Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại làng Mays al-Jabal, Lebanon tháng 12/2019. Ảnh: AP |
Theo hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (UNIFIL) Jean-Marie Lacroix, Tổng thư ký António Guterres đã xác nhận vào ngày 14/10 rằng lực lượng gìn giữ hòa bình vẫn sẽ ở nguyên tại các vị trí của mình tại Lebanon, bất chấp lời thúc giục di chuyển 5km về phía bắc của Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một video gửi tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 13/10 trước đó, cho biết: "Chúng tôi lấy làm tiếc về thương tích của binh lính UNIFIL và chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn thương tích này. Nhưng cách đơn giản và rõ ràng để đảm bảo điều này chỉ đơn giản là đưa họ ra khỏi vùng nguy hiểm”.
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an được đưa ra sau các cuộc tham vấn kín khẩn cấp về Lebanon, trong đó không nêu tên Israel, Lebanon hay Hezbollah, tuy nhiên kêu gọi tất cả các bên "tôn trọng sự an toàn và an ninh của nhân viên UNIFIL và các cơ sở của Liên Hợp Quốc". Tuyên bố còn kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trong đó yêu cầu phải bảo vệ dân thường.
Các thành viên Hội đồng Bảo an cũng bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về thương vong và đau khổ của dân thường, sự phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và số lượng người phải di dời trong nước ngày càng tăng.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia này kêu gọi bên liên quan thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an và “thừa nhận sự cần thiết của các biện pháp thực tế hơn nữa nhằm đạt được kết quả đó". Nghị quyết này kêu gọi quân đội Lebanon triển khai khắp miền Nam và tất cả các nhóm vũ trang, bao gồm cả Hezbollah, phải giải giáp.
Đây là tuyên bố đầu tiên của cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc kể từ khi quân đội Israel bị cáo buộc tấn công vào các vị trí của UNIFIL từ tuần trước và nhận phải nhiều sự lên án của cộng đồng quốc tế.
UNIFIL cáo buộc 2 xe tăng Merkava của Israel đã phá hủy cổng chính một căn cứ của mình ở miền nam Lebanon và tiến vào bên trong trước bình minh sáng ngày 13/10. Sau khi xe tăng rời đi, các quả đạn pháo phát nổ cách đó 100 m khiến khói bay khắp căn cứ và làm nhiều nhân viên mắc bệnh. Trước đây, UNIFIL cũng từng cáo buộc các cuộc tấn công của Israel vào một tháp canh, camera, thiết bị liên lạc và đèn chiếu sáng đã hạn chế khả năng giám sát của lực lượng này.
Về phía Israel, nước này cho biết cuộc tấn công lực lượng Hezbollah diễn ra rất gần một căn cứ của UNIFIL và “không phải một cuộc tấn công vào căn cứ”. Người phát ngôn quốc tế quân đội Israel Nadav Shoshani khẳng định: “Đây không phải là một vụ đột nhập vào căn cứ mà là một chiếc xe tăng đang chịu hỏa lực dữ dội lùi lại để thoát khỏi nguy hiểm".
Vào thời điểm đó, quân đội Israel cho biết đang chiến đấu với lực lượng Hezbollah – những người đã sử dụng tên lửa chống tăng khiến 25 người trong số họ bị thương. Ông cũng khẳng định bất kỳ trường hợp nào, trong đó lực lượng Liên Hợp Quốc bị tổn hại, sẽ được điều tra ở "cấp độ cao nhất".