Người Palestine xếp hàng lấy nước tại một trường học do UNRWA điều hành ở trại Jabalia dành cho người tị nạn Palestine ở phía bắc Gaza vào ngày 23/7/2024. Ảnh: Getty Images |
Trong một tuyên bố ngày 5/8, người đứng đầu UNRW Philippe Lazzarini, cho biết: “Tôi đã quyết định rằng với trường hợp 9 nhân viên này, họ không thể tiếp tục làm việc cho UNRWA”.
Ông nhấn mạnh: “Ưu tiên của cơ quan này là tiếp tục cứu sống và cung cấp các dịch vụ quan trọng cho người tị nạn Palestine ở Gaza, đặc biệt là khi đối mặt với cuộc chiến đang diễn ra, sự bất ổn và nguy cơ leo thang trong khu vực”. Ông cũng đồng thời lên án vụ tấn công mà lực lượng Hamas đã tiến hành tại miền nam Israel.
Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời ông Farhan Haq - phó phát ngôn viên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho biết: “Đối với 9 nhân viên UNRWA, bằng chứng đủ để kết luận rằng họ có thể có liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10”. Ông không cung cấp thông tin chi tiết về những người này hay vai trò của họ, tuy nhiên cho biết tất cả đều là nam giới.
Ông khẳng định: “Đối với chúng tôi, bất kỳ sự tham gia nào vào các cuộc tấn công đều là sự phản bội to lớn đối với loại công việc mà chúng tôi phải làm thay mặt cho người dân Palestine”.
Sau khi xung đột tại Dải Gaza nổ ra, chính phủ Israel hồi tháng 1/2024 đã cáo buộc 12 nhân viên của UNRWA tham gia vào các cuộc tấn công do lực lượng Hamas lãnh đạo ngày 7/10/2023. Quốc gia này tiếp tục tăng cường các cáo buộc vào tháng 3/2024 khi cho biết rằng có tổng cộng hơn 450 nhân viên UNRWA là thành viên quân sự của các nhóm vũ trang ở Gaza.
Vào thời điểm đó, Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất cho UNRWA – tuyên bố hồi tháng 1 đầu năm rằng sẽ tạm dừng tài trợ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết Mỹ "cực kỳ quan ngại" trước các báo cáo, trong khi Ngoại trưởng Antony Blinken nói với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres rằng "bất kỳ ai tham gia vào các cuộc tấn công tàn ác đều phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”.
Trong bối cảnh đó, Liên Hợp Quốc đã mở cuộc điều tra do Văn phòng Dịch vụ Giám sát Nội bộ (OIOS) dẫn đầu, liên quan đến các nhân viên UNRWA được cho là có tham gia vào vụ tấn công miền nam Israel.
OIOS cho biết việc điều tra được tiến hành dựa trên bằng chứng do Israel cung cấp trong các cuộc thảo luận với chính quyền Israel. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết không thể chứng thực bằng chứng đó một cách độc lập vì không có quyền truy cập trực tiếp. Ngoài ra, các nhà điều tra cũng xem xét thông tin nội bộ của UNRWA, bao gồm hồ sơ nhân viên, email và các dữ liệu liên lạc khác.