Xu hướng sản xuất vải từ sợi sinh học đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Ảnh: Buddha Jeans

Lối đi mới cho ngành thời trang nhờ sợi sinh học từ chuối và cam

Thời trang THẾ GIỚI
06:24 - 07/05/2022
Thời trang là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, do những lo ngại về lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, nhiều công ty thời trang đang phải tìm kiếm các vật liệu bền vững thay thế từ chuối và cam.

Nếu coi ngành thời trang như nền kinh tế một quốc gia, thì GDP của quốc gia này sẽ nằm trong top 10 thế giới với doanh thu hàng năm lên tới 1.300 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp này phát triển là nhờ thời trang nhanh - một trong những xu hướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất.

Nhằm giữ chân khách hàng, nhiều công ty thời trang nhanh nhắm tới phát triển thị trường đại chúng với số lượng lớn các mẫu quần áo với đủ kiểu dáng và giá cả phải chăng. Đây là một cách tiếp cận hiệu quả về mặt số lượng và cả doanh thu khi chỉ trong khoảng 15 năm qua, mọi người mua sắm nhiều quần áo hơn 60%.

Tuy nhiên, thời trang nhanh cũng tạo ra những hệ quả nghiêm trọng của riêng nó khi đi cùng với số lượng quần áo được tiêu thụ là tỷ lệ vứt bỏ quần áo tăng lên gấp đôi.

Thế giới đang cần hướng tới những giải pháp thân thiện hơn với môi trường để giải quyết vấn nạn gây ra bởi thời trang nhanh và đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Circular Systems

Thế giới đang cần hướng tới những giải pháp thân thiện hơn với môi trường để giải quyết vấn nạn gây ra bởi thời trang nhanh và đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Circular Systems

Hệ quả của xu hướng thời trang nhanh

Theo Quỹ Ellen McArthur, quy mô sản xuất quần áo đã tăng gần gấp đôi trong 15 năm qua nhờ vào sự gia tăng đáng kể dân số trung lưu trên toàn cầu. Tại các nền kinh tế phát triển, doanh số bán hàng bình quân đầu người cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Tới năm 2050, GDP thế giới dự kiến sẽ tăng tới 400%, đồng nghĩa với nhu cầu cho quần áo sẽ còn cao hơn nữa.

Trên hết, việc sản xuất ra các nguyên liệu thô cho ngành thời trang từ bông đến da tiêu tốn một khối lượng khổng lồ tài nguyên và đồng thời tạo ra một lượng lớn khí thải cũng các chất gây ô nhiễm. Ví dụ, việc sản xuất ra một chiếc áo cotton tiêu tốn tới 2.700 lít nước, tương đương với nhu cầu nước uống của 1 người trong hơn 2 năm. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), việc sản xuất ra một chiếc quần bò tạo ra một lượng khí thải ngang với việc lái một chiếc ô tô đi trên quãng đường dài khoảng 128km – gấp đôi quãng đường từ Hà Nội tới Hưng Yên.

Trong khi đó, các loại sợi nhân tạo như polyester lại có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch – một nguồn nhiên liệu được coi là bẩn và không thân thiện với môi trường. Những vật dụng thời trang bị vứt bỏ làm từ những loại vải không phân hủy được như thế này có thể nằm trong các bãi chôn lấp rác tới 200 năm.Trong khi đó, khoảng 20% lượng nước thải toàn cầu đến từ ngành công nghiệp thời trang.

Vì vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu như hiện tại, không có gì ngạc nhiên khi thế giới ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi về việc chuyển đổi ngành công nghiệp thời trang sang một mô hình bền vững hơn. Nhờ công nghệ ngày càng phát triển, tương lai ngành thời trang không chỉ giới hạn trong các nguyên liệu thô truyền thống và nguyên liệu hóa thạch mà còn được mở rộng tới cây chuối, vỏ cam hay các loại nguyên liệu hữu cơ khác như lá dứa, rơm hay vỏ cây mía.

Nhiều công ty thời trang nổi tiếng thế giới cũng bắt đầu giới thiệu các loại vải thân thiện với môi trường. Trong khi công ty quần áo sang trọng Hugo Boss có hẳn dòng sản phẩm giày dép Pinatex được sản xuất từ vỏ dứa, hãng thời trang H&M cũng có những sản phẩm được sản xuất từ vỏ cam. Nhà thiết kế thời trang Stella McCartney cũng là một trong những người tiên phong trong việc sử dụng một loại da thay thế được sản xuất từ nấm có tên là Mylo.

Sản phẩm ví từ sợi musa. Ảnh: Green Banana Paper

Sản phẩm ví từ sợi musa. Ảnh: Green Banana Paper

Sợi Musa

Thường được biết tới với cái tên thân thiện hơn là sợi chuối, musa là một trong những loại sợi tự nhiên mạnh nhất trên thế giới. Loại sợi này được làm từ thân cây chuối và có thể phân hủy, tuy nhiên lại có tính chất rất bền.

Bao gồm mô tế bào với thành dày và được liên kết với nhau bằng gôm tự nhiên, sợi musa chủ yếu bao gồm cellulose, hemicelluloses và lignin. Những tính chất này khiến sợi chuối sở hữu những đặc tính tương tự như sợi tre tự nhiên nhưng với khả năng kéo sợi, độ mịn và độ bền tốt hơn nhiều.

Một đặc điểm khác của loại sợi độc đáo này nằm ở tính đa năng của nó. Dựa trên các phần khác nhau của thân cây chuối, sợi chuối sẽ có trọng lượng và độ dày khác nhau, do đó có thể được sử dụng để sản xuất một số loại vải dệt khác nhau. Trong khi các sợi dày hơn, chắc hơn được lấy từ các bẹ bên ngoài của cây chuối, các bẹ bên trong lại được sử dụng để tạo ra các sợi mềm và mảnh hơn.

Tuy vẫn còn là một lính mới trên bản đồ thời trang thế giới, sợi chuối lại hoàn toàn không phải là một phát kiến gần đây. Trên thực thế, loại vải làm từ thân cây chuối đã được làm ra từ thế kỷ 13 tại Nhật Bản và dần trở nên ít phổ biến hơn khi bông và lụa từ Trung Quốc và Ấn Độ chiếm thế thượng phong.

Một trong những lý do khiến sợi musa không phổ biến dù là một vật liệu tốt và bền chính là do quá trình chiết xuất phức tạp của nó. Theo ông Matt Simpson – nhà sáng lập của công ty thời trang sử dụng sợi musa Green Banana Paper, quá trình này đòi hỏi nhiều sức lao động.

Sợi musa có thể được dùng để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm với chất liệu khác nhau. Ảnh: Green Banana Paper

Sợi musa có thể được dùng để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm với chất liệu khác nhau. Ảnh: Green Banana Paper

Đầu tiên, các cây chuối thải ra từ nhiều hộ nông dân khác nhau trên đảo Kosrae thuộc Cộng hòa Micronesia (Châu Đại Dương) sẽ được chất lên các xe tải của công ty và vận chuyển tới nhà máy. Sau đó, các bẹ chuối từ thân cây chuối sẽ được tách rời thành từng lớp riêng biệt và được đưa vào máy chiết để loại bỏ các sợi chuối.

Sau quá trình này, quá trình sản xuất giấy chuối sẽ bắt đầu. Nếu sản phẩm cuối cùng là sợi chuối, quy trình sẽ có một chút thay đổi khi các lớp bẹ chuối sẽ được đun sôi trong một loại dung dịch kiềm có tác dụng làm mềm và tách các sợi ra. Một khi quá trình tách hoàn thành, các sợi sẽ được nối với nhau để tạo ra các sợi dài hơn. Để tránh bị đứt, quá trình kéo sợi sẽ được làm ướt, rồi sau đó được nhuộm hoặc dệt tùy mục đích.

Sản phẩm vải cuối cùng từ sợi chuối được đánh giá là mềm, thoáng khí và có tính thấm hút cao. Ngoài ra, chúng cũng có xu hướng bóng tự nhiên và do đó thường được so sánh với lụa. Tuy nhiên, sợi musa không đủ cứng cáp và không đủ độ co giãn để có thể được dùng trong các môi trường áp lực cao như ở trong máy giặt. Vì nguyên nhân đó, hiện loại vải từ sợi chuối chủ yếu được sử dụng cho các vật dụng không yêu cầu giặt thường xuyên như ví tiền, thảm hay khăn thay vì áo phông, quần hay áo khoác.

Là một trong những loại cây được trồng nhiều nhất thế giới, vỏ cam là một nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc sản xuất sợi cam. Ảnh: Orange Fiber

Là một trong những loại cây được trồng nhiều nhất thế giới, vỏ cam là một nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc sản xuất sợi cam. Ảnh: Orange Fiber

Sợi cam

Đi cùng với xu thế xanh hóa ngành thời trang trên thế giới, nhãn hiệu thời trang Italy Salvatore Ferragamo đã sản xuất ra các sản phẩm quần áo của mình từ một loại sợi đặc biệt làm từ cam. Công ty đứng sau loại sợi này mang cùng tên là Orange Fiber và sử dụng nguyên liệu là nhiều tấn vỏ cam bị bỏ đi trong quá trình sản xuất nước cam.

Theo trang web chính thức của công ty, công nghệ tiên tiến này đã được cấp bằng sáng chế vào năm 2014 và được mở rộng tới nhiều quốc gia sản xuất nước cam lớn trên thế giới. Dựa trên việc chiết xuất cellulose chất lượng cao từ vỏ cam thừa, 60% lượng chất thải của quá trình sản xuất nước trái cây thay vì bị bỏ đi đã được công ty sử dụng cho các chuyền sản xuất của mình.

Để tạo ra được các loại vải, các sợi cellulose giống như tơ tằm sẽ được kết hợp với các vật liệu khác. Nếu vải được dệt 100% từ sợi cam, thành phẩm cuối cùng sẽ mềm, mượt, nhẹ và có kết cấu bóng hoặc mờ đục tùy theo mục đích sản xuất. Quy trình sản xuất cho loại sợi này sẽ bao gồm 6 bước cơ bản, trong đó có các bước chính bao gồm thu gom chất thải vỏ cam, chiết xuất cellulose từ vỏ cam, tạo sợi, kéo sợi và cuối cùng là dệt thành vải.

Sản phẩm áo của hãng thời trang H&M từ sợi cam. Ảnh: Orange Fiber

Sản phẩm áo của hãng thời trang H&M từ sợi cam. Ảnh: Orange Fiber

Vào năm 2015, Orange Fiber chính thức đạt được những thành công đầu tiên nhờ sự hợp tác với H&M Foundation. Các sản phẩm vải từ sợi cam của công ty cũng được các nhân vật nổi tiếng mặc qua, trong đó có siêu mẫu nổi tiếng của Đài Loan Lâm Chí Linh trong lễ trao giải Global Change Award 2018.

Qua bài phỏng vấn với H&M, đại diện công ty chia sẻ thách thức lớn nhất hiện tại chính là mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp của loại sợi bền vững này để tối ưu hóa chi phí sản xuất. Thêm vào đó, quá trình sản xuất sợi cam cũng rất tốn kém cả về mặt chi phí và thời gian, do đó thu hút các nguồn đầu tư tài chính cũng là một vấn đề cần được ưu tiên.

Siêu mẫu Đài Loan Lâm Chí Linh cũng từng diện thiết kế làm từ sợi cam của Orange Fiber. Ảnh: Orange Fiber

Siêu mẫu Đài Loan Lâm Chí Linh cũng từng diện thiết kế làm từ sợi cam của Orange Fiber. Ảnh: Orange Fiber

Sợi sinh học Agraloop

Nhằm giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ và vấn đề tốn kém tài nguyên từ quá trình sản xuất công nghiệp các mặt hàng thời trang nhanh, một công ty đã nghĩ ra ý tưởng làm ra các sản phẩm sinh học từ chất thải nông nghiệp của các cây lương thực. Circular Systems – công ty đứng sau công nghệ này – đã nhận được Giải thưởng Thay đổi Toàn cầu cho các cống hiến của mình.

Điều đặc biệt ở công nghệ này chính là việc các chất thải từ cây gai dầu, rơm cây lanh cũng như lá dứa, thân chuối và vỏ cây mía được tận dụng tới mức tối đa để sản xuất bao bì tự hủy, phân bón, nhiên liệu sinh học và một loạt các loại sợi mới thân thiện với sinh học chứ không phải chỉ riêng một sản phẩm cố định.

Sợi sinh học Agraloop có thể được sản xuất từ vỏ dứa, thân chuối hay vỏ cây mía. Ảnh: Circular Systems

Sợi sinh học Agraloop có thể được sản xuất từ vỏ dứa, thân chuối hay vỏ cây mía. Ảnh: Circular Systems

Với loại sợi sinh học được gọi là Agraloop Fiber này, các cây nông nghiệp được tinh chế thành sợi dệt nhờ kỹ thuật xử lý ướt chuyên dụng. Cụ thể, các sợi cellulose từ thân và lá được tinh chế thành các bó sợi mềm và từ đó được kéo thành sợi để dệt nên vải. Với đặc tính bền, các loại sợi sinh học sẽ được kết hợp cùng các vật liệu khác để sản xuất nên quần áo, giày dép, phụ kiện và thậm chí cả đồ gia dụng.

Cũng giống như các quy trình sản xuất sợi khác bao gồm 6 bước cơ bản, việc sản xuất ra sợi Agraloop sẽ được khởi đầu bằng quá trình thu thập chất thải từ thân cây và lá cây của các trang trại. Số lượng thân và lá cây này tiếp đến sẽ trải qua quá trình tách lớp và làm sạch bằng máy, sau đó được tinh chế qua hai quá trình riêng biệt của công ty là DryRefined không sử dụng nước và quá trình còn lại là Refined +. Kết quả sợi từ hai quá trình này sẽ được kéo thành sợi hay dệt thành vải và từ đó tạo ra các sản phẩm cuối cùng tới tay người dùng.

Một sản phẩm áo blazer sản xuất từ sợi sinh học Agraloop. Ảnh: Circular Systems

Một sản phẩm áo blazer sản xuất từ sợi sinh học Agraloop. Ảnh: Circular Systems

Các ý tưởng và sáng kiến mới cho một ngành thời trang bền vững hơn đang được phát triển và thúc đẩy liên tục bởi nhu cầu chuyển đổi xanh và trung hòa carbon của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện phần lớn các loại vật liệu này vẫn chủ yếu được giới hạn cho các hãng thời trang sang trọng do quy trình sản xuất đòi hỏi nhiều sức lao động và tốn kém.

Để giá cả trở nên thân thiện hơn cho người dùng phổ thông, việc nghiên cứu các loại sợi sinh học cần được chính phủ cũng như các quỹ đầu tư trên thế giới quan tâm hơn nữa. Đồng thời, các nhãn hàng thời trang cũng cần thay đổi tư duy sản xuất và tập trung hơn vào việc quảng bá các loại vải thân thiện với môi trường.

Trên tất cả, người tiêu dùng vẫn là trọng tâm của vấn đề và mọi đường lối giải quyết tình hình đều cần tới từ việc thay đổi thói quen sử dụng quần áo tiết kiệm hơn.

Đọc tiếp