Nhằm tưởng nhớ, tri ân vị vua đầu tiên và cũng là duy nhất của vùng đất Hưng Yên đã góp phần đem lại một thời kỳ tự chủ của dân tộc, ngày 8/9 (tức 13/8 âm lịch), xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu đã trang trọng tổ chức Lễ hội Triệu Việt Vương năm 2022. |
Đoàn nghi lễ, đoàn rước di chuyển từ khu vực bãi lau sậy năm xưa về đến đền Hóa Dạ Trạch, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Triệu Việt Vương. |
Nhắc lại bối cảnh lịch sử tại lễ hội, Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch Nguyễn Như Đăng dẫn các thông tin tư liệu cho biết, đức vua Triệu Việt Vương tên huý là Triệu Quang Phục sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm hào trưởng, cha là thái phó Triệu Túc, người huyện Chu Diên (huyện Khoái Châu ngày nay).
Đội múa rồng, lân mừng lễ hội. |
Theo tư liệu lịch sử, năm 541, Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi ách đô hộ phương Bắc. Hai cha con tù trưởng đất Chu Diên là Triệu Túc và Triệu Quang Phục là những người đầu tiên hưởng ứng nghĩa quân. Năm 544, cuộc khởi nghĩa dành thắng lợi, Lý Bí xưng là Lý Nam Đế lập ra nhà nước Vạn Xuân, Triệu Túc được trao chức Thái Phó, còn Triệu Quang Phục được trao chức Tả tướng quân, đều là những vị trí quan trọng bậc nhất trong nhà nước non trẻ này.
Năm 545, quân xâm lược phương Bắc trở lại mở các cuộc tấn công ác liệt, vua Lý Nam Đế phải lui về động Khuất Lão, trao lại quyền điều hành lực lượng cho tả tướng quân Triệu Quang Phục.
Đoàn rước kiệu di chuyển qua đền Hóa Dạ Trạch, căn cứ kháng chiến năm xưa của Triệu Việt Vương. |
Tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa, Triệu Quang Phục đã chuyển hướng chiến lược, đưa quân lui về lập căn cứ kháng chiến mới ở Đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay). Từ đây Triệu Quang Phục mở rộng cuộc chiến tranh du kích, từng bước làm tiêu hao lực lượng của địch.
Giữa lúc cuộc chiến chống quân Lương diễn ra cam go nhất, năm 548 vua Lý Nam Đế qua đời. Trước tình hình đó, Triệu Quang Phục đã xưng Vương (gọi là Triệu Việt Vương), vừa nhằm khẳng định danh nghĩa chính thức của người đứng đầu nhà nước Vạn Xuân, vừa để đảm nhiệm dẫn dắt cuộc kháng chiến chống quân Lương.
Đoàn rước ngai qua đền Hóa Dạ Trạch, vốn được xây dựng trên đúng vị trí đóng quân của Triệu Việt Vương. |
Dưới sự dẫn dắt của Triệu Việt Vương, không chỉ giữ vững căn cứ Dạ Trạch, mà còn liên tục mở rộng phạm vi kiểm soát ra các vùng xung quanh. Đến năm 550, khi cơ hội chín muồi, Triệu Việt Vương mở một loạt các cuộc tấn công lớn vào quân Lương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua tung quân ra đánh, quân Lương tan vỡ chạy về Bắc, nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở”.
Đoàn nghi lễ, đoàn rước di chuyển từ đền Hóa Dạ Trạch về đền thờ Triệu Việt Vương. |
Như vậy, chỉ trong vòng 8 năm tính từ đầu năm 542 đến đầu năm 550, hai vị anh hùng dân tộc Lý Bí (Lý Nam Đế) và Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) đã hai lần tổ chức đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương ra khỏi bờ cõi, giành lại quyền tự chủ. Nhà nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất, có lúc tưởng như đã bị tiêu diệt hoàn toàn, lại được hồi sinh giành lại nền độc lập trong một thời gian.
Đền thờ Triệu Việt Vương được xây dựng có mặt bằng kiểu “Tiền nhất, hậu đinh” tường hồi bít đốc với lối kiến trúc truyền thống có phong cách văn hóa Lạc Việt. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài kết hợp với hoa văn trang trí đặc thù. |
Trao đổi với Mekong ASEAN, Phó Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch Nguyễn Tiến Lộc cho biết, đền thờ Triệu Việt Vương được khởi công xây dựng ngày 1/4/2018, có diện tích khoảng 267,5 mét vuông trên khuôn viên rộng 13.748m mét vuông tại vị trí miếu thờ Triệu Quang Phục xưa. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài kết hợp với hoa văn trang trí đặc thù.
Hậu cung - nơi đặt tượng thờ Đức Vua Triệu Việt Vương. Hậu cung mặt bằng hình chữ nhật 3 gian 2 dĩ với 4 hàng chân cột, gian giữa rộng 3,35m; hai gian bên rộng 2,75m, có kiến trúc chồng diêm. |
Phía sau đền chính đắp đồi giả sơn bằng đất diện tích 102 mét vuông, tạo thế tựa cho đền thờ theo phong thủy phương Đông vừa trồng cây tạo cảnh quan chung cho khu di tích…Các kiến trúc được thiết kế đồng bộ, hòa hợp với không gian, cảnh quan làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đại diện chính quyền địa phương đánh trống khai hội (3 hồi 9 tiếng) Lễ hội Triệu Việt Vương 2022. |
Theo Tiến sĩ Vương Thị Hường, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hệ thống di tích nói chung, hệ thống di tích thờ Triệu Việt Vương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói riêng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc, trong mỗi di tích đều chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là cuốn sử sống động gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương.
Đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương về dự lễ hội. |
Bên cạnh đó, có nhiều cách khác nhau để tiếp cận lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm nhiều nhất. Bởi ở đó chứa đựng đầy đủ, xác thực và sinh động những giá trị của di sản văn hóa dân tộc.
Điệu múa "con đĩ đánh bồng" trai giả gái là một trong những nghi thức độc đáo tại lễ hội. |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch Nguyễn Tiến Lộc, đây là năm đầu tiên xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu tổ chức Lễ hội Triệu Việt Vương bao gồm phần lễ và phần hội, với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trong vùng và du khách thập phương.