCoM và có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 8/3/2022. Còn Hạ tầng Gelex dự kiến đại chúng hóa và tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM trong năm 2022 trên cơ sở tập đoàn vẫn nắm tỷ lệ chi phối.

Gelex Electric có kế hoạch doanh thu thuần và lãi trước thuế năm 2022 là 19.110 tỷ đồng và 2.638 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 16%. Theo kế hoạch, công ty con này sẽ được tăng vốn thêm 10% thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng và niêm yết lên sàn HoSE trong năm nay, dự kiến trong quý 4/2022.

Ngoài mục tiêu kinh doanh như trên, HĐQT Gelex còn trình cổ đông thông qua việc thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2021. Cụ thể, trong đợt phát hành này, Gelex thu về 3.525 tỷ đồng, đã sử dụng 2.284 tỷ đồng vào các mục đích đã được công bố như thực hiện các dự án điện gió, triển khai dự án tổ hợp khách sạn – dịch vụ thương mại – văn phòng cho thuê tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), bổ sung nguồn vốn kinh doanh… Số tiền còn lại, HĐQT điều chỉnh mục đích sử dụng tập trung sang dự án tổ hợp khách sạn – dịch vụ thương mại – văn phòng cho thuê tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Về phân phối lợi nhuận, trong năm 2021, Gelex dự chi 426 tỷ đồng để chi trả cổ tức với tỷ lệ 5% (tương ứng một cổ phiếu được nhận 500 đồng). Sang năm 2022, tỷ lệ cổ tức tối đa dự kiến là 15%. HĐQT sẽ xem xét thực hiện tạm ứng tùy vào tình hình tài chính của Công ty.

Tăng nợ vay và phát hành trái phiếu có kiểm soát

Tại phần thảo luận, cổ đông GEX đặt nhiều câu hỏi cho ban lãnh đạo về vấn đề nợ, phát hành trái phiếu, giá cổ phiếu...

Liên quan đến vấn đề nợ, tại thời điểm 31/12/2021, dư nợ tài chính của tập đoàn là 22.122 tỷ đồng, tăng 10.042 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020. Gelex cho biết, tổng dư nợ tăng mạnh chủ yếu do hợp nhất báo cáo tài chính Viglacera; ghi nhận dư nợ vay của cụm điện gió Quảng Trị; đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị trong sản xuất và bổ sung vốn lưu động.

Sau khi chuyển đổi sang mô hình holdings, tập đoàn đã thực hiện vai trò huy động và phân bổ, tài trợ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Trong bối cảnh lãi suất huy động trên thị trường trong năm 2021 có xu hướng giảm, Gelex và các đơn vị thành viên đã tăng nợ vay và phát hành trái phiếu có kiểm soát nhằm tăng quy mô vốn. Theo báo cáo thì trong năm 2021, Gelex phát hành thành công 2 đợt trái phiếu vào tháng 5 và tháng 12 với tổng số tiền huy động được là 1.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo lãnh đạo tập đoàn, đa số các khoản vay có lãi suất tốt. Đáng chú ý là trong năm qua, hệ thống Gelex đã huy động thành công 70 triệu USD cho các dự án điện gió từ nguồn vốn tín dụng xuất khẩu với lãi suất ưu đãi.

Lãnh đạo Gelex khẳng định các chỉ số nợ của tập đoàn đều ở mức an toàn. Như hệ số tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn chỉ có 1,3. Đối mô hình holdings thì đây là tỷ lệ khá tốt.

Thực tế, theo báo cáo tài chính năm 2021, các chỉ tiêu tài chính của Gelex đã có sự cải thiện so với năm 2020 vì dư nợ tăng nhưng tổng tài sản cũng tăng mạnh. Cụ thể, hệ số nợ/tổng tài sản giảm từ 0,7 xuống 0,67; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu giảm từ 2,31 xuống 1,99; hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm từ 1,47 xuống 1,08; hệ số lợi nhuận/doanh thu thuần tăng từ 0,05 lên 0,06.

Liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu và mua lại cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng giám đốc cho biết, các đợt phát hành của Gelex cho các tổ chức định chế tài chính lớn trong và ngoài nước đều tuân thủ đầy đủ quy định. Tập đoàn cũng tham gia đấu giá, chào mua công khai cổ phần Nhà nước theo đúng quy trình, với mục tiêu phát triển các thương hiệu nổi tiếng hàng đầu Việt Nam.

Còn về lo ngại của cổ đông khi giá cổ phiếu giảm 50% từ đầu năm đến nay, ông Tuấn cho biết hiện tại, Gelex có tới 56.000 cổ đông. HĐQT sẽ cố gắng theo đuổi kế hoạch đề ra để gia tăng doanh thu và lợi nhuận, qua đó làm tăng giá trị của cổ phiếu. Ngoài ra, tập đoàn cũng rất quan tâm đến các tin tức có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, kịp thời đính chính, đưa ra thông tin chính thống. "Bản thân tôi là Tổng Giám đốc đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu và đã thực hiện mua với mục đích đầu tư lâu dài", ông Tuấn cho hay.

Tin liên quan

Đọc tiếp